Đầu năm, nhộn nhịp nơi làng ươm giống cây lâm nghiệp ở huyện Tân Kỳ

X.Hoàng - Q.An 15/02/2024 15:46

(Baonghean.vn) - Nghề ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Tân Hương (Tân Kỳ) có từ hàng chục năm trước. Mỗi độ Xuân về, nơi đây lại nhộn nhịp cảnh chăm sóc, mua bán cây giống lâm nghiệp, góp phần làm nên màu xanh của những cánh rừng.

Clip: X.Hoàng - Q.An

Xã Tân Hương bám trục đường Hồ Chí Minh, trước đây là vùng quê nghèo của huyện miền núi Tân Kỳ. Nhưng từ khi phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp, cuộc sống của hàng trăm gia đình đã thay đổi. Những ngày đầu Xuân năm mới này, người dân nơi đây nhộn nhịp cảnh chăm sóc, cung ứng cây giống lâm nghiệp cho khách hàng.

bna-giong-ln-6-71.jpg
Người dân xã Tân Hương thu hoạch cây giống lâm nghiệp cung ứng cho khách hàng. Ảnh: X.Hoàng

Bà Trần Thị Vân ở xóm 7, xã Tân Hương cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc vườn keo giống cho biết, những ngày đầu năm này, nhu cầu trồng rừng tại các địa phương cao, nên cây giống tiêu thụ mạnh. Để có nguồn cây giống cung cấp cho khách hàng, từ những tháng cuối năm 2023, gia đình đã ươm trên 40 vạn cây keo giống.

bna-giong-ln-3-6516.jpg
Cây keo giống được ươm tại xã Tân Hương có chất lượng đảm bảo nên khách hàng trong và ngoài tỉnh chọn mua ngày càng nhiều hơn. Ảnh: Q.An

"Nghề ươm giống cây lâm nghiệp diễn ra hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là vụ Xuân, nên toàn bộ diện tích hơn 1 sào đất vườn đồi, gia đình dành để ươm cây giống. Những ngày đầu Xuân năm mới này, khách hàng đến mua tăng cao, nên gia đình loại bỏ những cây giống không đảm bảo chất lượng, đóng bao bì sẵn sàng, khi có khách mua là có ngay. Năm nay, giá bán giống cây keo 600 - 700 đồng/cây, có giảm hơn so với năm trước", bà Vân cho hay.

bna-giong-ln-4-9243.jpg
Lựa chọn cây keo giống trước khi xuất bán cho khách hàng. Ảnh: X.Hoàng

Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Nghề ươm cây giống lâm nghiệp tại địa phương có từ đầu những năm 2000, lúc đầu chỉ có vài hộ ươm tự phát, sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên bà con nhân rộng dần. Toàn xã hiện có 289 hộ dân tham gia ươm cây giống lâm nghiệp với diện tích lên tới 30 ha. Mỗi năm toàn xã thu về 60 - 62 tỷ đồng từ nghề ươm cây giống, chiếm 30% giá trị sản xuất toàn xã.

Trong số 289 hộ tham gia ươm giống cây thì đã có trên 100 hộ vươn lên trở thành hộ khá, giàu, với mức thu nhập cao mỗi năm. Nghề ươm cây giống lâm nghiệp diễn ra gần như quanh năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

bna-giong-ln-2-1092.jpg
Người dân xã Tân Hương chăm sóc vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Ảnh: Q.An

Phát triển nghề ươm cây giống lâm nghiệp tại xã Tân Hương, ngoài cung cấp giống cây cho địa phương, còn cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hoá... nhờ có tuyến đường Hồ Chí Minh thuận lợi. Trên địa bàn huyện Tân Kỳ, ngoài xã Tân Hương, hiện nay còn có một số địa phương dọc tuyến đường Hồ Chí Minh như Nghĩa Hành, Kỳ Tân cũng phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hoá, có thu nhập.

bna-giong-ln-7-3531.jpg
Xã Tân Hương bám trục đường Hồ Chí Minh nên thuận lợi cho việc phát triển nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Ảnh: X.Hoàng

Với hơn 38.000 ha đất lâm nghiệp, huyện Tân Kỳ xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rừng nguyên liệu và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nghề trồng rừng phát triển đồng nghĩa với việc ươm cây giống phát triển sôi động, không những giúp nhiều hộ dân huyện Tân Kỳ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn góp phần cùng địa phương làm tốt công tác phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp thêm sắc màu tươi mới trong bức tranh mùa Xuân của xứ Nghệ./.

X.Hoàng - Q.An