Nhà sưu tầm ở Nghệ An với bộ cổ vật được chứng nhận Kỷ lục Việt Nam

Mỹ Hà 14/02/2024 10:57

(Baonghean.vn) - Hơn 30 năm sưu tầm và bảo tồn trên 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại và chất liệu, nhà sưu tầm Trần Thái Bình (phường Vinh Tân, TP. Vinh) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập, tôn vinh giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam.

Đam mê và kỳ công

Buổi lễ trao tặng xác lập tôn vinh kỷ lục cho nhà sưu tầm Trần Thái Bình vừa được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức trong những ngày đầu tháng 1/2024 và đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hội.

Trong nội dung tôn vinh giá trị Kỷ lục Việt Nam, ngoài ghi nhận hành trình 30 năm sưu tầm, còn đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của ông trong việc “tham gia trưng bày các chuyên đề và hiến tặng nhiều hiện vật cho địa phương; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam”.

sau-nhieu-nam-gan-bo-bo-suu-tap-cua-ong-tran-thai-binh-hien-da-co-hon-5000-hien-vat-9071-8168.jpg
Sau nhiều năm gắn bó, bộ sưu tập của ông Trần Thái Bình (bên phải) hiện đã có hơn 5.000 hiện vật. Ảnh: Mỹ Hà

“Trước đây, tôi chỉ sưu tầm với sự đam mê của bản thân. Nhưng để hoàn thành bộ hồ sơ và minh chứng với ban tổ chức lại rất kỳ công.

Tôi cảm giác ví như mình là một cậu học trò nhỏ, mà phải cố gắng để có thể đạt được yêu cầu của một người có trình độ giáo sư, tiến sĩ.

Trên cả nước, có rất nhiều người sưu tầm hiện vật lâu hơn tôi, số lượng nhiều hơn tôi và có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ sưu tập của tôi được ghi nhận bởi sự độc, hiếm và lạ”.

ông Trần Thái Bình

Ông Trần Thái Bình là nhà sưu tầm cổ vật tự do và là thành viên Chi hội Cổ vật Sông Lam (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam). Trước khi được vinh danh Kỷ lục Việt Nam, cổ vật sưu tầm của ông đã được Bảo tàng Nghệ An khảo sát thực tế và xác nhận. Trong đó, có nhiều bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ.

Đó là bộ sưu tập tượng cổ với 120 pho tượng cổ, chất liệu vàng, ngọc, đồng, đá sa thạch, gỗ, gốm có niên đại từ 100 đến 1.000 năm.

bo-suu-tap-do-gom-su-voi-nhieu-hien-vat-co-gia-tri-7797-1411.jpg
Ông Trần Thái Bình với bộ sưu tập đồ gốm. Ảnh: Mỹ Hà

Đáng quý, trong danh sách này có nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm chất liệu đá ngọc phủ hoàng kim niên đại 500 năm; tượng Phật A di đà sơn son, thiếp vàng niên đại 200 năm; tượng thần Si va bằng đá sa thạch nặng 80kg, niên đại thế kỷ XI; bộ sưu tập chuông, chiêng cổ với 151 hiện vật chất liệu đồng xuất xứ tại Việt Nam, Chăm Pa, Lào có niên đại từ 100 - 300 năm, trong đó có nhiều chuông quý hiếm như chuông cổ Chăm Pa nặng 70kg, nhạc khí thời Đông Hán (niên đại gần 2.000 năm).

Trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Trần Thái Bình còn có bộ sưu tập bát, nồi đồng cổ xuất xứ Hán, Việt, niên đại 100 - 2.500 năm; là bộ sưu tập trang sức, binh khí bằng đồng với số lượng 519 hiện vật gồm vòng tay, bao tay, bao chân, khuyên tai, gương đồng, trâm cài đầu, trống đồng, dao găm, rìu đồng có niên đại từ 200 - 2.000 năm; bộ sưu tập hiện vật thời kỳ đồ đá, bộ sưu tập gốm sứ với 2.800 hiện vật niên đại từ 100 - 2.000 năm.

mot-pho-tuong-co-6611-6616.jpg
Một pho tượng cổ quý giá. Ảnh: Mỹ Hà

Kể về bộ sưu tập của mình, ông Trần Thái Bình cho biết: “Nhiều người đã hỏi tôi giá trị của bộ sưu tập và chính tôi cũng không thể định giá được. Với tôi là vô giá vì nó gắn bó với tôi trong hành trình của nửa đời người. Có những cổ vật tôi phải bán đi nhiều tài sản của gia đình mới mua được, nhưng cũng có những cổ vật đến với tôi bằng cái duyên”...

Góp phần lưu giữ cốt lõi “nôi văn hóa xứ Nghệ”

Nhà sưu tầm Trần Thái Bình sinh năm 1973 và bắt đầu đến với công việc sưu tầm hiện vật bằng sự yêu thích, hoàn toàn ngẫu nhiên. Gần 30 năm gắn bó với nghiệp sưu tầm, dù không được học nhiều về lĩnh vực này nhưng không ít người cùng niềm đam mê nể và xem ông là “giám định viên”, bởi vốn hiểu biết phong phú và khả năng thẩm định chính xác.

bna-bo-suu-tap-chuong-chieng-co-voi-hon-150-hien-vat-8378.jpg
Bộ sưu tập chuông cổ với hơn 150 hiện vật. Ảnh: Mỹ Hà

Bản thân ông Bình thì cho rằng: Ai đến với nghiệp sưu tầm đồ cổ cũng đã từng gặp thất bại hoặc đã từng ít nhất một lần mua phải hàng giả, hàng nhái. Cá nhân ông, cũng đã không ít lần gặp phải tình huống này.

Tuy nhiên, từ chính niềm đam mê với các hiện vật, ông đã tìm hiểu các lĩnh vực về văn hóa khoa học, lịch sử. Quan trọng hơn, là bản thân học được từ các chuyến đi trải nghiệm thực tế về nhiều vùng đất với người dân địa phương.

bna-nha-suu-tam-tran-thai-binh-gioi-thieu-ve-bo-suu-tap-cac-buc-tuong-phat-co-9152.jpg
Nhà sưu tầm Trần Thái Bình giới thiệu về bộ sưu tập các bức tượng Phật cổ. Ảnh: Mỹ Hà

Đến với nghề sưu tầm đồ cổ và có hàng nghìn hiện vật có giá trị, ông Bình nói rằng “để kinh doanh” không khó. Nhưng với những người sưu tầm phải đặt cái “tâm” lên đầu, việc bán đi một cổ vật mà mình dày công sưu tầm giống như “cắt đi khúc ruột”.

Đó cũng là lý do vì sao ông tham gia để xác nhận Kỷ lục Việt Nam, bởi đây là một “kênh” để ghi nhận giá trị của bộ sưu tập. Hơn nữa, còn là cách để ông quảng bá, giới thiệu bộ sưu tập của mình đến với những người cùng đam mê và lan tỏa các di sản văn hóa.

bna-bo-suu-tap-nhung-chiec-chuong-co-2729.jpg
Bộ sưu tập chuông cổ. Ảnh: Mỹ Hà

Những năm qua, với vai trò là thành viên Chi hội Cổ vật Sông Lam, nhà sưu tầm Trần Thái Bình và những người cùng chung niềm đam mê trong hội cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để lan tỏa các giá trị văn hóa như tham gia trưng bày, hiến tặng một số cổ vật cho Bảo tàng Nghệ An và một số di tích trên địa bàn.

Ông cũng từng nhiều lần được Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Nghệ An tặng Bằng khen, Giấy khen.

bna-hoi-7734.jpeg
Hội đồng Xác lập VietKings cùng trao bằng và huy hiệu Kỷ lục Việt Nam đến các cá nhân, đơn vị sở hữu Kỷ lục (ông Trần Thái Bình đứng thứ 5 từ phải sang). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm hơn với việc được phong tặng này. Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là “cái nôi cổ vật” của cả nước.

Vì thế, tôi mong rằng, bằng những hiện vật mình đã sưu tầm, nhiều người sẽ biết đến cái “nôi văn hóa” xứ Nghệ và cùng chung tay để bảo tồn, phát huy và giữ gìn.

ông Trần Thái Bình

Mỹ Hà