Kinh tế Israel hứng 'phản đòn' từ xung đột

Diệp Khanh 21/02/2024 17:11

(Baonghean.vn) - Theo số liệu Cục Thống kê Trung ương Israel vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel trong quý 4/2023 đã giảm tới gần 20% - đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ dịch Covid-19.

NHỮNG CON SỐ ĐỐI NGHỊCH

Trước khi nổ ra xung đột giữa Israel và Hamas, kinh tế Israel có nền tảng tương đối vững chắc với mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2022. Tỷ lệ nợ quốc gia/GDP đã giảm từ mức 71% trong thời kỳ đại dịch xuống còn 60% - thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, Anh… Nhưng cuộc xung đột kéo dài từ tháng 10/2023 với lực lượng Hamas đang thử thách sức mạnh của nền kinh tế Israel, và những dữ liệu vừa được công bố đã chứng minh điều đó. Theo đó, GDP của Israel đã giảm 19,4% trong quý cuối cùng của năm ngoái - đánh dấu mức sụt giảm sâu nhất kể từ quý 2/2020. Khi đó, các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp Israel đóng cửa, người dân hạn chế tiêu dùng dẫn đến mức suy giảm kinh tế gần 30%. Sự sụt giảm này càng đáng chú ý khi quý liền ngay trước đó - trước thời điểm Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel - vẫn duy trì con số tăng trưởng dương là 2,7%. Sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Israel là kết quả của nhiều yếu tố: Tiêu dùng tư nhân giảm gần 27%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 18%, đầu tư vào tài sản cố định giảm 68%, đặc biệt là đầu tư vào xây dựng nhà ở. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ lại tăng tới 88% do chi phí chiến tranh. Bên cạnh chi tiêu trực tiếp cho cuộc xung đột, nhà nước còn phải trợ cấp nhà ở cho người Israel sơ tán khỏi những ngôi nhà giáp biên giới Gaza và Lebanon, cũng như hỗ trợ tài chính cho người lao động và các công ty do ảnh hưởng bởi xung đột. Tính chung cả năm 2023, tăng trưởng GDP của Israel chỉ còn là 2,2% so với con số ấn tượng 6,5% của năm 2022. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, những con số của quý 3 chưa phải là điều tồi tệ nhất với Israel nếu cuộc xung đột với Hamas vẫn tiếp diễn như hiện nay. Dự kiến năm 2024, mức tăng trưởng kinh tế của Israel có nguy cơ rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử và tính đến cuối năm 2025, cuộc xung đột dự kiến sẽ khiến Israel thiệt hại khoảng 255 tỷ shekel (70,3 tỷ USD), tương đương khoảng 13% GDP.

anh-kinh-te-israel-1-palestine-news-4052.jpg
Kinh tế Israel suy giảm mạnh do xung đột. Ảnh: Palestine News.

Sự suy giảm của nền kinh tế cùng với rủi ro chính trị gia tăng khiến Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s gần đây đã lần đầu tiên hạ mức tín nhiệm của Israel từ mức A1 xuống A2 và thay đổi triển vọng kinh tế sang mức “tiêu cực” vì nguy cơ xung đột lan sang mặt trận phía Bắc của Israel chống lại nhóm phiến quân Hizbollah có trụ sở ở Lebanon. Tuy nhiên, một điểm cộng với nền kinh tế Israel là Chính phủ đang cho thấy khả năng quản lý tốt, với hoạt động kinh tế được cải thiện đáng kể trong tháng 12/2023 so với sự tê liệt trong hai tháng 10 và 11 trước đó và có thể phục hồi nhẹ trong quý 1 năm nay.

"CỨU TINH " CỦA NỀN KINH TẾ

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột, lĩnh vực công nghệ của Israel đang nổi lên là một điểm sáng, thậm chí được ví như “cứu tinh” của nền kinh tế. Ngành công nghệ chiếm 18% GDP của Israel, khoảng một nửa xuất khẩu của đất nước và 30% doanh thu thuế, khiến sự thịnh vượng của ngành này trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Israel. Trong giai đoạn quý 4 năm ngoái, khoảng 15% lực lượng lao động của Israel – tương đương gần 300.000 người đã phải nhập ngũ. Tuy nhiên hiện nay, nhiều quân nhân dự bị đã được trở về nhà, tạo nên động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của lĩnh vực công nghệ.

anh-kinh-te-israel-2-bloomberg-8217.jpg
Một khu chợ vắng vẻ tại Israel. Ảnh: Bloomberg

Trước khi cuộc xung đột nổ ra, trong bối cảnh hoạt động gây quỹ cho các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu chậm lại, các công ty công nghệ của Israel vẫn huy động được khoảng 10 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù cuộc xung đột khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn, nhưng nhu cầu đối với dịch vụ của các công ty công nghệ Israel vẫn tăng cao do ngành này chủ yếu phục vụ khách hàng quốc tế. Hiện các công ty công nghệ Israel đang chứng minh khả năng phục hồi đáng kinh ngạc cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu về thời hạn giao sản phẩm và duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Một sự kiện đang rất được quan tâm là Tập đoàn Intel của Mỹ mới đây cho biết sẽ vẫn kiên trì với kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở phía Nam Israel với tổng vốn đầu tư lên tới 25 tỷ USD – khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Israel. Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu OurCrowd có trụ sở tại Israel cũng cho biết, một phái đoàn các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ đến quốc gia này trong vài ngày tới, bất chấp việc sắp xếp chuyến bay trong thời kỳ xung đột là cực kỳ khó khăn. Israel vẫn có niềm tin rằng quốc gia này là một phần quá quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, bởi vậy lĩnh vực công nghệ sẽ vượt qua được những khó khăn kể cả khi xung đột Israel – Hamas kéo dài.

NỀN KINH TẾ "SIÊU THỰC"?

Tuy nhiên, điểm sáng công nghệ vẫn chưa đủ để xóa nhòa triển vọng tiêu cực của nền kinh tế Israel trong bối cảnh chiến tranh. Ngay khi Moody’s thông báo hạ mức tín nhiệm và thay đổi dự báo tăng trưởng của Israel, cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cùng phản bác đây là thông báo “kỳ quái và mang động cơ chính trị”, đồng thời liên tục khẳng định về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Israel, và những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Nhưng ngay cả những chuyên gia trong nước của Israel cũng phải thừa nhận rằng, nền kinh tế quốc gia không mạnh đến mức “siêu thực” đến như vậy. Theo đó, cuộc xung đột kéo dài với Hamas sẽ trở thành gánh nặng kinh tế và chính trị lâu dài đáng kể cho đất nước, đặc biệt là do cách chính phủ đang quản lý tình hình. Không những làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, cuộc xung đột trong tương lai gần còn có thể làm suy yếu các thể chế hành pháp, lập pháp và sức mạnh tài chính quốc gia. Một điểm dễ thấy là những cam kết về cả tài chính và ngoại giao của đồng minh thân thiết nhất với Israel là Mỹ hiện cũng không còn vững chắc như trong 3 tháng đầu tiên của cuộc chiến. Thủ tướng Benjamin Netanyahu gần đây đã nhắc về sự cần thiết của Israel nhằm thiết lập khả năng tự cung tự cấp trong việc sản xuất đạn dược cho thấy ông nhận thức được những rủi ro trong lĩnh vực này.

1-9300.jpg
Kinh tế suy giảm thách thức chiến dịch quân sự tại Gaza của Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Axios

Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết quân nhân dự bị của Israel đã được trở về nhà, nhưng số liệu thống kê cho thấy cuộc sống của ít nhất 600.000 người (khoảng 6% tổng dân số Israel) đang bị gián đoạn nghiêm trọng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính và nhiều người mất việc làm. Đây sẽ là những “điểm trừ” lớn đối thách thức các mục tiêu tăng trưởng của Israel trong thời kỳ xung đột.

Những con số tiêu cực về tăng trưởng kinh tế là thách thức lớn với nhà lãnh đạo Benjamin Netanyahu trong bối cảnh chiến dịch quân sự của quốc gia này tại Gaza ngày càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngay cả đồng minh thân thiết nhất là Mỹ cũng tỏ ý mất dần kiên nhẫn và lần đầu tiên phải dùng tới từ “ngừng bắn” trong đề xuất được gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần đây. Có thể thấy, ông Netanyahu dường như đang dùng cuộc xung đột như một cách để duy trì quyền lực, nhưng với bối cảnh bất lợi cả về đối nội và đối ngoại, khả năng duy trì quyền lực của cá nhân ông cũng như đảng Likud ngày càng xa vời.

Diệp Khanh