Từ vụ hơn 62 công nhân mắc bụi phổi: Lỗ hổng trong giám sát an toàn lao động

Tiến Hùng 17/02/2024 15:27

(Baonghean.vn) - Vụ việc hơn 62 công nhân mắc bụi phổi ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến đã cho thấy nhiều bất cập, lỗ hổng. Đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện các vi phạm hoặc xử lý chưa nghiêm.

Nhiều vi phạm kéo dài

Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có báo cáo kết quả kiểm tra sau khi trực tiếp về làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến và các cơ quan chức năng liên quan đến vụ 62 công nhân bị bụi phổi. Báo cáo này đã cho thấy những bất cập, lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến có trụ sở tại Khu Công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long (Nghi Lộc). Năm 2017, công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá silic. Quy trình công nghệ của hoạt động chế biến đá bao gồm: nghiền thô, xay đá, ngâm, rửa, sấy, phân tách hạt và nghiền tinh, đóng bao. Trong đó, từ khâu nghiền thô đã phát sinh và phát tán bụi đá có hàm lượng silic cao. Đặc biệt, tại khu vực nghiền tinh, bụi đá được ghi nhận bằng mắt thường đã rất đậm đặc; tại khu vực ngâm, rửa và sấy có dùng dung môi có hóa chất tẩy trắng để làm sạch, làm bóng nguyên liệu. Trung bình có từ 20-25 lao động làm việc hàng ngày tại công ty.

bna-ab4-8542.jpg
Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: T.H

Hiện trạng nhà xưởng cho thấy, thiết bị phụ trợ, các hệ thống hút lọc bụi đã cũ, hỏng, đa phần là tự chế, chắp vá; bố trí lao động tập trung trong một khu vực nhà xưởng rộng, nhưng tiếp xúc trực tiếp với bụi, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, không đúng chủng loại, nên không đảm bảo các điều kiện, nguyên tắc cơ bản của phòng, chống bụi trong sản xuất, từ hệ thống công nghệ, đến tổ chức lao động (không bố trí những đối tượng lao động không cần phải tiếp xúc trực tiếp sang khu vực không có bụi, hoặc có vách ngăn giữa khu vực làm việc cho các khâu chuẩn bị, phụ trợ với khu vực trực tiếp vận hành tiếp xúc trực tiếp với bụi) và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng (khẩu trang lọc bụi, bán mặt nạ lọc bụi…).

ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học và An toàn vệ sinh lao động kết luận

Từ năm 2017 đến nay, công ty đã tuyển dụng tổng số 137 lao động. Sau khi có một số trường hợp lao động từng làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến tử vong và đã được Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic, các cơ quan của ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 101 người lao động từng làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến.

Qua kết quả khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, có 62 lao động đã và đang làm việc tại đây mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, trong đó: 5 người chết liên quan đến bệnh bụi phổi silic, 1 trường hợp tử vong chưa xác định nguyên nhân cụ thể, 19 người lao động bị mắc bệnh bụi phổi silic nặng, 25 người mức độ mắc bệnh trung bình, 13 người mức độ tổn thương trên phổi cần theo dõi và 20 trường hợp khám đợt 3 chưa có kết quả.

Các trường hợp làm việc tại công ty khám nhưng không mắc bệnh nghề nghiệp chủ yếu là cán bộ quản lý, lao động gián tiếp trong văn phòng. Các trường hợp lao động còn lại đang tiếp tục được rà soát, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, nguy cơ số người mắc khả năng cao sẽ tăng. Các trường hợp mắc bệnh bụi phổi mức độ nặng có nguy cơ suy giảm sức khỏe nhanh, khả năng tử vong cao. Các trường hợp trung bình cũng có nguy cơ tăng nặng nếu không được điều dưỡng, phục hồi chức năng đầy đủ.

bna-ab3-7408.jpg
Cảnh bụi bay mù mịt trong lúc công nhân làm việc. Ảnh: H.T

Thiếu sự giám sát chặt chẽ

Cũng theo báo cáo của đoàn công tác, trước năm 2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến không tổ chức quan trắc môi trường lao động. Sau khi phát hiện nhiều công nhân tử vong do bụi phổi, tháng 3/2023, công ty mới ký hợp đồng thực hiện quan trắc môi trường lao động, kết quả: 43 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Về quản lý sức khỏe người lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật người lao động được lập năm 2023 (không có ngày, tháng lập), tình hình sức khỏe được cập nhật từ tháng 2/2023. Công ty không tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm cho người lao động; công ty không có hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp. Từ trước năm 2023, công ty không tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Tháng 2/2023 công ty có hợp đồng khám sức khỏe định kỳ tại một phòng khám tư ở huyện Nam Đàn. Hợp đồng có nội dung khám bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong phần kết quả không có kết quả khám bệnh nghề nghiệp. Phòng khám này là đơn vị không đủ điều kiện để khám bệnh nghề nghiệp.

bna-ab1-4949.jpg
Ông Nguyễn Anh Thơ thăm hỏi công nhân bị bệnh bụi phổi. Ảnh: T.H

Về việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động đã phát hiện bị bệnh nghề nghiệp, tất cả các trường hợp bị mắc bệnh nghề nghiệp đến nay chưa được giải quyết các chế độ bồi thường (từ phía chủ sử dụng lao động), trợ cấp (từ bảo hiểm xã hội) cho người bị bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Có một số người lao động từng làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến chưa được tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.

Về pháp luật lao động, công ty đã không chấp hành việc thông tin đầy đủ về điều kiện lao động, quyền lợi của người lao động trong hợp đồng lao động và quá trình sử dụng lao động.

Về bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động được tuyển dụng không được tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Về an toàn, vệ sinh lao động, công ty đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; không tập luyện an toàn, vệ sinh lao động, đánh giá rủi ro nghề nghiệp, phân loại lao động theo điều kiện lao động; không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động; không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; không trang bị đầy đủ, đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân; không tổ chức quan trắc môi trường lao động đầy đủ, không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và nhiều quy định khác.

Cũng theo trưởng đoàn công tác Nguyễn Anh Thơ, vụ việc ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến cho thấy, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chưa được tiến hành kịp thời, đầy đủ với một doanh nghiệp sản xuất trong một lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng (chế biến đá có hàm lượng silic cao).

Việc hướng dẫn, tổ chức triển khai các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động chưa hiệu quả, đặc biệt là các nội dung liên quan đến vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

“Các tổ chức dịch vụ quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hiện nay đa số có năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quan trắc đầy đủ các chỉ tiêu môi trường lao động, không đủ năng lực thiết bị, chuyên gia để khám phát hiện nhiều bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp không tham gia đầy đủ các khóa tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe, môi trường lao động, dẫn đến việc tổ chức triển khai không đầy đủ, không tuân thủ pháp luật”, ông Thơ nói.

bna-ab2-2587.jpg
Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An thăm hỏi gia đình có người lao động mắc bệnh bụi phổi. Ảnh: T.H

Từ vụ việc ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến, đoàn công tác cho rằng, việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, hệ thống công nghệ, thiết bị đã được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục năm nay, chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.

Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động mới tác động chủ yếu đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, chưa triển khai sâu rộng đến nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, các làng nghề truyền thống.

Trong khi đó, quan trắc môi trường lao động còn mang tính hình thức, chưa tuân thủ nguyên tắc đo lường và kiểm soát yếu tố có hại, thiếu quy trình, quy định chi tiết cũng dẫn tới cách triển khai quan trắc môi trường lao động thiếu nhất quán, giảm sự tin cậy của kết quả quan trắc môi trường lao động; khám, chẩn đoán, giám định và điều trị bệnh nghề nghiệp còn rất hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ nói.

Tiến Hùng