Xét tuyển vào đại học 2024: Tăng cơ hội, tăng áp lực cho thí sinh

Mỹ Hà 28/02/2024 09:01

(Baonghean.vn) - Thay vì chỉ một phương thức truyền thống, năm nay việc xét tuyển vào đại học được các trường đồng loạt triển khai với nhiều phương thức khác nhau. Điều này mở ra cơ hội nhưng cũng không ít áp lực cho các thí sinh.

Nhiều cơ hội cho thí sinh

Đậu Quyền Linh - học sinh lớp 12B - Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao đang đứng trước nhiều cơ hội để được xét tuyển thẳng vào đại học. Vì thế, dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp diễn ra nhưng Linh không quá lo lắng. Thay vào đó, Linh dành thời gian để chọn lựa ngôi trường mà mình yêu thích.

Đậu Quyền Linh là vận động viên boxing với một bề dày thành tích khá ấn tượng với gần 20 huy chương ở nhiều giải đấu khác nhau. Gần đây nhất, em đạt huy chương Vàng ở giải đấu quốc gia và đủ điều kiện để xét tuyển thẳng vào các ngành thuộc lĩnh vực thể chất.

bna-gio-hoc-cua-hoc-sinh-lop-12-truong-pho-thong-nang-khieu-the-duc-the-thao-8120.jpg
Giờ học của học sinh lớp 12 - Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao. Ảnh: Mỹ Hà

Em mong muốn sau này mình sẽ làm giáo viên hoặc làm huấn luyện viên nên em dự định đăng ký vào ngành Giáo dục thể chất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh đó, em vẫn tiếp tục ôn thi tốt nghiệp để vừa có điểm số cao, vừa mở rộng cơ hội xét tuyển vào các ngành nghề khác, ngoài khối ngành thể thao… Do lịch huấn luyện khá dày, cuối tháng 3, Linh còn tham gia một giải đấu mới nên việc học của Linh cần phải phân bố một cách khoa học. Hiện nay, Linh chủ yếu học thêm ở nhà trường vào các buổi chiều. Ngoài ra, em còn đăng ký học thêm các môn khác ngoài môn Toán, Tiếng Anh vì em dự kiến xét tuyển thêm đại học tổ hợp khối D.

Đậu Quyền Linh - học sinh lớp 12B - Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao

Trước Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, Hoàng Lê Kim Bảo - học sinh lớp 12 chuyên Vật lý ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng đã kịp trang bị cho mình một hành trang khá “dày” để có thể tuyển thẳng vào nhiều trường đại học trong nước.

Theo đó, ngoài thành tích học sinh giỏi nhiều năm liên tục, Kim Bảo còn đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 11. Hoàn thành nhiệm vụ chính, từ cuối hè lớp 11, em tập trung ôn thi để lấy hai chứng chỉ quan trọng, đó là chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 7,5 và hoàn thành kỳ thi SAT với kết quả nổi bật, đạt 1500 điểm. Để có được kết quả này, nam sinh này cũng cho biết, việc học và ôn tập cần có một lộ trình phù hợp và khoa học. Song song với đó, cần phải tích lũy kiến thức trong cả quá trình học phổ thông để tránh tình trạng phải học quá nặng dẫn đến nhiều áp lực trong học tập.

bna-hoc-sinh-lop-12-tim-hieu-ve-thong-tin-tuyen-sinh-cua-cac-truong-dai-hoc-3354.jpg
Học sinh lớp 12 tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: Mỹ Hà

Để tăng cơ hội trúng tuyển, giữa tháng 3 sắp tới, Huy Quân - học sinh lớp 12 ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sẽ thi lại lần 2 chứng chỉ SAT dù trước đó điểm SAT của em đã đủ điều kiện để xét tuyển vào một số trường đại học.

Việc lựa chọn thi SAT theo Quân trong thời điểm này là hợp lý vì hiện nay có rất nhiều trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học tốp đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân đều xem đây là một trong những tiêu chí để xét tuyển thẳng. Trong khi đó, để sử dụng các phương thức khác như xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn vì có quá nhiều thí sinh tham gia.

Nhiều áp lực

Chỉ bắt đầu mở lớp luyện thi SAT trong hai năm trở lại đây nhưng thầy giáo Bá Phong - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Vinh và là người có nhiều năm kinh nghiệm dạy Toán bằng Tiếng nói rằng, số lượng học sinh đăng ký học để thi lấy chứng chỉ SAT ngày càng đông.

Mỗi tháng tôi mở một lớp theo hình thức trực tuyến và có rất nhiều học sinh tham gia. Ngoài học sinh Nghệ An, học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đăng ký để mong có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học.

thầy giáo Bá Phong - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp Vinh

Trong danh sách các học sinh đang theo học tại lớp của thầy Bá Phong, không chỉ học sinh lớp 12 mà nhiều học sinh lớp 10 và lớp 11 cũng đã đăng ký. Nhiều em cũng đặt mục tiêu, hoàn thành việc học và có chứng chỉ trước khi bước vào lớp 12 để bớt áp lực và có thêm thời gian để hoàn thành chương trình ở các nhà trường. Qua kinh nghiệm đã tổ chức ôn thi nhiều lớp, thầy Phong cũng nói rằng, việc có chứng chỉ SAT trước kia chủ yếu để phục vụ cho các học sinh đi du học.

Tuy nhiên hiện tại việc ngày càng có nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ để xét tuyển đầu vào khiến nhiều học sinh thay đổi cách suy nghĩ, cách học: SAT là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Bài thi này sẽ kiểm tra các năng lực Đọc hiểu, Ngôn ngữ, và Toán học của học sinh nên các em cần phải có sự chuẩn bị và lộ trình ôn tập phù hợp. Việc lấy điểm để đủ xét tuyển vào đại học với mức điểm từ 1200 điểm trở lên không quá khó nên nhiều học sinh đã lựa chọn với mục tiêu cuối cùng là có chắc một suất vào đại học - thầy Bá Phong nói thêm.

bna-thi-sinh-tim-hieu-ve-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2024-4164.jpg
Thí sinh tìm hiểu về phương án tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Trong gần 5 năm trở lại đây, phương thức xét tuyển vào đại học đã ngày có nhiều thay đổi. Nếu như các năm trước, ngoài một số đối tượng được ưu tiên tuyển thẳng theo quy định thì còn lại, việc xét tuyển đại học đa phần lấy điểm thi từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, hiện nay, mỗi một trường trung bình có từ 4 - 6 phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp đã không còn là lợi thế khi các trường đại học tốp đầu chỉ tuyển sinh từ 20 - 30% chỉ tiêu.

Thay vào đó, các trường ưu tiên tuyển sinh cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT hoặc xét điểm theo Kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy theo đề thi riêng của các trường đại học. Các phương thức này càng trở nên phổ biến khi năm nay nhiều trường đại học đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ để thay thế các phương thức khác uy tín và đánh giá chính xác hơn năng lực thí sinh.

Sự thay đổi này tác động rất lớn đến học sinh. Gần đây nhất, ngày 18/2 trong đợt đăng ký bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có hơn 96.200 tài khoản truy cập để đăng ký suất thi đánh giá năng lực, khiến hệ thống của nhà trường bị nghẽn trong nhiều giờ.

Tôi và con bắt đầu đăng ký từ 9 giờ sáng và liên tục sau đó 3 tiếng bị nghẽn mạng, không thể đăng nhập được. Cháu dự định đăng ký thi đợt 1 tại Trường Đại học Vinh vào tháng 4 này nhưng khi không đăng ký được tôi đã nghĩ đến phương án cho con ra Hà Nội thi dù có tốn kém. Số lượng thí sinh dự thi đông tạo áp lực cho các con rất nhiều bởi việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn và điểm số chắc chắn cũng cao hơn các năm trước.

chị Loan Hương (phường Trường Thi - thành phố Vinh)

Liên quan đến Kỳ thi này, sở dĩ ngày càng có nhiều thí sinh dự thi bởi điểm bài thi đánh giá năng lực của các trường Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được hàng trăm trường đại học khác sử dụng xét tuyển.

bna-cac-hoc-sinh-tham-gia-ngay-hoi-tuyen-sinh-tai-truong-dai-hoc-vinh-anh-my-ha-8774-5928.jpeg
Các học sinh lớp 12 tham gia ngày hội tuyển sinh ở Trường Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi riêng có thể là xu hướng trong thời gian tới vì hiện nay ngoài 3 trường đại học trên thì các trường đại học khác như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các khối trường công an cũng đã triển khai kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào.

Việc tổ chức các kỳ thi riêng đánh giá năng lực về khách quan sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác với việc thí sinh phải thi kỳ thi riêng cộng với việc thí sinh vẫn phải tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến học sinh hiện nay chịu rất nhiều áp lực cả về thời gian, số môn học và tốn kém chi phí, đi lại. Điều này sẽ là trở ngại với học sinh ở các huyện xa trung tâm, học sinh ở vùng sâu, vùng xa và đây là lý do hiện nay vì sao nhiều học sinh lớp 12 đã không còn mặn mà với việc thi và xét tuyển vào các trường đại học./.

Mỹ Hà