Hành trình đi tìm hạnh phúc của cô gái bị liệt nửa người

Công Kiên 03/03/2024 20:00

(Baonghean.vn) - Số phận kém may mắn khi bị liệt nửa người từ nhỏ nhưng chị Trần Thị Việt Trinh đã luôn nỗ lực để chiến thắng hoàn cảnh, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận, xây đắp cuộc sống hạnh phúc.

Không đầu hàng số phận

Trong ngôi nhà nhỏ giữa xóm Nam Kim Hòa, xã Nghi Thuận (Nghi Lộc – Nghệ An), chị Trần Thị Việt Trinh (sinh năm 1988) miệt mài với chiếc máy tính xách tay. Trời mưa rét, chị tranh thủ làm việc online, quảng bá sản phẩm cho một công ty dược mỹ phẩm ở Hà Nội.

bna-1-3144.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh kể về cuộc đời mình. Ảnh: Công Kiên

Có khách ghé nhà, chị Trinh tạm dừng công việc và trò chuyện một cách cởi mở về cuộc đời mình. “Gần 1 tuổi, tôi bị một trận sốt bại liệt kéo dài dẫn đến liệt nửa người, dù bố mẹ ra sức chạy chữa nhưng bệnh tình vẫn không hề chuyển biến. Bác sĩ bảo rằng, nếu có phục hồi thì cháu chỉ có thể biết ngồi thôi, không thể tự đi lại được nữa. Nhưng bố mẹ đã không tin vào kết luận đó, mẹ tôi quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho tôi. Và may mắn rằng, 4 tuổi tôi chập chững những bước đi đầu tiên. Từ khi ý thức được sự thua thiệt của mình, tôi đã luôn cố gắng để vượt lên, tuy có lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng không nguôi hy vọng”, chị Trinh mở đầu câu chuyện.

Đến tuổi tới trường, Việt Trinh được bố mẹ sắm sửa sách vở, áo quần để đi học như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng với đôi chân tật nguyền, cô bé không thể tự mình đến lớp, hàng ngày bố, mẹ phải thay nhau đưa đón, tiếp sức trên hành trình đi tìm con chữ. Cứ thế, trải qua năm này đến năm khác, dù nắng hay mưa, cô gái nhỏ bé ngày ngày đến lớp trên chiếc xe cà tàng của bố mẹ.

bna-2-2632.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh tham gia trình diễn thời trang "Tôi đẹp. Bạn cũng vậy". Ảnh: NVCC

Nhận thấy được nỗi nhọc nhằn và âu lo của các bậc sinh thành, Việt Trinh biết mình phải chăm chỉ, gắng sức học tập, đạt kết quả cao để bố mẹ vui lòng. Đặc biệt năm lớp 9, Việt Trinh được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, góp phần mang lại niềm vinh dự cho nhà trường cũng như gia đình.

Và cô bé cũng sớm ý thức được rằng với một cơ thể tật nguyền, chỉ có con đường học hành mới có được tương lai. Khi lên trung học phổ thông, quãng đường từ nhà đến trường càng xa hơn (khoảng 6km), bố mẹ thêm bận rộn việc nhà, sắp xếp công việc để hàng ngày đưa Việt Trinh đến lớp; những hôm bố mẹ bận quá, Việt Trinh lại được anh trai và các bạn của mình đưa đón.

Trước những tấm chân tình của mọi người, cô gái tật nguyền tự hứa với bản thân sẽ không ngừng nỗ lực, nuôi khát vọng trở thành người có ích cho xã hội. Tốt nghiệp THPT, Việt Trinh thi đậu vào Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An, chuyên ngành Điều dưỡng đa khoa. Cũng từ đây, cô bắt đầu cuộc sống tự lập, xa gia đình để theo đuổi khát vọng.

bna-3-8182.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh miệt mài làm việc online. Ảnh: Công Kiên

Qua 3 năm miệt mài ở giảng đường, năm 2010 Việt Trinh tốt nghiệp ra trường và bắt đầu hành trình mưu sinh vất vả. Cầm trong tay tấm bằng Cao đẳng điều dưỡng loại Khá, đi “gõ cửa” nhiều nơi nhưng tất cả đều ái ngại trước cơ thể tật nguyền của cô gái trẻ. Một lần nữa, số phận lại đặt chị trước thử thách…

Và cũng một lần nữa, cô gái tật nguyền ấy lại tìm cách vươn lên, chị tìm đường ra Hà Nội, xin vào học lớp đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật, rồi làm việc trong một số cơ quan, tổ chức phi chính phủ. Chị còn mạnh dạn tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và được lọt vào tốp 15; tham gia sàn diễn thời trang “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho phụ nữ khuyết tật trên toàn quốc do Trung tâm Nghị lực sống tổ chức.

“Quả ngọt” đời thường

Nhưng với một người tật nguyền sống xa gia đình và người thân, một mình bám trụ, bươn chải ở đất Hà Thành quả thực không mấy dễ dàng, chị Việt Trinh quyết định trở về quê, học thêm kiến thức nghề về dược để tìm cơ hội việc làm. Cuối cùng, chị nhận làm nhân viên y tế xóm, được gần gũi với gia đình, người thân và bà con xóm giềng.

bna-4-6023.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh bên quầy thuốc tân dược. Ảnh: Công Kiên

Khoản tiền phụ cấp dành cho nhân viên y tế xóm quá ít so với nhu cầu của bản thân, chị Việt Trinh mở thêm quầy thuốc tân dược để phục vụ bà con trong xóm và vùng lân cận. Được đào tạo về y, dược nên chị dành được sự tin tưởng của nhiều người, hễ mắc bệnh thông thường bà con thường đến mua thuốc của chị.

Năm 2016, anh Nguyễn Văn Hợi (sinh năm 1983), một thanh niên ở xã bên (Nghi Long) tìm đến gặp chị Việt Trinh để mua thuốc cảm cúm. Qua chuyện trò, anh nhận thấy được vẻ đẹp và tấm lòng nhân hậu của cô gái tật nguyền và đem lòng cảm mến. Sau hôm đó, anh Hợi thường tìm cớ sang tâm sự với cô gái bán thuốc.

bna-6-9505.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh bên chồng và 2 con gái. Ảnh: NVCC

Trước sự quan tâm đặc biệt và tình cảm của một người con trai xa lạ, chị Việt Trinh bắt đầu thấy tim mình rung động và khao khát yêu đương. Trong lòng chị như có một nỗi giằng xé, một nửa như muốn yêu và được yêu, một nửa lại gợn lên nỗi day dứt, âu lo. Bởi anh Hợi là người hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi bản thân chị là một cô gái tật nguyền.

Bằng tình cảm mộc mạc, chân thành của mình, anh Hợi đã chinh phục được trái tim của người con gái mình yêu thương. Chị Việt Trinh đã mở lòng mình để đón nhận tình yêu của anh, dẫu biết bao khó khăn, vất vả đang đón chờ phía trước…

bna-5-4355.jpg
Tích cực tham gia hoạt động xã hội, chị Trần Thị Việt Trinh nhận được nhiều Bằng khen và Giấy khen của các cơ quan, tổ chức. Ảnh: Công Kiên

Nhưng ban đầu, gia đình anh Hợi đã phản đối cuộc hôn nhân, nguyên do là mọi người đều lo lắng về cuộc sống tương lai của anh khi gắn bó với người con gái tật nguyền. Anh đã tỏ rõ quyết tâm và từng bước thuyết phục người thân, cuối cùng gia đình đã đồng ý để hai người chung tay xây dựng hạnh phúc.

Vậy là sau một thời gian quen biết và yêu thương nhau, anh chị đã tổ chức đám cưới, bắt đầu một cuộc sống mới. Sau hơn 2 hồi hộp chờ đợi, đến năm 2019 chị Việt Trinh sinh bé gái đầu lòng, rồi năm sau sinh tiếp bé gái thứ hai, cuộc sống vất vả nhưng ngôi nhà hạnh phúc luôn ngập tràn tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ.

Anh Nguyễn Văn Hợi đang làm công nhân của một nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc), ngoài giờ làm thêm nghề sửa chữa điện lạnh. Còn nguồn thu nhập của chị Việt Trinh là làm nhân viên y tế xóm, bán thuốc tân dược và làm việc online. Thu nhập của hai vợ chồng tạm đủ để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học.

bna-7-4444.jpg
Chị Trần Thị Việt Trinh được Hội LHPN tỉnh tôn vinh là hội viên khuyết tật tiêu biểu. Ảnh: NVCC

Hiện tại, chị Việt Trinh còn làm Ủy viên Ban Chấp hành của Hội Người Khuyết tật tỉnh Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật huyện Nghi Lộc và có nhiều sáng kiến, việc làm để giúp đỡ hội viên. Nhờ đó, chị được các cơ quan, tổ chức vinh danh, trong đó phải kể đến Bằng khen của Hội Người khuyết tật tỉnh và được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tôn vinh là 1 trong 30 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu toàn tỉnh.

“Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, một cuộc sống bình thường và niềm hạnh phúc đơn sơ nhưng không phải dễ dàng có được. Đó là kết quả của một hành trình qua bao gian nan, thử thách với bao nghị lực để vượt lên hoàn cảnh và số phận. Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ với những người phụ nữ cùng cảnh ngộ rằng: Cứ lạc quan, tự tin và có niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Đừng để những khó khăn cản trở niềm khát khao vươn lên cống hiến, khát khao có được tình yêu hạnh phúc của mình”.

____________

CHỊ TRẦN THỊ VIỆT TRINH

Công Kiên