Triển lãm ‘Theo dấu chân Đại tướng’ sẽ được tổ chức tại Nghệ An

Công Kiên 09/03/2024 16:21

(Baonghean.vn) - Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” sẽ được khai mạc vào 13/3/2024 tại Bảo tàng Nghệ An hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng và du khách gần, xa những thông tin bổ ích, trải nghiệm thú vị về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911- 2024); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tổ chức triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng”.

bna-1-3490.jpg
Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng" sẽ được khai mạc vào ngày 13/3/2024 tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Triển lãm nhằm giới thiệu đến công chúng một phần câu chuyện về Đại tướng qua những bài thơ, bài diễn ca lịch sử của nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung cùng những hình ảnh lịch sử, hình ảnh đời thường gắn với vị tướng tài ba, một vĩ nhân huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với thông điệp: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Nguyên soái kiệt xuất của dân tộc nhưng vô cùng bình dị, gần gũi, tình cảm, luôn sống mãi trong lòng nhân dân, triển lãm sử dụng 110 bài thơ và diễn ca do nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác để tái hiện lại dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tình cảm nhân dân dành cho vị tướng huyền thoại, đặc biệt sau khi Đại tướng “về trời”.

bna-5-4360.jpg
Những bài diễn ca lịch sử của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung đi kèm với những bức ảnh tư liệu quý giá. Ảnh: Công Kiên

Nội dung của Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” gồm 3 chủ đề: Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Vị tướng trong lòng dân và Sáng mãi ngàn năm.

Chủ đề thứ nhất giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được tái hiện sinh động qua những lời thơ, lời diễn ca mộc mạc cùng những bức ảnh tư liệu lịch sử vô giá, giàu cảm xúc.

bna-2-4051.jpg
Đến với triển lãm, công chúng sẽ có dịp hiểu thêm về Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Công Kiên

Chủ đề thứ hai giới thiệu những khoảnh khắc dung dị, an nhiên giữa đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua đó, thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng và cảm phục của Đại tướng dành cho các chiến sĩ trên mọi mặt trận và tình yêu của nhân dân, đồng đội dành cho Đại tướng anh hùng.

Chủ đề thứ thứ ba là lời khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày Lễ Quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình…

bna-3-6382.jpg
Công tác chuẩn bị khai mạc triển lãm đang gấp rút được tiến hành. Ảnh: Công Kiên

Với sự kết nối giữa hình ảnh tư liệu và thơ, triển lãm là sự tái hiện những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường dung dị của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, sự kính trọng, nể phục của nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung với công lao của Đại tướng đã đóng góp cho đất nước, cho dân tộc.

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được tổ chức tại Nghệ An, khai mạc vào 13/3/2024 nhằm kỷ niệm 70 năm ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Nghệ An đã có những đóng góp lớn lao cho chiến dịch này. Hơn nữa, cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với đất và người Nghệ An, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là con rể của vùng quê này. Hiện công tác chuẩn bị khai mạc triển lãm đang được tiến hành gấp rút để phục vụ công chúng một cách tốt nhất.

_______________

BÀ PHAN THỊ HÀ LONG - PHÓ GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG NGHỆ AN

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về công tác tại Trường Trung học phổ thông Hải Hậu (Nam Định), sau đó chuyển về trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Trung học phổ thông Đoàn Kết (Hà Nội). Bà còn là Ủy viên Ủy ban Hành chính huyện Hải Hậu, Nam Định; rồi cán bộ chỉ đạo của Vụ cấp 3, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

bna-4-9999.jpg
Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung. Ảnh: Công Kiên

Hơn 30 năm cầm bút, bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng mưu lược và đầy bản lĩnh trên chiến trường nhưng vô cùng bình dị, ấm áp trong đời thường. Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng với Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – Người hiền”. Đặc biệt, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung đã dốc tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ - diễn ca “Theo dấu chân Đại tướng” để hòa trong tiếng lòng tri ân và ngưỡng mộ của toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại.

Công Kiên