Độc đáo lễ tế bánh chưng, bánh dày tại ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ

Thanh Thủy 16/02/2024 11:39

(Baonghean.vn) - Sáng 16/2, Ban quản lý di tích đền Cờn long trọng tổ chức lễ tế bánh chưng, bánh dày - một tục lệ đã được duy trì trên 200 năm nay tại ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã), mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển.

Các cụ già trong trang phục truyền thống, khăn xếp áo the trang trọng, hai bên là hàng nữ quan trong trang phục áo dài, đầu đội khăn, cùng thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống.

bna-1-3710.jpg
Bánh chưng, bánh dày được bày trang trọng trên bàn thờ. Ảnh: Thanh Thủy

Đây là tục lệ đã có trên 200 năm được duy trì, bảo tồn, là sản phẩm văn hóa phi vật thể độc đáo của địa phương, được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Bánh chưng, bánh dày là những sản vật, tế phẩm đặc biệt, lưu truyền từ thời vua Hùng Vương dựng nước. Bánh chưng vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh dày tượng trưng cho bầu trời.

bna-5-8086.jpg
Sau lễ tế, bánh được chia cho những người tham dự và du khách. Ảnh: Thanh Thủy

Lễ tế bánh truyền thống hằng năm nhằm cảm tạ trời đất, chư vị thần linh và các bậc cao nhân tiên hiền có công với dân với nước, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ca ngợi sự linh thiêng của Đền Cờn, cũng như phong cảnh, vẻ đẹp con người vùng đất Phương Cần xưa, nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền Cờn nói chung và lễ tế bánh chưng, bánh dày nói riêng.

bna-anh-22dsc01239-9959.jpg
Hàng nữ quan trong trang phục áo dài, đầu đội khăn, làm lễ tế bánh chưng, bánh dày. Ảnh: Thanh Thủy
bna-2-1064.jpg
Đội lễ nghi thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Ảnh: Thanh Thủy

Để có những vật phẩm bánh đẹp mắt, ngon, dẻo, thơm dâng lên Thánh mẫu trong ngày tế bánh, khâu chọn gạo được đặc biệt coi trọng. Gạo được dùng làm bánh là loại gạo nếp cái hoa vàng hạt tròn, căng mẩy, không vỡ. Bánh chưng được gói bởi những người khéo tay được dân làng tuyển chọn. Còn đối với bánh dày, việc làm bánh đòi hỏi kỳ công hơn.

Trước ngày diễn ra lễ tế bánh, những phụ nữ khéo tay, hay làm, đảm đang của làng Phương Cần đã được tuyển chọn để nấu hàng chục nồi xôi. Những thanh niên trai tráng của làng biển là những người trực tiếp giã xôi. Khi xôi nhuyễn thì vắt thành bánh, việc nắn cho bánh có hình tròn đẹp mắt sẽ được giao cho những người thạo việc, khéo tay.

bna-3-1028.jpg
Đánh trống tại lễ tế bánh chưng, bánh dày. Ảnh: Thanh Thủy

Sau khi lễ tế bánh kết thúc, bánh được chia đều cho dân trong làng và du khách với mong muốn ai cũng gặp nhiều may mắn và bình an. Lễ tế bánh chưng, bánh dày cũng là sự kiện văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Góp phần tuyên truyền, quảng bá về truyền thống văn hóa, quê hương, con người Hoàng Mai đến bè bạn và du khách thập phương.

bna-4-5937.jpg
Sản phẩm bánh dày được làm từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ làng phương Cần, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Thủy

Từ ngày mồng 1 Tết đến nay, lượng khách về tham quan, chiêm bái ở đền Cờn rất đông, mỗi ngày với hàng ngàn người. Công tác tổ chức các hoạt động lễ tại đền được Ban quản lý chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc, du khách đến đây đã tuân thủ nghiêm nội quy của đền trong việc lễ, bái, dâng hương, dâng hoa, hoá vàng tiền, tạo sự nghiêm trang, quy củ. Các dịch vụ phục vụ cho du khách được bài trí hợp lý, không ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, chiêm bái, cầu lễ, khiến cho di tích đền Cờn càng trở nên linh thiêng hơn trong những ngày đầu năm mới./.

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Trưởng Ban quản lý di tích đền Cờn

Thanh Thủy