Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Nghệ An là một trong những ngôi trường đặc biệt với gần 400 học sinh ở cả hai cấp học, đó là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Học sinh theo học tại trường đều là các vận động viên thể thao hiện đang huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh hoặc Câu lạc bộ Bóng đá Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà Với những đặc thù riêng, công tác y tế học đường ở ngôi trường này đặc biệt quan trọng khi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và hỗ trợ các vận động viên trong công tác kiểm tra sức khỏe, đảm bảo cho các vận động viên có một thể lực tốt nhất trong quá trình học tập và huấn luyện. Trong ảnh: Một buổi tuyên truyền về các bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Ảnh: Mỹ Hà Chị Nguyễn Thị Tú là nhân viên y tế trường học của trường. Nếu như ở các ngôi trường khác, việc thăm khám, tư vấn sức khỏe cho học sinh thường không nhiều thì ở Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao đây là việc làm thường xuyên. Chia sẻ về điều này, chị Tú cho biết: Học sinh ở trường chúng tôi, việc huấn luyện được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Theo lịch, thường các em phải dậy sớm để luyện tập sau đó rồi mới đến trường. Thời kỳ cao điểm chuẩn bị vào mùa thi đấu lịch học "căng" hơn nên việc các em đến trường bị mệt mỏi, bị các vết thương ngoài da là chuyện bình thường. Gần như ngày nào chúng tôi cũng có học sinh đến phòng y tế để được hỗ trợ. Ảnh: Mỹ Hà Với học sinh ở trường thể dục thể thao, chỉ một biến động nhỏ về sức khỏe cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình rèn luyện thi đấu. Một điều khác biệt đó là học sinh ở đây hầu hết sống xa gia đình, các em ở tập thể và tự chăm sóc nhau. Vì thế, sự đồng hành của các nhân viên y tế trường học sẽ giúp các em yên tâm hơn mỗi khi đến trường. Ảnh: Mỹ Hà Ngoài chăm sóc sức khỏe, nhân viên y tế còn thường xuyên gặp gỡ các học sinh ở ngoài giờ lên lớp. Ở đây, số lượng học sinh ít nên giáo viên, học sinh và nhân viên y tế học đường dường như xem nhau như người nhà. Ảnh: Mỹ Hà Công tác y tế học đường ở các trường mầm non cũng hết sức quan trọng vì ở lứa tuổi này việc theo dõi cân nặng, các chỉ số dinh dưỡng và kiểm tra sức khỏe phải được thực hiện thường xuyên. Ở Trường Mầm non Nam Giang (Nam Đàn), trường may mắn vì hiện nay có một nhân viên y tế học đường đúng chuyên môn đảm nhận. Ảnh: Mỹ Hà 12 năm gắn bó với ngôi trường này, chị Đặng Thị Tính chia sẻ rằng, chị gắn bó với công tác y tế học đường với hai lý do chính, một phần là vì yêu nghề, một phần vì hoàn cảnh gia đình. Ảnh: Mỹ Hà Theo quy định hiện nay, nhân viên y tế học đường, ngoài lương được hưởng thêm phụ cấp đặc thù 20%/tháng. Khoản trợ cấp ít ỏi, trong khi công việc lại nhiều nên số lượng nhân viên y tế gắn bó với các trường học không nhiều. Bản thân chị Đặng Thị Tín với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, chị bảo chi phí cho sinh hoạt gia đình không đủ. Hơn 5 năm trước chị đã từng xin visa để đi nước ngoài làm việc cùng chồng. Tuy nhiên, sau đó, chị quyết định tiếp tục ở lại để được phục vụ trong ngành Giáo dục. Chồng đi xa, một mình chị ở nhà nuôi 2 con nhỏ, lấy học trò và các con làm động lực để cố gắng vượt qua khó khăn mỗi ngày. Ảnh: Mỹ Hà Ngoài làm công tác chăm sóc sức khoẻ, nhân viên y tế học đường ở Trường Mầm non Nam Giang còn kiêm luôn thủ kho, kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú mỗi ngày. Ảnh: Mỹ Hà Nhân viên y tế trường học là một bộ phận không thể thiếu ở các nhà trường với nhiều nhiệm vụ như sơ cứu y tế ban đầu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều trường học ở Nghệ An, bộ phận này lại đang khuyết ở nhiều nhà trường với nhiều lý do như không có biên chế, không có kinh phí để hợp đồng. Ảnh Mỹ Hà Thực tế hiện nay, do không đủ nhân lực nên đang có 2 thực trạng, đó là nhân viên y tế phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác của nhân viên văn phòng. Hay ngược lại, có những nhà trường, vì không có nhân viên y tế, nhân viên văn phòng, văn thư, thiết bị lại kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này dù không có chuyên môn. Ảnh: Mỹ Hà Tại Trường THCS Hồng Sơn - thành phố Vinh, từ gần 1 năm nay, nhà trường mới hợp đồng một nhân viên y tế trường học. Với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, chị Lê Thị Thanh Hương - nhân viên y tế học đường cho biết: Ở thành phố, mức lương hợp đồng không đủ để trang trải cuộc sống và hầu hết nhân viên y tế đều phải có thêm nghề tay trái để tăng thêm thu nhập. Về phía các nhà trường, việc không có đủ biên chế và phải hợp đồng thêm nhân viên y tế cũng sẽ dẫn đến khó khăn khi nguồn ngân sách hạn hẹp và đội ngũ không ổn định. Thực tế này cũng diễn ra trên toàn tỉnh và không tránh được tình trạng không ít nhân viên y tế hợp đồng bỏ việc để chuyển sang công việc khác. Do đó, việc tuyển dụng, hợp đồng nhân viên y tế học đường lại càng khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà Theo tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có hơn 1.500 trường học nhưng chỉ có 640 trường có cán bộ y tế chuyên trách và 881 trường đang phải sử dụng cán bộ kiêm nhiệm. Số trường có phòng học y tế là 1.395 trường. Số còn lại đang phải sử dụng với các bộ phận khác. Các trường chưa có kinh phí, máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ khám sức khỏe cho học sinh.
Từ những bất cập này, mới đây Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến làm việc tại một số trường học ở Nghệ An để nắm bắt tâm tư, tình cảm, đề xuất của đội ngũ nhân viên trường học, trong đó có nhân viên y tế học đường. Từ đó, tổng hợp đề có những kiến nghị gửi các ban, ngành liên quan nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Mỹ Hà