Nghệ An tích cực, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm

Thành Chung 17/02/2024 14:00

(Baonghean.vn) - Sau đại dịch Covid-19, mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường. Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực, kịp thời của các cấp, ngành và cả cộng đồng.

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.

P.V: Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hiện ở Nghệ An có những dịch bệnh nào nổi lên, thưa ông? Ngành Y tế Nghệ An đã triển khai công tác phòng, chống các loại dịch bệnh này như thế nào?

Ông Chu Trọng Trang: Trong những năm qua, đại dịch Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 dường như đã “lấn át” các dịch bệnh khác. Song thực tế các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vẫn xảy ra và công tác phòng, chống các loại dịch bệnh này cũng luôn được coi trọng. Và khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, chúng ta cũng đã thấy rõ hơn được sự hiện diện, đe dọa của những dịch bệnh truyền nhiễm.

bna-phun-doc-khu-trung-khu-vuc-ngap-lut-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-va-cac-loai-benh-khac-7040.jpg
Phun phòng khử trùng khu vực bị ngập lụt. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Năm 2022/2023, trên địa bàn Nghệ An nổi lên nhiều dịch bệnh truyền nhiễm ngoài Covid-19, đó là: Hội chứng cúm, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, tay - chân - miệng, dại… thậm chí có những dịch bệnh mà trước đây ít gặp như bạch hầu, ho gà cũng xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Dịch bệnh có nhiều người mắc là sốt xuất huyết Dengue. Năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue là 2.670 ca (có 95 ổ dịch/19 địa phương) và năm 2023 là 1.195 ca (có 72 ổ dịch/13 địa phương). Việc nhiều dịch bệnh nguy hiểm nổi lên sau đại dịch Covid-19 là hiện tượng đặc biệt, đáng lo ngại.

Phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế Nghệ An đã hết sức chủ động và tích cực. Năm 2022/2023, toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin dịch Covid-19. Nghệ An nhận 76 đợt phân bổ từ Trung ương, không trả lại vắc-xin, đảm bảo sử dụng vắc-xin kịp thời, an toàn và hiệu quả cho người dân trong tỉnh. Tỷ lệ tiêm đủ các mũi cơ bản của Nghệ An cao đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Đây chính là tiền đề để số ca mắc giảm sâu và việc kiểm soát bền vững trở nên thuận lợi.

Với phương châm sớm hơn một bước, cao hơn một mức, ngành Y tế Nghệ An đã quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch. Khi dịch xảy ra, ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất hiện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố đưa ra giải pháp cụ thể cho từng đơn vị, phương án huy động cộng đồng, hệ thống chính trị tham gia, giải quyết khó khăn, triển khai đồng bộ các biện pháp y tế, thiết lập chế độ báo cáo ngày.

Nhờ vậy, các ổ dịch, ca bệnh đều được bao vây, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh, không để dịch lớn xảy ra. Năm 2023, trên địa bàn không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như H5N1, H7N9, Mer-CoV, Ebola.

P.V: Rõ ràng, mô hình bệnh tật đã và đang có nhiều thay đổi. Dự báo trong năm 2024 này, tình hình dịch bệnh sẽ như thế nào. Nghệ An cần phải làm gì để phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm?

Ông Chu Trọng Trang: Trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 vẫn có thể diễn biến khó dự đoán với nhiều biến thể khác nhau, do đó, vẫn rất cần sự chủ động trong công tác quản lý, kiểm soát. Đối với nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Nghệ An đã có nguồn bệnh trong cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương đi lại, nên khả năng có nhiều ca bệnh ngoại lai xâm nhập, do vậy, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh là rất cao.

tam-hoa-chat-man-phong-muoi-1321.jpg
Tẩm hoá chất màn phòng muỗi. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Năm 2023, cũng như các địa phương trong cả nước, Nghệ An đã thiếu hụt một số vắc-xin cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng do khủng hoảng nguồn cung. Khoảng trống vắc-xin đã làm nhiều trẻ không được tiêm phòng tạo nên miễn dịch chủ động. Đây chính là nguy cơ dẫn đến việc một số dịch bệnh vốn đã được “dập tắt” trước đây có thể quay trở lại.

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, rõ ràng chúng ta không được chủ quan mà cần tiếp tục tăng cường thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch.

Thứ nhất, đối với công tác chỉ đạo, điều hành cần phải quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, cần thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (dự phòng; cách ly điều trị tại chỗ - cơ sở vật chất; trang thiết bị, thuốc men; phòng hộ tại chỗ - kinh phí tại chỗ - nhân lực tại chỗ).

Thứ ba, nâng cao khả năng nhận định, dự báo dịch với việc chủ động giám sát, đánh giá các ổ dịch cũ, giám sát véc-tơ, môi trường hàng tháng để kịp thời đưa ra các nhận định, cảnh báo và có các giải pháp cụ thể.

Thứ tư, xây dựng tốt kịch bản phòng, chống dịch. Cụ thể, căn cứ vào số lượng ca bệnh ghi nhận hàng năm trên địa bàn, diễn tiến về chu kỳ dịch bệnh, tình hình thực tế, các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản, trong đó, cụ thể hóa về con người, thời gian, vật lực, trang thiết bị cụ thể đáp ứng phòng, chống dịch.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông với nguyên tắc truyền thông đi trước một bước, truyền thông liên tục và đa dạng.

Thứ sáu, cần tăng cường đào tạo, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo mới, đào tạo lại đối với cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh các tuyến, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đáp ứng, xử lý dịch bệnh.

Cuối cùng, phải cung cấp đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, hóa chất. Bảo đảm bố trí kịp thời, đủ kinh phí và kinh phí dự phòng ổn định, lâu dài, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện cần làm tốt vai trò tham mưu cho Sở Y tế, UBND các cấp về kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong hoạt động chuyên môn cần chủ động tiến hành khoanh vùng, cách ly, xử lý sớm; tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho đơn vị; thường trực các tổ phản ứng nhanh đảm bảo đáp ứng, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết; phân tích, nhận định, dự báo và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo từng giai đoạn.

P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về việc thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023? Đến năm 2024 này, tình trạng thiếu vắc-xin đã được khắc phục hay chưa?

Ông Chu Trọng Trang: Năm 2023, thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, Nghệ An có 4/9 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, bao gồm tỷ lệ tiêm phòng lao; tiêm phòng viêm gan B sơ sinh; phụ nữ có thai được tiêm 2 liều uốn ván; tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản. 5/9 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ; tiêm vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà cho trẻ 18 tháng; tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng; tiêm đủ mũi bại liệt; tiêm vắc-xin sởi/rubella.

tiem-vac-xin-phong-benh-cho-tre-1230.jpeg
Tiêm phòng cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đạt các chỉ tiêu về tiêm chủng là do hoạt động cung ứng vắc-xin bị gián đoạn. Từ trước đến nay, việc cung ứng vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn từ Trung ương. Trong năm 2023, việc cung ứng này bị gián đoạn. Ngày 20/4/2023, Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) có Công văn số 700/VSDTTƯ- TCQG thông báo hết 2/10 loại vắc-xin tiêm phòng cho trẻ là vắc-xin “5 trong 1” hết từ tháng 2/2023 và vắc-xin DPT hết từ tháng 4/2023. Tháng 10/2023, Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương ngừng cấp 9/10 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (trừ vắc-xin viêm não Nhật Bản).

Quý I năm 2023, Bộ Y tế giao UBND các tỉnh tự cân đối ngân sách để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân. Sở Y tế Nghệ An đã tổng hợp dự trù số lượng vắc-xin và vật tư tiêm chủng cần phải có trong những tháng cuối năm 2023 và toàn bộ năm 2024; đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thực hiện mua vắc-xin và vật tư tiêm chủng. Nhưng sau đó, Trung ương nhận thấy nếu để các tỉnh thực hiện mua vắc-xin sẽ có nhiều bất cập, vậy nên, Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục cung cấp nguồn vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương. Ngân sách Trung ương tiếp tục triển khai tiêm chủng đảm bảo cung ứng vắc-xin.

Đứng trước những khó khăn về việc thiếu vắc-xin để tiêm chủng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để vừa tiếp nhận tối đa vắc-xin từ Trung ương và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng. Sở Y tế đã làm việc cùng Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương trao đổi về giải pháp cung ứng tối đa số vắc-xin hiện có tại viện để phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng; thực hiện rà soát nhu cầu vắc-xin một cách thường xuyên, liên tục, căn cứ vào lịch tiêm chủng của trẻ để tiếp nhận tối đa số vắc-xin hiện còn, nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng các loại; tổ chức nhiều chiến dịch tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung đối với các vùng có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp/xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành Y tế Nghệ An cũng đã tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân về tình hình cung ứng các loại vắc-xin trong thời gian tới, giúp người dân hiểu, đồng thuận và chủ động lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp cho các đối tượng tiêm chủng. (Hệ thống tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua đã phát triển rất mạnh. Có 48 cơ sở tiêm chủng ngoài công lập, 22 cơ sở y tế công lập tham gia việc tiêm dịch vụ. Người dân có thể tham gia tiêm dịch vụ để kịp thời phòng bệnh).

Với sự chủ động, sự chung tay, đồng lòng của hệ thống y tế dự phòng, trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn, hoạt động tiêm chủng mở rộng của Nghệ An năm 2023 đã vượt qua khó khăn, gặt hái được kết quả đáng ghi nhận so với các địa phương trên toàn quốc.

Năm 2024 này, tình trạng thiếu hụt vắc-xin tiêm chủng đã được khắc phục. Đầu năm, Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương đã tiến hành cấp 9/10 loại vắc-xin cho tỉnh Nghệ An. Số lượng 9 loại vắc-xin này đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024...

Để chủ động đảm bảo tốt việc cung ứng vắc-xin trong thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ nỗ lực thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo và quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét, tiêm chiến dịch đối với các vùng có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp do thiếu vắc-xin hoặc xảy ra dịch bệnh; chủ động đề xuất tối đa nhu cầu sử dụng vắc-xin để tiếp nhận tối đa và triển khai hiệu quả tiêm chủng cho địa phương; huy động nguồn lực đảm bảo đáp ứng các hoạt động tiêm chủng; tăng cường công tác kiểm tra, công tác quản lý, bảo quản vắc-xin tại các tuyến; đẩy mạnh truyền thông cho người dân trên địa bàn về lợi ích của việc tiêm phòng, để người dân chủ động lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp cho trẻ.

P.V: Thực tiễn đã và đang cho thấy: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; Hệ thống y tế dự phòng cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để nâng cao hơn nữa năng lực y tế dự phòng hiện nay?

Ông Chu Trọng Trang: Quy mô hệ thống y tế dự phòng ở tỉnh bao gồm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; ở huyện gồm phòng y tế, trung tâm y tế; ở xã gồm trạm y tế và các nhân viên y tế thôn, bản. Để nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống này, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người. Từ trước đến nay, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng đã và đang gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đơn cử như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thiếu các máy móc, sinh phẩm xét nghiệm do khó khăn trong công tác đấu thầu.

can-bo-y-te-tuyen-truyen-van-dong-nguoi-dan-thuc-hien-thuc-hanh-nang-cao-suc-khoe-anh-dinh-tuyen-7406.jpg
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Cùng với đó, chúng ta cần phải có giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên y tế thông qua việc đào tạo, hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh. Quan tâm hơn nữa chế độ tiền lương, đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế dự phòng để họ đáp ứng tốt yêu cầu công việc (chế độ tiền lương của đội ngũ này hiện khá thấp, trong khi các đơn vị dự phòng là y tế công, không có thu).

Cần phải đảm bảo sự gắn kết của hệ thống y tế dự phòng ở tất cả các tuyến từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã để hoạt động báo cáo, chỉ đạo phòng, chống dịch được hoàn chỉnh, xuyên suốt. Trong quá trình hoạt động, bản thân các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng cần tập trung tăng cường khả năng phân tích để kịp thời đưa ra các nhận định, cảnh báo và chủ động tham mưu các cấp xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Y tế mà là của cả cộng đồng. Bản thân mỗi một người dân cũng cần tích cực tham gia chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng việc nâng cao kiến thức phòng bệnh, đến ngay cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe để được tư vấn, hướng dẫn; thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát những yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…).

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Chung