Người Nhật không muốn trở thành 'cây ATM' cho Ukraine

Mỹ Nga 19/02/2024 06:54

(Baonghean.vn) - Nhiều người Nhật tin rằng, số tiền dành hỗ trợ cho Ukraine sẽ tốt hơn nếu được chi vào việc tái thiết sau trận động đất ngày 1/1 và giảm nợ công. Xã hội Nhật Bản cảm thấy "mệt mỏi vì chiến tranh", khi dường như có rất ít cơ hội để kết thúc xung đột. 

capture-4092.png
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bất ngờ thăm Kiev hồi tháng 3/2023. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Theo hãng tin RT ngày 16/2, tờ South China Morning Post đưa tin, ngày càng có nhiều người dân Nhật Bản đề nghị rằng, số tiền dành cho Ukraine sẽ tốt hơn nếu được chi vào việc tái thiết sau thảm họa động đất ngày 1/1 và giảm nợ công.

Nhật Bản sẽ đóng góp 15,8 tỷ Yên (105 triệu USD) khi công bố một loạt kế hoạch giúp tái thiết Ukraine hôm 12/2. Tokyo còn khuyến khích các nước khác giúp đỡ quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Theo giới phân tích, Ukraine cách xa Nhật Bản về mặt địa lý và vấn đề này cần được các nước châu Âu giải quyết.

Nhật Bản đã xác định 7 lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, bao gồm năng lượng, nhân đạo và đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Chuyên gia kỹ thuật hạng nặng IHI có kế hoạch thành lập một cơ sở sản xuất ở nước láng giềng Romania và vận chuyển các bộ phận đến Ukraine để lắp ráp lần cuối.

Nhật Bản cũng đang tài trợ cho việc thành lập một khoa mới tại Học viện Bách khoa Igor Sikorsky ở Thủ đô Kiev để giảng dạy về cách đặt và xử lý bom mìn an toàn. Nhật Bản cung cấp cho Ukraine thiết bị chống mìn, thiết bị y tế, mũ bảo hiểm, áo giáp và các thiết bị quân sự khác.

Ukraine hoan nghênh sáng kiến ​​của Nhật Bản. Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal trả lời phỏng vấn tờ Kyodo News cho biết, Ukraine "quan tâm đến việc hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp Nhật Bản", ông nhìn thấy "tiềm năng to lớn" trong mối quan hệ giữa các công ty Nhật Bản và Ukraine.

Tuy nhiên, những tuyên bố của giới chính trị lại không được lòng người dân Nhật Bản. Yoichi Shimada - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, cho biết, đối với ông, “có vẻ như Nhật Bản dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida đang biến thành một chiếc máy ATM".

Theo vị giáo sư này, Nhật Bản phải tập trung vào các mối đe dọa đối với an ninh của chính mình và điều đó có nghĩa là Tokyo phải sẵn sàng và có khả năng bảo vệ các đảo của Nhật Bản.

Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư chính trị Koichi Nakano của Đại học Tokyo Sophia cho rằng "sự mệt mỏi vì chiến tranh" đã xuất hiện trong công chúng Nhật Bản, khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài và dường như có rất ít cơ hội để kết thúc các cuộc giao tranh khốc liệt./.

Mỹ Nga