Vì sao nông dân biểu tình trên khắp Liên minh châu Âu?

Mỹ Nga 24/02/2024 15:36

(Baonghean.vn) - Mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phải đối diện với những vấn đề mang tính đặc thù, song phong trào biểu tình lan rộng khắp châu lục đã phản ánh một thông điệp chung: Nông dân không thể chịu nổi gánh nặng của các chính sách kinh tế và khí hậu.

nong-dan-phap-reuters-6086.jpg
Nông dân Pháp lái máy cày, kéo vào thủ đô Paris ngày 23/2. Ảnh: Reuters

Nông dân đang biểu tình trên khắp Liên minh Châu Âu nhằm phản đối chính phủ về các khoản phí, thủ tục quan liêu, quy định bảo vệ môi trường, cùng sự cạnh tranh từ thực phẩm nhập khẩu giá rẻ của một số quốc gia, trong đó có Ukraine.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong nhiều tuần ở các quốc gia bao gồm: Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp.

Theo Reuters, nông dân Pháp đã biểu tình rầm rộ trên khắp các đường phố ở Paris ngày 23/2. Hàng chục máy kéo lăn bánh vào thủ đô, bấm còi inh ỏi, mang theo những tấm băng rôn: "Ngài Macron, ngài đang gieo gió, hãy cẩn thận kẻo gặt bão". Hành động của những người nông dân Pháp nhằm cảnh báo Tổng thống Emmanuel Macron rằng ông sẽ gặp khó khăn, khi khai mạc một triển lãm lớn vào ngày 24/2, trong bối cảnh tức giận về mức chi phí, sự quan liêu của chính phủ.

Mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phải đối diện với những vấn đề mang tính đặc thù, song phong trào biểu tình lan rộng khắp châu lục đã phản ánh một thông điệp chung: Nông dân không thể chịu nổi gánh nặng của các chính sách kinh tế và khí hậu.

Vấn đề nhập khẩu

Các cuộc biểu tình của nông dân ở Đông Âu tập trung vào sự cạnh tranh không công bằng, khi một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine - quốc gia được EU miễn hạn ngạch và thuế, kể từ khi nổ ra xung đột với Nga.

Nông dân Ba Lan đã phong tỏa mọi tuyến đường ở khu vực biên giới với Ukraine. Kiev chỉ trích rằng điều này đang ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Ukraine, và tạo điều kiện cho các mục tiêu của Nga.

Trong khi đó, nông dân ở Cộng hòa Séc đã lái máy cày của họ vào trung tâm thủ đô Praha, làm gián đoạn giao thông xung quanh Bộ Nông nghiệp.

Những người nông dân tức giận và phản đối việc nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine, vì họ cho rằng chúng gây áp lực lên giá cả thị trường ở châu Âu, trong khi không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường áp đặt lên nông dân EU.

Các cuộc đàm phán được gia hạn để ký kết thỏa thuận thương mại giữa EU và khối Nam Mỹ cũng làm dấy lên sự bất mãn về cạnh tranh không lành mạnh về các thực phẩm như đường, ngũ cốc và thịt.

afp-20240130-34h94wv-v1-highres-franceagricultureprotest-1706664183-2757.jpg
Những chiếc máy kéo của nông dân mang theo kiện cỏ khô và biểu ngữ có nội dung: "Lúc nhỏ chúng tôi mơ làm nông nghiệp, khi trưởng thành chúng tôi tàn lụi vì nông nghiệp". Ảnh: AFP

Các khoản phí và thủ tục

Nông dân gặp vấn đề với những quy định ngặt nghèo quá mức, chủ yếu ở cấp liên minh. Chẳng hạn như yêu cầu dành ra 4% đất nông nghiệp, không sử dụng nó trong một khoảng thời gian để phục hồi hệ sinh thái.

Nông dân Pháp nói họ không có thu nhập tương xứng và bị cản trở bởi quy định quá cứng rắn về bảo vệ môi trường.

Ở Tây Ban Nha, nông dân đã phàn nàn về "bộ máy quan liêu ngột ngạt" ở Brussels làm xói mòn nguồn lợi nhuận mang lại từ cây trồng nông nghiệp.

Ở Hy Lạp, nông dân yêu cầu trợ cấp cao hơn và bồi thường nhanh hơn cho mùa màng thiệt hại và thiệt hại vật nuôi trong trận lũ lụt năm 2023.

nong-dan-hy-lap-2032.jpg
Nông dân Hy Lạp tập trung quanh máy kéo trong cuộc biểu tình phản đối các chi phí tăng cao trước tòa nhà Quốc hội ở Athens vào hôm 20/2. Ảnh: AFP

Chi phí nhiên liệu tăng

Tại Đức và Pháp - những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU, nông dân đã phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm dần dần chấm dứt việc giảm thuế nhiên liệu diesel cho nông dân.

Tương tự, nông dân Hy Lạp, Romania cũng muốn giảm thuế đối với dầu diesel, phản đối giá nhiên liệu tăng cao.

Các Chính phủ đang làm gì?

Trước làn sóng biểu tình lan rộng, cuối tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine bằng cách áp dụng "phanh khẩn cấp" đối với mặt hàng "nhạy cảm nhất" như gia cầm, trứng và đường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng, số lượng nhập khẩu vẫn còn đang quá cao.

EC cũng đã hoãn thực hiện quy định về đất bỏ hoang cho nông dân trong năm 2024. Theo đó không bắt buộc nông dân phải duy trì 4% diện tích đất bỏ không, trong lúc vẫn nhận được trợ cấp của EU. Thay vào đó, họ sẽ phải trồng trọt mà không được sử dụng thuốc trừ sâu.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã công bố các biện pháp bao gồm kiểm soát để đảm bảo thực phẩm nhập khẩu không có dấu vết thuốc trừ sâu bị cấm ở Pháp hoặc EU; đồng thời đàm phán để nâng giá cho nông dân cũng như nới lỏng các quy định và thủ tục quan liêu.

Chính phủ các nước châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp để xoa dịu tình hình. Pháp và Đức đều đã giảm bớt áp lực và hủy bỏ việc tăng thuế diesel. Tại Romania, chính phủ đã hành động để tăng trợ cấp cho động cơ diesel, giải quyết bảo hiểm và đẩy nhanh việc thanh toán trợ cấp.

Tại Bồ Đào Nha, chính phủ đã công bố gói viện trợ khẩn cấp trị giá 500 triệu euro, trong đó có 200 triệu euro để giảm thiểu tác động của đợt hạn hán kéo dài./.

Mỹ Nga