Đá ốp lát xuất khẩu khó tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Văn Trường 24/02/2024 12:49

(Baonghean.vn) - Những ngày đầu năm, tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, các cơ sở chế biến khoáng sản đã hoạt động. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu đá ốp lát, bột đá khó tiêu thụ khiến các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

bna-van-truong-vmme-1187.jpeg
Các cơ sở chế biến đá ốp lát ở xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp hoạt động cầm chừng. Ảnh: Văn Trường

Tại khu tiểu thủ công nghiệp thuộc xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, một số cơ sở chế biến khoáng sản đã trở lại hoạt động sau những ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, hầu hết chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, không khí không nhộn nhịp như trước đây.

Chủ một cơ sở chuyên chế biến đá ốp lát tại xã Đồng Hợp cho biết: Những năm trước mặt hàng này rất dễ tiêu thụ, chủ yếu xuất bán sang các khu vực Tây Á. Nhưng mấy năm sức mua giảm hẳn, đơn hàng nhỏ giọt, đặc biệt giai đoạn trước Tết khoảng 3 tháng không bán được sản phẩm. Ra Tết hi vọng tìm kiếm được đơn hàng mới nhưng cũng không có, hiện nay chúng tôi vẫn phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân.

bna-van-truong-mm-6487.jpeg
Đá ốp lát tồn kho khá nhiều ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Hiện nay cơ sở đang có khoảng trên 700.000-800.000 m2 đá ốp lát tồn kho, nhiều sản phẩm đá ốp lát không có chỗ để nên phải tập kết cả ngoài trời, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Dọc khu công nghiệp xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp quan sát thấy phía ngoài thấy có khá nhiều cơ sở đang hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Xuân - chủ một cơ sở chế biến khoáng sản ở Thọ Hợp tâm sự: Ra tết thị trường đá ốp lát, bột đá tiêu thụ vẫn ảm đạm, cơ sở vẫn phải hoạt động để bảo dưỡng máy móc, duy trì nuôi sản xuất, vì nếu để công nhân bỏ việc thì khi có đơn hàng tìm công nhân rất khó. Hiện nay đơn vị có 3 xe tải chở hàng thì đều phải tạm nghỉ do không bán được hàng.

bna-van-truong-mmmm-2952.jpeg
Đá ốp lát đóng thùng nhưng không có ai hỏi mua. Ảnh: Văn Trường

Được biết, năm 2023 quá khó khăn, nhiều cơ sở chế biến khoáng sản của huyện Quỳ Hợp đã phải cắt giảm lao động, hàng ngàn lao động theo nghề chế biến khoáng sản thất nghiệp chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Hệ thống thiết bị máy móc ngừng hoạt động thời gian dài cũng bị tét rỉ, hư hỏng; hàng trăm đầu xe vận tải “đắp chiếu”...

Theo lý giải của các doanh nghiệp chế biến khoáng sản địa bàn huyện Quỳ Hợp, nguyên nhân khó tiêu thụ sản phẩm là do một phần ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, một phần do các nước Trung Đông lâu nay nhập hàng đá ốp lát khá nhiều, nay nhu cầu của các nước đã đủ, nên họ rất ít mua.

bna-van-truong-mmmme-3430.jpeg
Nhiều sản phẩm đá ốp lát tồn kho để tràn cả ra ngoài. Ảnh: Văn Trường

Để đối phó với tình trạng khó khăn trên, một số đơn vị đã phải tự tìm kiếm thị trường trong nước như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các nước Đông Nam Á.

Ngoài thị trường đá xuất khẩu, thị trường thiếc cũng giảm sâu khiến cho các đơn vị khai thác thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cũng hoạt động cầm chừng, có đơn vị phải tạm dừng sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Phủ Quỳ I cho biết: Huyện Quỳ Hợp có khoảng trên 20 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản đi các nước. Do khó tiêu thụ sản phẩm nên hiện nay có khoảng 17 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, có 3 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Hiện nay đơn hàng xuất khẩu mới sang năm 2024 hầu như không có. Hằng năm huyện Quỳ Hợp thu thuế tài nguyên khoảng gần 100 tỷ đồng, nhưng năm 2023 toàn huyện chỉ thu được 65 tỷ đồng (giảm 35 tỷ đồng), với tình hình hiện tại, dự báo năm 2024 nguồn thu từ thuế tài nguyên sẽ càng khó khăn hơn.

Văn Trường