Cây chè dây vươn cao trên miền Yên Tĩnh

Anh Vũ - Hà Giang 19/02/2024 18:35

(Baonghean.vn) - Về Yên Tĩnh, chúng tôi cuốn vào câu chuyện làm ăn mới của người dân và cán bộ xã vùng sâu này. Và “cuốn” nhất, là chuyện cây chè dây Yên Tĩnh được chính người dân ở đây năng động, sáng tạo làm nên sản phẩm được đóng bao bì, tiêu thụ tốt, đang ngày một lan xa tiếng tăm...

Thú thực, lên Yên Tĩnh lần này chúng tôi mang theo ám ảnh về một miền núi thẳm nặng những chuyện buồn xưa trước những ngày đỉnh Pu Phen lở loét, tan hoang do nạn khai thác vàng với hệ lụy tạo thành “điểm nóng” trên địa bàn huyện rẻo cao Tương Dương. Bởi thế, bữa tối trước đó với mấy anh em bạn bè “thổ dân” ở thị trấn Thạch Giám, dù có đặc sản lòng hồ thủy điện, đủ thức bò giàng, gà ác kèm chén đưa cay... mà khách có phần lặng lẽ. Có gì đó vừa háo hức, vừa dợn dợn một nỗi mơ hồ.

thu-hai-135.jpg
Thu hái chè dây tại mô hình trồng mới dọc khe Chà Hạ của Tổ hợp tác chè dây bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh (Tương Dương)

Hơn hai mươi năm trước tôi từng được bám theo đoàn công tác của tỉnh vào với Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh theo con đường “độc đạo” như lối mòn đủ những gian nan. Yên Tĩnh lúc đó hoang sơ, đời sống đồng bào khó khăn cứ lồ lộ. Rừng núi đang trên đà bị tàn phá tầng xanh khiến dự cảm về cái đói nghèo đeo đẳng. Nhưng quang cảnh Yên Tĩnh lúc đó thực là “yên tĩnh”, với cuộc sống người dân tự cung tự cấp, dịch vụ hầu như chưa có gì và hoạt động của bộ máy cơ sở đang vận hành một cách đơn giản... Thế rồi “cơn bão độc” do nạn khai thác vàng trên đỉnh Pu Phen, khe Chà Hạ quét qua. Những trận lũ cuốn làm chết người, mất của, trôi nhà... Yên Tĩnh đã không được “yên tĩnh”!... Khó khăn chồng chất khó khăn.

“Đến trung tâm Yên Tĩnh rồi!”, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tương Dương nói. Tôi mải ngắm những cánh rừng keo, tre mét, nương sắn... đang đưa đời sống người dân ngày một khấm khá bền vững, nên bất ngờ với một “quần thể” sôi động và tươi tắn những nhà dân, trường học, công sở, dịch vụ bán mua dọc tỉnh lộ 543C bám bên khe Chà Hạ.

Xôn xao tiếng chào hỏi, nắng rỡ trên những khuôn mặt người. Chúng tôi cuốn vào câu chuyện làm ăn mới của người dân và cán bộ xã vùng sâu này. Và “cuốn” nhất, là chuyện cây chè dây Yên Tĩnh được chính người dân ở đây năng động, sáng tạo làm nên sản phẩm được đóng bao bì, tiêu thụ tốt, đang ngày một lan xa tiếng tăm...

ban-canh-tong-1231.jpg
Con khe Chà Hạ trong xanh trở lại sau nạn khai thác vàng trên đỉnh Pu Phen, nay đang cho nguồn thu tốt từ bảo vệ nguồn lợi thủy sinh, đặc biệt là đặc sản cá mát.

Thực ra chuyến đi Yên Tĩnh lần này của chúng tôi là từ cái tin nhắn của anh Lữ Khăm Kháy ở bản Cành Toong, hiện đang phụ trách Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè dây. Tin nhắn đại ý như một lời “kêu cứu” rằng nếu việc khai thác vàng tiếp diễn thì bao nhiều công sức, kỳ vọng về một cuộc sống yên bình, phát triển bằng chính những nội lực, cố gắng bên cạnh sự hỗ trợ của trên cũng “tan” theo luôn đối với không riêng Tổ hợp tác mà cả cán bộ, nhân dân Yên Tĩnh nói chung.

Nghiêm trọng thế! Và đúng là nghiêm trọng, nếu như mai đây một dự án khai thác khoảng sản, cụ thể là vàng, được cấp phép triển khai ở đây. Núi Pu Phen đang xanh lại những tầng rừng trong đó có tầng chè dây đang tự tin khẳng định giá trị, con khe Chà Hạ văn vắt chảy qua trung tâm Yên Tĩnh với những loài thủy sinh phát triển, cho đánh bắt những mẻ thủy sản giá trị... rồi sẽ ra sao? Và nhất là sự xáo trộn, tao tác cuộc sống an cư của người dân khi bao tệ nạn kéo về theo việc khai thác vàng hoành hành như trong quá khứ? Một Yên Tĩnh đang nỗ lực cao hướng tới đích xây dựng nông thôn miền núi đổi mới chắn hẳn sẽ đối diện với thách thức không nhỏ.

Tịnh không thấy “dàn” cán bộ trẻ của Yên Tĩnh “mặn mà” được một dự án có thể “về” như thường thấy ở một địa phương cơ sở vùng sâu còn nhiều khó khăn. Chắc hẳn vì, đây là dự án khai thác khoáng sản mà hệ lụy khó đo đếm được, ám ảnh đến cả thế hệ mai sau của người dân Yên Tĩnh...

Chè dây là loại cây leo mọc hoang trong rừng, có tên khoa học là Ampelosis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch, thuộc họ nho (Vitaceae). Kết quả nghiên cứu trên chè dây của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã công bố các kết luận: Chè dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng đạt 93,4%, với Alusi (loại thuốc chuyên trị bệnh viêm loét hành tá tràng hiện nay) là 89%; khỏi bệnh ở mức độ liền sẹo là của chè dây là 36,36% với Alusi 30,56%… Sử dụng chè dây không gây độc và không có tác dụng phụ.

Xuống bản Cành Toong, nơi có 15 hộ tham gia Tổ hợp tác chè dây yên Tĩnh, chúng tôi không gặp Lữ Khăm Kháy vì anh đang bận về xuôi dự sự kiện gì đó liên quan đến sản phẩm chè dây, nhưng được gặp vợ anh là cô giáo mầm non Kha Thị Hoa là 1 trong 15 thành viên của Tổ.

Dưới ngôi nhà sàn bên Khe Chà Hạ, nữ Bí thư Chi bộ bản Cành Toong Lương Thị Xoa và các thành viên Tổ hợp tác chè dây Yên Tĩnh đang kiểm tra sản phẩm chè dây đã sơ chế để đóng gói với các nhãn hiệu "Chè dây Yên Tĩnh", “Trà thảo dược Chè dây Cành Toong”. Kha Thị Hoa hồ hởi nói: Sản phẩm chè dây Cành Toong của Yên Tĩnh đã kết nối được thường xuyên với các khách hàng trong tỉnh và ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi. Năm 2023 tổ bán được hơn 1 tạ trừ chi phí thu về hơn 200 triệu đồng...

img-20240219-202936-7464.jpg
Bí thư Chi bộ bản Cành Toong Lương Thị Xoa (phải) và cô giáo mầm non Kha Thị Hoa - những thành viên Tổ hợp tác trong vườn mô hình trồng chè dây.

Cây chè dây trên núi Pu Phen nay cũng đã được Tổ hợp tác đưa về tự ươm giống trồng ở vườn nhà, trồng mới 1ha bên khe Chà Hạ và phát triển tốt. Vui nhất là sản phẩm chè dây Yên Tĩnh đã được Tổ hợp tác đưa lên “sàn điện tử” - trang Fanpage “Chè dây Yên Tĩnh” đang hoạt động khá chuyên nghiệp.

kiem-tr-5811.jpg
Cán bộ huyện Tương Dương, xã Yên Tĩnh và Tổ hợp tác chè dây kiểm tra sản phẩm sơ chế.

Chúng tôi vừa thưởng thức ấm chè dây tươi thơm ngọt vừa ủ, vừa tiếp tục chuyện trò về giống chè dây quý đang ngày một được dày lên tầng xanh bao quanh đỉnh Pu Phen, mà quyết tâm nhân rộng "khởi phát" từ một chuyến khảo sát của lãnh đạo huyện, xã và phóng viên về hệ lụy nạn khai thác vàng. Trên đường đi được "vã" cơn khát và leo núi càng khỏe nhờ nước chè dây hãm tươi, đã nhen lên quyết tâm của lãnh đạo xã Yên Tĩnh: Phải xây dựng bằng được mô hình sản xuất sản phẩm chè dây hàng hóa, mở hướng làm ăn mới cho người dân...

Câu chuyện đang sôi nổi đã chợt lắng lại khi nhắc tới tin nhắn của Lữ Khăm Kháy. Bí thư Chi bộ Lương Thị Xoa nói: để dẫn các anh đi gặp các cựu cán bộ xã, các người già ở Yên Tĩnh để nghe họ kể “cơn sốt vàng” năm xưa khủng khiếp thế nào. Chúng tôi nói câu chuyện buồn ngày Pu Phen bị khoét lên lấy vàng năm xưa ấy báo chí đã nói nhiều, và trong chúng tôi có đồng nghiệp (làm báo) đã dày công đi thực tế, đồng cảm với địa phương và bà con Yên Tĩnh kiên trì đưa lên công luận nhiều bài viết được dư luận và cấp chính quyền quan tâm...

Nhưng để trả lời câu hỏi của bà con Yên Tĩnh, rằng liệu doanh nghiệp khai thác vàng có được cấp phép hoạt động hay không?, thì phải chờ ở sự sáng suốt, thực sự vì dân của cấp thẩm quyền!

vuon-che-day-9751.jpg
Mô hình khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển cây chè dây ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương)

Về phía lãnh đạo xã, Bí thư Đảng ủy Quang Văn Đặng trao đổi: xã động viên bà con xây dựng thành mô hình trồng, sơ chế và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè dây; bảo tồn 10 ha chè dây trên đỉnh Pu Phen, phát triển cây chè dây huyện Tương Dương nói chung, xã Yên Tĩnh nói riêng nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, tạo thương hiệu sản phẩm OCOP cho loại chè dây đặc trưng của Yên Tĩnh.

Và khát vọng của sản phẩm chè dây Yên Tĩnh nay đang hướng mạnh tới những mục đích cụ thể: Thành lập Hợp tác xã Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Yên Tĩnh với khoảng 9 Tổ hợp tác chè dây; thành lập chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX nông nghiệp Sen Quê Bác; Tập đoàn PhucGroup… trên địa bàn tỉnh. Khát vọng ấy cần đạt được, để cây chè dây vươn cao trên đất Yên Tĩnh, sản phẩm trà chè dây “tinh hoa của đất trời trên đỉnh Pu Phen” được vươn xa tới thị trường rộng lớn!

Tháng 1/2024, sản phẩm Chè dây Yên Tĩnh đã được Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương công nhận là sản phẩm OCOP cấp 3 sao.

san-pham-che-day-yen-tinh-7751.jpg
Sản phẩm Chè dây Yên Tĩnh của Tổ hợp tác chè dân bản Cành Toong đang được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đón nhận và đánh giá cao.

Anh Vũ - Hà Giang