Nghệ An sắp xếp, giảm 222 đơn vị hành chính sự nghiệp công lập

Mai Hoa 28/02/2024 12:28

(Baonghean.vn) - Trong vòng 6 năm triển khai chủ trương của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 222 đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết.

bna-mh3-8951.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hưng Nguyên kiểm tra mô hình trồng sâm Ngưu Bàng tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Sắp xếp, giảm 222 đơn vị hành chính sự nghiệp

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn có quyết định thành lập từ tháng 8/2020 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị, bao gồm: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trạm Khuyến nông và Phát triển nông thôn; Trạm Chăn nuôi - Thú y. Theo đó bộ máy được tinh gọn từ 3 còn 1 đơn vị, giảm 2 đầu mối và giảm một số người làm việc, từ 13 xuống còn 8 người.

Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, điều quan trọng sau sắp xếp đơn vị hoạt động của hiệu quả cao hơn. Bởi khi sáp nhập 3 trạm về một đầu mối, dù chuyên môn vẫn bố trí thành 3 bộ phận (trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi-thú y, khuyến nông, phát triển nông thôn và dịch vụ), song từng chuyên môn có những thời điểm yêu cầu sự tập trung cao hơn về nhiệm vụ như thời điểm chống dịch tả lợn châu Phi, đơn vị dễ dàng huy động nhân lực các bộ phận khác cùng vào cuộc, tạo sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

bna-mh1-3655.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn kiểm tra chất lượng giống cam bù sen được đơn vị ươm. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, việc chuyển giao Trung tâm từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cho huyện quản lý và chỉ đạo đã giải quyết kịp thời hơn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các tình huống khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng hoặc trong cung cấp các dịch vụ phục vụ nông nghiệp, hạn chế các tình trạng cung ứng trôi nổi, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ở huyện Anh Sơn, cùng với sắp xếp các đơn vị dịch vụ nông nghiệp để giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, địa phương cũng đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề, thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - dạy nghề; sáp nhập Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; đồng thời sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học và thu gọn các điểm trường.

bna-mh2-4243.jpeg
Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra mô hình trồng mía tại xã Tường Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Hoàng Quyền - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, huyện đã giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải về đầu mối và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Gắn với sắp xếp, địa phương chú trọng công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 08, ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 111, ngày 02/01/2018, Đề án số 09, ngày 18/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cấp uỷ, các sở, ngành và địa phương, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh đã tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

bna-mh1-2736.jpeg
Một tiết dạy học kết nối giữa giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) với một trường tiểu học quốc tế Indonesia. Ảnh: Mai Hoa

Ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An, tính đến tháng 12/2023, đã giảm 91 đơn vị sự nghiệp công lập. Gồm, 28 trường mầm non, 37 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở, 1 ban quản lý dự án, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh; giảm 101 điểm trường mầm non, 142 điểm trường tiểu học và 5 điểm trung học cơ sở.

Ngành Y tế đã giảm 58 đầu mối; gồm giảm 10 bệnh viện đa khoa và 21 trung tâm dân số - KHHGĐ cấp huyện do nhập vào trung tâm y tế cấp huyện; giảm 5 trung tâm y tế tuyến tỉnh do sáp nhập và thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; giảm 1 đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan Sở Y tế và 1 đơn vị cấp phòng của chi cục thuộc Sở; giảm 20 trạm y tế cấp xã do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

bna-mh-5-5356.jpeg
Một ca phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó, Sở Y tế đã chuyển 1 đơn vị hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); chuyển 18 đơn vị hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nhóm 2).

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sắp xếp, giảm 3 đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển 69 trạm nông nghiệp trực thuộc về cấp huyện quản lý để thành lập 21 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp; chuyển 4 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại các tổ chức bên trong, với tổng số phòng, trạm giảm sau sắp xếp là 102…

Tính đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh có 1.685 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 222 đơn vị với tỉ lệ giảm 11,6% so với năm 2017.

Gắn sắp xếp, giảm đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cũng đề ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý biên chế và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập… Tổng giai đoạn 2014-2023, toàn tỉnh tinh giản 4.156 biên chế; trong đó có 3.344 viên chức.

Nghiên cứu giải quyết khó khăn, bất cập

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả tích cực, thực tiễn vẫn đang đặt ra một số khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn, việc tinh giản số người làm việc ở đơn vị sau sắp xếp là do cán bộ đến tuổi nghỉ hưu và tự nguyện nghỉ việc. Thực tế hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của trung tâm thì cần bổ sung thêm biên chế. Năm 2024, đơn vị được tỉnh giao 9 biên chế hưởng lương từ ngân sách và 2 hợp đồng tự trang trải. Trong khi đó Nghị định số 120, ngày 07/10/2020 của Chính phủ đặt ra yêu cầu, đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu 15 người. Hiện nay, nguồn thu từ dịch vụ công của đơn vị thấp, không đủ để chi trả lương và chi thường xuyên; mặt khác, trên địa bàn huyện Anh Sơn không có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với đơn vị. Vì vậy đề xuất Trung ương và tỉnh tăng biên chế cho đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc tổ chức sắp xếp, sáp nhập theo hướng trung tâm liên huyện.

bna-mh-can-bo-nganh-tai-nguyen-moi-truong-xac-dinh-cac-vi-tri-dat-tren-ban-do-817.jpg
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường Nghệ An rà soát, xác định các vị trí đất trên bản đồ. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương để làm cơ sở cho địa phương tiến hành thực hiện, đến nay các bộ, ngành chưa tham mưu Chính phủ phê duyệt. Điều này gây lúng túng, khó khăn cho địa phương trong sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện nay, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp và nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập đang tiếp tục yêu cầu thực hiện với mục tiêu đến năm 2025, tối thiếu bình quân giảm 10% đơn vị sự nghiệp và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính so với năm 2015; trong khi đó, ở một số ngành, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn, số biên chế đang thiếu.

bna-mh6-8013.jpg
Cán bộ Trạm y tế phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò tiêm phòng cho trẻ. Ảnh: Mai Hoa

Hiện nay, trên cơ sở định mức số lượng người làm việc được quy định và từ thực tế yêu cầu nhiệm vụ, Sở Y tế đề xuất Trung ương và tỉnh cho phép ngành giữ ổn định tổ chức bộ máy của ngành y tế như hiện nay.

Đồng chí Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Từ thực tiễn của ngành Y tế, đồng chí Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu ý kiến đề nghị trong giai đoạn 2021 - 2025 Trung ương và tỉnh cho phép ngành giữ ổn định tổ chức bộ máy của ngành y tế như hiện nay; đồng thời tại các đơn vị do Nhà nước đảm bảo nguồn chi trả lương không thực hiện chính sách tinh giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2021 như quy định, tổng biên chế nhà nước giao hàng năm giữ nguyên như đã giao năm 2021.

Đồng chí Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đề xuất Trung ương nghiên cứu việc sắp xếp, tinh gọn đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với đặc thù chuyên môn ngành học, cấp học, đáp ứng nhu cầu người học.

Để công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tiếp tục được triển khai có hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu đề ra; vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành cần đánh giá thực tiễn triển khai triển khai thời gian qua, đưa ra các giải pháp đồng bộ cho thời gian tới.

Mai Hoa