Sức mạnh đoàn kết từ mỗi thôn, bản
(Baonghean.vn) - Với sự hợp lực của người dân, các địa phương đã huy động được nguồn lực tổng hợp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó được bắt nguồn từ việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân ở mỗi khối, xóm, thôn, bản.
Gắn kết cộng đồng
Bản Na Lâu, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) được thành lập năm 2020, trên cơ sở sáp nhập 2 bản Na Làn và Bù Lâu. 3 năm nay, 141 hộ đồng bào các dân tộc Thái và Kinh ở bản đã xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.
Bà con bản Na Lâu nay có nhiều hộ mở ki-ốt kinh doanh hiệu quả; cùng nhau góp công, góp của, hiến đất mở rộng, bê tông hóa toàn bộ hệ thống giao thông nội bản. Bản có hơn 35 ô tô các loại, tính bình quân 4 hộ có 1 ô tô.
Ông Trương Minh Sơn – Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Na Lâu phấn khởi chia sẻ: “Từ khi sáp nhập 2 bản đến nay, đồng bào Thái và Kinh luôn đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, sinh hoạt cộng đồng hòa thuận. Mọi hoạt động của bản đều có sự chung tay của người dân. Công tác khuyến học được quan tâm. Bản không có người bỏ học giữa chừng và không ai vi phạm các tệ nạn xã hội…”.
Để đạt được thành quả đó, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ cấp ủy, Ban Quản lý, Ban Công tác Mặt trận cùng các đoàn thể ở bản Na Lâu nỗ lực tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao nhận thức, chung ý chí vì sự phát triển của bản làng.
“Trong mỗi phong trào, cán bộ bản Na Lâu luôn là những người tiên phong, đoàn kết, nêu gương thực hiện. Từ đó, mỗi người dân trong bản thấy được trách nhiệm chung sức hành động. Bản Na Lâu được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của xã đánh giá cao, là điển hình để nhân rộng phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các bản, làng khác trong xã”, đồng chí Cao Duy Thái - Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý cho biết thêm.
Với bà con ở thôn Thủy Chung thuộc xã biên giới Thanh Thủy (Thanh Chương), bà con đã đoàn kết làm nên những “kỳ tích”. Đó là việc 280 hộ dân của thôn quyên góp hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ còn hiến đất, di dời cây cối, tường rào để mở đường rộng, đẹp. Riêng nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cùng với hỗ trợ từ ngân sách các cấp. Điều đặc biệt, thôn Thủy Chung là thôn mới thành lập năm 2019, từ sáp nhập xóm 7, xóm 8 cùng một phần xóm 5 và thôn Thị Tứ cũ của xã Thanh Thủy.
Theo đồng chí Nguyễn Vĩnh Cường - Bí thư Chi bộ thôn Thủy Chung, kết quả đó chính là sức mạnh đoàn kết cùng hành động của chi bộ, ban cán sự, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong thôn. Dù sáp nhập từ nhiều xóm cũ, nhưng ngay từ khi mới thành lập, bà con xóm Thủy Chung đã đoàn kết thống nhất, thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy kinh tế rừng, vườn đồi; gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại. Khi đời sống các hộ dân nâng lên, bà con tích cực góp sức xây dựng quê hương khang trang hơn”.
Thống kê từ MTTQ tỉnh, năm 2023, nhân dân các địa phương đã hiến trên 97.132 m2 đất, đóng góp trên 536 tỷ đồng và hơn 450.939 ngày công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.799 khối, xóm, thôn, bản. Trên cơ sở đó hình thành gần 63.000 tổ dân cư tự quản hoạt động dựa trên nguyên tắc nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đề cao tính dân chủ, tự quản, tự giác, tự nguyện của các hộ dân, phù hợp với quy định của pháp luật, hương ước, quy ước của làng, xã, tổ dân phố.
Năm 2023, nhân dân các địa phương đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết như: “Bữa cơm đại đoàn kết”, tuần lễ “Sắc vàng đại đoàn kết”, “Ngày Chủ nhật xanh, trồng cây đại đoàn kết”, cùng nhau đảm bảo trật tự, an ninh thôn, xóm, bản, “Xứ đạo an lành, văn minh”, “Giáo xứ, giáo họ bình yên”, giữ vững “3 yên” (yên dân, yên địa bàn và yên biên giới ở huyện Kỳ Sơn)…
Tất cả các tổ dân cư tự quản chung sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ ngày 2/10 đến ngày 8/10/2023) đã ban hành các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Trong năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương tổ chức “Ngày hội kết đoàn” với chuỗi các hoạt động: Triển lãm hình ảnh “93 năm ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc”; Trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, các hình ảnh, tư liệu về khối đại đoàn kết; Đêm hội kết đoàn với Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An”; Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca kết đoàn”. Cùng đó, tại các khối, thôn, xóm, bản, tổ dân cư có nhiều hoạt động tăng cường gắn kết ở cơ sở.
Theo đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, các hoạt động nêu trên đã tạo dấu ấn sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cổ vũ nhân dân trên địa bàn tỉnh thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”.