Tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng tốt hơn vai trò cơ quan dân cử

Mai Hoa 21/02/2024 12:26

(Baonghean.vn) - Kể từ ngày bầu cử đầu tiên (24/2/1946) đến nay, trải qua 78 năm với 18 khóa bầu cử, HĐND tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử. Qua các giai đoạn, HĐND tỉnh phát huy tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân

TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

Hơn 5 tháng, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (2/9/1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và sau hơn 1 tháng rưỡi diễn ra ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 để bầu ra Quốc hội, cuộc bầu cử HĐND tỉnh Nghệ An được tổ chức vào ngày 24/2/1946. Năm đó, cử tri Nghệ An đã lựa chọn và bầu 39 đại biểu vào HĐND tỉnh. Một tháng sau ngày bầu cử, HĐND tỉnh Nghệ An khóa I chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 23/3/1946.

nhan-dan-bo-phieu-bau-quoc-hoi-khoa-i-6722.jpg
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh: TTXVN

Đối với HĐND các cấp ở các địa phương trong tỉnh, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tổ chức bầu cử HĐND được tổ chức ở các thời gian khác nhau, bắt đầu từ ngày 24/2/1946 và hoàn thành vào cuối tháng 5/1946.

Trải qua 78 năm với 18 khóa bầu cử, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Nghệ An luôn nỗ lực hoàn thành trọng trách trong từng giai đoạn lịch sử, thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

HĐND tỉnh khóa I đã tiến hành phiên họp bầu Ủy ban Hành chính và Ban Thanh tra hành chính tỉnh Nghệ An; đồng thời quyết định xóa bỏ đơn vị hành chính cấp tổng - cấp trung gian giữa huyện và xã, bỏ một số làng xã nhỏ hẹp mà chính quyền thực dân phong kiến thành lập và thành lập các đơn vị hành chính xã, khu phố mới. HĐND tỉnh cũng đề ra các chính sách phù hợp với thực tiễn cách mạng. Như quyết định việc bãi bỏ toàn bộ các thứ thuế không hợp lý do thực dân Pháp và phong kiến tay sai đặt ra; quyết định đem toàn bộ ruộng đất công của làng xã, ruộng bỏ hoang, ruộng của bọn thực dân, phong kiến tay sai chia cho nông dân làng xã cày cấy; đồng thời huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của nhân dân thúc đẩy sản xuất, đẩy lùi nạn đói, nạn dốt, xây dựng đời sống mới, gắn với xây dựng lực lượng vũ trang đông đảo chống giặc ngoại xâm, nội phản…

bao-nghe-an-va-nhan-dan-nghe-an-5595.jpg
Các chính sách phù hợp với thực tiễn cách mạng của tỉnh Nghệ An được đăng tải trên Báo Nghệ An và Báo Nhân dân Nghệ An. Ảnh tư liệu minh họa

Hoạt động của HĐND tỉnh ở những khóa đầu, dù cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ chưa hoàn thiện, song đã đưa ra các chủ trương, biện pháp quan trọng để xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; phát huy tiềm năng của Nghệ An, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm tròn nghĩa vụ hậu phương của Nghệ An đối với cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Lào; đồng thời tạo nền tảng, bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An ở các giai đoạn sau này.

Cùng với nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối và xây dựng đất nước, quê hương sau hòa bình ngày càng phát triển; HĐND tỉnh cũng đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng số đại biểu HĐND tỉnh qua các khóa, từ 39 đại biểu ở khóa I, tăng lên 83 đại biểu ở khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời tăng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động, đảm bảo đi vào chiều sâu.

bna_img_65592064359_472021.JPG
Toàn cảnh kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thành Duy

Trong khóa VI, HĐND tỉnh đã ban hành nội quy hoạt động của HĐND tỉnh, trong đó quy định rõ nhiệm vụ cho từng đại biểu, tổ đại biểu, ban chuyên môn của HĐND; quy định các đại biểu cần tích cực phát biểu ý kiến đối với những vấn đề được đưa ra thảo luận, đồng thời phản ánh kịp thời những ý kiến, nguyện vọng thu thập được trong quần chúng nhân dân.

Ở nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh khóa XVIII đã ban hành Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện về tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết, về hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động của HĐND tỉnh vừa đảm bảo sự lãnh đạo, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy đối với hoạt động của HĐND tỉnh; phát huy vai trò của cơ quan dân cử địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cử tri; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, chuyên nghiệp của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác.

bna-thuong-truc-hdnd-tinh-trao-doi-kinh-nghiem-hoat-dong-voi-thuong-truc-cac-huyen-thi-xa-anh-mai-hoa-4755.jpg
Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Thường trực các huyện, thị xã. Ảnh: Mai Hoa

Các hoạt động của HĐND tỉnh được cử tri và nhân dân trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội được HĐND tỉnh vào cuộc và tạo được bước chuyển thật sự, như xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích; quản lý hoạt động khoáng sản; giải quyết tồn tại, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; công tác bảo vệ môi trường; công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân...

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CƠ QUAN DÂN CỬ

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh và sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri, nhân dân trong tỉnh đối với cơ quan dân cử, cùng với chức năng, nhiệm vụ theo quy định được tăng cường; tiếp tục đặt ra cho HĐND tỉnh nhiều trăn trở để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, từ tổ chức kỳ họp, hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri và đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri và đơn thư của công dân… Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Yếu tố quan trọng nhất là cần phát huy vai trò trách nhiệm, năng lực, trí tuệ của đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách để tạo động lực cho các đại biểu khác.

nguyen-nhu-khoi-quotes-9275.png
nguyen-nhu-khoi-quotes-mobile-7174.png

Bên cạnh các giải pháp và đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh nỗ lực để tích luỹ kiến thức, tăng cường tiếp cận cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng nhấn mạnh một số giải pháp khích lệ, phát huy vai trò của đại biểu thông qua theo dõi hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh bằng các tiêu chí cụ thể. Như tham dự kỳ họp, tham gia chất vấn và thảo luận tổ tại kỳ họp; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân; gửi ý kiến đề nghị chất vấn và giám sát; theo dõi và đeo bám việc giải quyết kiến nghị cử tri từ các cơ quan chức năng…

Mặt khác, để hoạt động của HĐND tỉnh vươn tới sự thấu đáo và chất lượng hơn, bên cạnh hoạt động của đại biểu HĐND, thời gian tới, HĐND tỉnh cũng sẽ mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia vào các hoạt động của HĐND tỉnh nhằm đưa các giải pháp, kiến nghị khả thi hơn trong các vấn đề khó, phức tạp.

bna-hdnd-tinh-giam-sat-viec-trien-khai-dua-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-nong-nghiep-vao-cuoc-song-o-huyen-nam-dan-anh-mai-hoa-1797.jpg
HĐND tỉnh giám sát việc triển khai đưa chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp vào cuộc sống ở huyện Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa

Qua trao đổi, đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ cho rằng: Chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng. Đó là quan tâm khâu “đầu vào”, lựa chọn người bầu vào HĐND phải thật sự chất lượng, tránh “nặng” về cơ cấu, bởi thực tiễn, nhiều kỳ, có những đại biểu chưa đạt yêu cầu chất lượng hoạt động. Mặt khác, HĐND tỉnh cũng cần có giải pháp quản lý, giáo dục, tạo điều kiện và cơ chế cho đại biểu HĐND nâng cao hiểu biết, kỹ năng, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ người đại biểu. Về phía mỗi đại biểu cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm để tự học, rèn luyện, tự nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Xứng đáng là người đại biểu dân cử

10/04/2023 10:25

Bên cạnh chất lượng đại biểu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho biết thêm: HĐND tỉnh đang đặt ra quyết tâm tiếp tục tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động. Ngoài số hoá văn bản tài liệu và tổ chức “kỳ họp không giấy” như hiện nay thì sẽ tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu để dễ khai thác và sử dụng; trong đó xây dựng phần mềm theo dõi giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri minh bạch và kịp thời hơn.

bna-thuong-truc-hdnd-tinh-trao-doi-kinh-nghiem-ve-chuyen-doi-so-voi-thuong-truc-hdnd-cap-huyen-anh-mai-hoa-3914.jpg
Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số với Thường trực HĐND cấp huyện. Ảnh: Mai Hoa

Mai Hoa