Diễn viên Thái Sơn: Tôi chưa dám nghĩ tới việc được đóng Bắc Đẩu ở 'Táo Quân'
“Gặp nhau cuối năm - Táo Quân” được ví như “đặc sản” đêm Giao thừa, nhiều năm nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều thế hệ khán giả.
“Táo Quân” phản ánh những vấn đề nhức nhối của xã hội trong một năm qua góc nhìn hài hước và châm biếm. Khi sân khấu “Táo Quân” vắng bóng NSND Công Lý do vấn đề sức khỏe, khán giả nhắc đến nhiều gương mặt có tiềm năng đảm nhận vai Bắc Đẩu, trong đó có diễn viên Thái Sơn.
Diễn viên Thái Sơn xuất thân là diễn viên Chèo, nhưng anh ghi dấu ấn với khán giả qua loạt vai diễn phim truyền hình, có thể kể đến nhân vật Tú trong phim “Dưới bóng cây hạnh phúc”, vai khách mời trong phim “Gia đình mình vui bất thình lình”, A Rể trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến” hay Điều pha chế trong phim “Biệt dược đen”...
Qua các vai diễn, Thái Sơn cài cắm những câu Chèo, những đoạn hát Xẩm để khắc họa nét độc đáo, mới mẻ của nhân vật. Ngoài ra, anh còn là cái tên “hot” trên mạng xã hội nhờ lối diễn xuất dí dỏm, hài hước.
PV Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nam diễn viên Thái Sơn về nghề diễn, phạm vi hoạt động của nghệ sĩ và câu chuyện mang tính biểu tượng cho hương vị Tết là “Táo Quân”.
Ấn tượng với Thái Sơn từ phim truyền hình khiến nhiều khán giả đang đề xuất Thái Sơn đóng Bắc Đẩu ở “Táo Quân”. Suy nghĩ của anh về điều này và về sự yêu mến của khán giả dành cho mình?
- Tôi chỉ biết cảm ơn khán giả vì đã yêu, đã tin nên mới có đề xuất như vậy. “Gặp nhau cuối năm - Táo Quân” là một sân khấu lớn, uy tín, hoành tráng, quy tụ nhiều nghệ sĩ giỏi. Đã là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn được đứng trên những sân khấu lớn, bên cạnh những anh chị, cô chú đồng nghiệp. Nói thật, điều mà khán giả nhắc đến, tôi chưa dám nghĩ tới. Tôi nghĩ một nghệ sĩ tài ba như anh Công Lý, với vai diễn đặc sắc như Bắc Đẩu thì khó ai có thể thay thế được, có chăng chỉ là sự tiếp nối mà thôi.
Trước anh có NSND Tự Long, một diễn viên Chèo nổi tiếng nhờ truyền hình. NSND Tự Long đã cảm ơn truyền hình, cảm ơn “Táo Quân” đã giúp anh ấy nổi tiếng, bản thân NSND Tự Long vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Chèo, và luôn tìm cơ hội để quảng bá cho Chèo ở “Táo Quân”. Với anh, Chèo là câu chuyện sẽ được kể như thế nào?
- Chèo luôn chảy bên trong cơ thể tôi. Chỉ cần có tác phẩm nào có cơ hội, hoàn cảnh nào có cơ hội, tôi đều đưa nghệ thuật Chèo vào. Trong “Dưới bóng cây hạnh phúc” được đạo diễn cho phép và hoàn cảnh phù hợp, tôi hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn. Đó cũng là lời tri ân của tôi đến nghệ thuật Chèo, với cái nghiệp mà mình đang theo. Giống như cách mà anh Xuân Hinh, anh Tự Long đã làm, tôi tận dụng mọi cơ hội để quảng bá Chèo.
NSND Tự Long đã đồng hành cùng anh từ khi mới vào nghề. Với anh, nghệ sĩ Tự Long có ảnh hưởng như thế nào?
- Tôi rất trân trọng NSND Tự Long. Hồi tôi bắt đầu thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh, bác tôi là nghệ sĩ Xuân Theo (Nhà hát Chèo Quân đội) dẫn tôi sang giới thiệu với anh Tự Long và gửi gắm tôi. Sau đó, NSND Tự Long đã hướng dẫn, chỉ dạy tôi với tiểu phẩm “Câu cá trộm” để thi đỗ vào Đại học Sân khấu Điện ảnh. Để có được ngày hôm nay, tôi luôn biết ơn NSND Tự Long.
Thời gian chưa vào học Đại học, tôi cũng rất hay sang Nhà hát Chèo Quân đội xem các anh chị biểu diễn, tập vở mới. Tôi mê và thích lối diễn xuất của anh Tự Long. Anh ấy diễn được rất nhiều dạng vai mà vai nào cũng “rất lửa, rất nhiệt”. Không chỉ hát hay, diễn tốt mà anh ấy là người nghệ sĩ rất đa tài ở nhiều lĩnh vực.
Tôi được anh hướng dẫn diễn xuất từ những điều cơ bản. Khi đó, tôi như một trang giấy trắng được anh Long hướng dẫn những điều đầu tiên. Đó là sự ảnh hưởng rất tích cực ngay từ những ngày đầu bởi tôi được anh Tự Long uốn nắn những nét diễn xuất chuẩn nhất ngay từ thời kỳ ban đầu. Với tôi, đây là sự may mắn lớn.
Nhiều nghệ sĩ Chèo lấn sân truyền hình, hoạt động trên mạng xã hội để đến gần hơn với khán giả. Nếu nói, phim truyền hình giờ vàng đang mang đến danh tiếng, sức hút mới cho diễn viên Chèo Thái Sơn - có đúng không, theo anh?
- Diễn viên Chèo hay các loại hình nghệ thuật sân khấu của Việt Nam nói chung chỉ tiếp cận được số lượng khán giả hạn chế. Còn truyền hình quốc gia lại có nhiều nền tảng hỗ trợ nên có thể hoạt động trên phạm vi rộng, có khả năng tiếp cận đến nhiều khán giả hơn. Tham gia phim truyền hình hay đóng phim hài, rõ ràng tôi có thể lan tỏa nhiều hơn khi biểu diễn trên sân khấu nơi chỉ có một nhóm khán giả nhất định thưởng thức.
Tính đến lúc này, anh là nghệ sĩ Chèo đặc biệt khi có kênh cá nhân thu hút lượng lớn khán giả theo dõi. Anh đã xây dựng kênh cá nhân như thế nào để có được sự thành công này?
- Ngoài làm việc ở Nhà hát Chèo Việt Nam, tôi cộng tác với một công ty truyền thông nghệ thuật giải trí. Tôi và êkip cùng nhau xây dựng, quản lý kênh và mang đến những nội dung lành mạnh, nghiêm túc. Tôi muốn làm ra những sản phẩm vui vẻ, hài hước và có thông điệp gửi đến khán giả.
Theo anh, yếu tố hài có phải đang là “mỏ vàng” để kiếm ra tiền trên các nền tảng mạng xã hội?
- Quan điểm của tôi là “nhất nghệ tinh”, nghề nào mà mình có chuyên môn, có đam mê, làm việc say sưa, hết mình thì đều là “mỏ vàng”. Diễn viên hài nói riêng và diễn viên nói chung đều rất vất vả. Chúng tôi quay hàng ngày, hàng tuần, chỉ cần dừng lại là không có nội dung để phát sóng. Một sản phẩm có được yêu thích, khán giả cũng chỉ xem đến lần 2, lần 3 rồi họ sẽ tìm những cái mới để xem.
Chúng tôi luôn phải lao động, luôn phải làm mới nội dung, cập nhật tình hình để đưa vào sản phẩm, từ đó góp một chút quan điểm, một chút tiếng nói vào các vấn đề của xã hội. Hài là một “mỏ vàng” với những ai nỗ lực hết mình vì nó, và các bộ môn khác, những công việc khác cũng sẽ là “mỏ vàng” nếu chúng ta cố gắng.
Khán giả biết đến Thái Sơn từ mạng xã hội, sau đó ấn tượng với anh trên phim truyền hình, từ đó mới tìm kiếm và ngạc nhiên khi biết anh xuất thân là một diễn viên Chèo. Anh thấy hành trình này có phải là một nghịch lý không?
- Tôi nghĩ đó không phải là nghịch lý. Khán giả biết đến tôi qua Facebook, YouTube hay TikTok thì đó đều là những nền tảng tôi sử dụng để phục vụ khán giả. Với tôi nghịch lý ở đây không nằm ở việc tôi là nghệ sĩ sân khấu chuyển sang hoạt động trên mạng xã hội rồi mãi về sau khán giả mới biết tôi là nghệ sĩ Chèo.
Tôi cho rằng, đó là sự thích nghi với thời đại, khi mà công nghệ số mở ra những cơ hội mới, đòi hỏi những nghệ sĩ cũng phải đổi mới, nâng cấp và thuận theo dòng chảy đó. Dù sao những loại hình mới cũng giúp tôi tiếp cận đến khán giả nhanh hơn, gần hơn việc biểu diễn trong một rạp hát hạn chế chỗ ngồi. Tôi tham gia các nền tảng mới, tôi vẫn được thể hiện tài năng, được biểu diễn, vậy thì tại sao tôi lại từ chối.
Tham gia nhiều vai diễn, anh có thể kể lại những kỷ niệm đáng nhớ phía sau màn ảnh? Hành trình để những vai phụ, vai khách mời của anh tạo được dấu ấn với khán giả?
- Phim nào tôi tham gia cũng có những kỷ niệm. Trong “Cuộc chiến không giới tuyến”, kỷ niệm là những chuyến đi, những buổi đi quay phải leo đồi núi. Có thời điểm phim quay vào mùa mưa, đoàn phim phải thuê đầu kéo máy cày để vận chuyển đồ. Chuyến đi đó vất vả nhưng cho tôi trải nghiệm, được sống với bà con vùng núi. Trong phim “Dưới bóng cây hạnh phúc”, một chị diễn viên quần chúng quay phân cảnh tát tôi đến mức tôi “nổ đom đóm mắt”. Lúc đó đau nhưng giờ nghĩ lại cũng thấy vui.
Tôi nhớ nhất lúc uống no nước trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Trong chai rượu đó không có rượu mà toàn nước lọc nhưng có phải quay một lần là được đâu. Khi quay phải bổ sung cái này cái kia, đúp quay cận, đúp quay toàn. Sau khi xong cảnh đó tôi no một bụng nước.
Khi thể hiện những phân đoạn Chèo trên phim ảnh, anh thấy cách biểu diễn Chèo trên sân khấu và thể hiện Chèo trên phim truyền hình có gì khác nhau?
- Hai môi trường này khác nhau ở chỗ khi làm truyền hình, quay các tác phẩm hài, diễn viên có thể quay lại, làm lại nếu có quên lời. Còn trên sân khấu, diễn viên phải làm chuẩn, không thể làm lại vì vở Chèo phải tiếp tục diễn ra. Khi diễn Chèo trên sân khấu, tôi có thể tương tác trực tiếp với khán giả, cùng tham gia, cùng diễn xuất với nhau.
Hiện tại, anh khá bận rộn với các dự án phim và các hoạt động riêng. Anh phân bổ thời gian giữa Chèo và công việc diễn xuất như thế nào?
- Có những thời điểm bận rộn, phải tập chương trình mới, tập vở mới, tôi sẽ xin phép lãnh đạo cơ quan cho nghỉ vài buổi hoặc tập sau nếu nhận được lời mời hợp tác từ các đơn vị khác. Tôi phải sắp xếp thời gian để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc, để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của mọi người.