NATO trông đợi vào Mỹ để trang bị vũ khí cho Ukraine

Lan Hạ (Theo RT) 16/02/2024 06:47

(Baonghean.vn) - ​ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ cấp thêm nguồn tài trợ cho Ukraine để chống lại Nga vì Kiev hiện đang thiếu viện trợ quân sự.

anh-1-9218.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Phát biểu ngày 15/2 trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, ông Stoltenberg cảm ơn Thượng viện Mỹ đã phê duyệt gói hỗ trợ an ninh quốc tế, trong đó có khoảng 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, dự kiến sẽ bị chặn. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thư ký NATO vào cuối tháng 1, ông cho hay ông cảm nhận được rằng có sự đồng thuận rộng rãi về “sự hỗ trợ lâu dài” đối với Kiev. “Tôi tin tưởng Quốc hội Mỹ có thể hiện thực hóa sự ủng hộ đó... Chúng tôi đã thấy tác động của việc Washington không thể đưa ra quyết định"- ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Thượng viện đã thông qua gói hỗ trợ vào ngày 13/2, sau khi một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đứng về phía đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu. Tổng thống Joe Biden kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật ra bỏ phiếu càng sớm càng tốt, đồng thời tuyên bố rằng văn kiện có đủ số phiếu để thông qua. Sau đó, Chủ tịch Hạ viện tái khẳng định quan điểm phản đối đối với đề xuất này, với lý do vấn đề an ninh biên giới phía Nam chưa được giải quyết. Trước đây Quốc hội đã có những nỗ lực nhằm ràng buộc vấn đề an ninh biên giới với viện trợ nước ngoài, nhưng đều thất bại.

Ông Johnson nói với báo chí: “Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ không bị cản trở hoặc buộc phải thông qua dự luật viện trợ nước ngoài, vốn bị hầu hết các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối và không làm gì để bảo đảm biên giới của chính chúng ta”. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa yêu cầu “trước khi giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề của chính mình trước tiên”.

Ông Johnson cáo buộc Tổng thống Biden không nhất quán khi tuyên bố phe đối lập đang bị Tổng thống Putin lợi dụng thông qua việc từ chối yêu cầu viện trợ. Đầu tháng này, Nhà Trắng đã làm suy yếu hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ bằng cách tạm dừng phê duyệt xây dựng terminal. Vì quyết định đó, các đối tác của Mỹ ở châu Âu "giờ đây sẽ phải lấy nhiên liệu từ Moskva” và “trút tiền vào túi Putin”, ông Johnson tuyên bố.

Lan Hạ (Theo RT)