5 hệ thống tàu điện ngầm hiện đại bậc nhất hành tinh

Phương Mai 11/03/2024 20:04

(Baonghean.vn) - Những hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hơn khi mỗi năm lại có thêm hàng triệu người đổ xô đến sống ở các thành phố lớn.

Đông đúc, nóng bức, ồn ào, náo nhiệt - hệ thống tàu điện ngầm dường như là một phép thử cho sự tỉnh táo của những cư dân thành thị có "tinh thần thép", nhưng thật khó có thể tưởng tượng ra cảnh những thành phố lớn nhất thế giới thiếu đi hệ thống giao thông công cộng này.

Tàu điện ngầm (subways) - hay còn được gọi là "metro" ở ngoài Bắc Mỹ - cách gọi cũng đa dạng như sự xuất hiện của hệ thống này trên toàn thế giới: Từ những đường hầm "ống" ngột ngạt được xây dựng thủ công từ thời Victoria cho đến những công trình bằng thép của thế kỷ trước và những đường hầm hiện đại phục vụ người dân hoàn toàn tự động.

Hệ thống tàu điện ngầm ở London

Đây là mạng lưới tàu điện ngầm đầu tiên và hiện vẫn là một trong những mạng lưới tàu điện ngầm lớn nhất thế giới. Hơn 4 triệu người dân London (Anh) và du khách sử dụng phương tiện công cộng này mỗi ngày. Mặc dù có tên là Hệ thống ngầm nhưng có đến 55% hệ thống này nằm phía trên mặt đất. Các tuyến đường cũng được mở rộng ra các quận lân cận như Essex, Hertfordshire và Buckinghamshire.

Không đơn thuần là một hệ thống giao thông công cộng, tàu điện ngầm ở London còn được xem là một biểu tượng văn hóa toàn cầu và là công trình dẫn đầu về lối kiến trúc, thiết kế giao thông trong hơn 1 thế kỷ.

Hệ thống tàu điện ngầm này chính là một trong những yếu tố quan trọng đưa London từng bước trở thành thành phố bậc nhất hành tinh.

Tàu điện ngầm Bắc Kinh

tau-dien-1-4779.jpeg
Bắc Kinh là nơi có hệ thống tàu điện ngầm dài và đông đúc nhất thế giới. Ảnh: Getty

Mặc dù đi vào hoạt động sau hệ thống tàu ở London gần 1 thế kỷ, hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những hệ thống giao thông ngầm dài và hiện đại nhất thế giới.

Được ra mắt vào năm 1971, cho tới nay, nó bao gồm 27 tuyến - trong đó có một tuyến Maglev - kéo dài 519 dặm xuyên thủ đô Trung Quốc và các quận lân cận với 490 trạm xử lý, đạt hơn 10 triệu chuyến đi mỗi ngày trước đại dịch Covid-19 (3,84 tỷ chuyến đi vào năm 2018).

Mặc dù đã có 6 tuyến hoàn toàn tự động hóa bằng tàu không người lái, tuy nhiên hệ thống phương tiện giao thông công cộng này vẫn đang trong tình trạng quá tải bởi số lượng hành khách "khổng lồ".

Thủ đô Bắc Kinh đã và đang có kế hoạch mở rộng hệ thống tàu điện ngầm lên hơn 620 dặm, phục vụ 18,5 triệu chuyến đi mỗi ngày vào năm 2025. Để đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông, thành phố đang hướng tới con số 60% số chuyến đi sẽ được thực hiện bằng phương tiện công cộng vào năm 2025 - trong số đó, 62% sẽ liên quan đến tàu điện ngầm.

Giá vé chỉ từ 0,40 USD (khoảng 10.000 đồng) cho một chuyến đi dài tới 4 dặm, miễn phí vé cho trẻ em dưới 1,3 mét, người cao tuổi (trên 65 tuổi), cảnh sát và cựu quân nhân, quân nhân và người khuyết tật. Đây là những chính sách khiến cho người dân Bắc Kinh và cả Trung Quốc lựa chọn di chuyển bằng tàu điện ngầm.

Tàu điện ngầm Tokyo

tau-dien-2-5182.jpg
Tàu điện ngầm của Tokyo hoạt động 24 giờ một ngày. Ảnh: Getty

Oshiya "đeo găng trắng" chính là những hình ảnh đầu tiên hiện lên khi nói đến tàu điện ngầm ở Tokyo (Nhật Bản). Họ là những người chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ "đẩy", nhồi nhét càng nhiều người càng tốt vào các chuyến tàu vốn đã chật cứng.

Tuy vậy đây vẫn là một hệ thống giao thông quan trọng ở khu vực đô thị lớn nhất thế giới, phục vụ hơn 35 triệu người trong đó khoảng 14 triệu người sống ở nội thành.

Mạng lưới giao thông thành phố Tokyo cực kỳ dày đặc và phức tạp với không dưới 100 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có hai hệ thống tàu điện ngầm riêng biệt – Tokyo Metro và Toei Subway. 2 hệ thống này có chung 13 tuyến và 286 nhà ga phục vụ nhiều quận lớn nhất thành phố.

Mặc dù các đoàn tàu chạy với tốc độ cao, tới 24 chuyến một giờ theo lịch trình chính xác, nhưng nhiều nhà ga được cho là vẫn hoạt động vượt quá công suất dự kiến ​​- thậm chí nhiều hơn 200% so với thiết kế.

Tất cả những điều này có thể khiến việc di chuyển bằng tàu tàu điện ngầm ở Tokyo trở thành một trải nghiệm tuyệt vời đối với du khách. Những chính sách đã được thực hiện trong những năm gần đây khiến việc sử dụng tàu điện ngầm trở nên dễ dàng hơn, như cung cấp biển báo đa ngôn ngữ, mã màu và đánh số các ga. Du khách thậm chí có thể xác định được họ đang ở đâu nhờ những tiếng leng keng độc đáo được phát qua hệ thống PA ở một số nhà ga.

Tàu điện ngầm thành phố New York

Một tuyến đường sắt gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, văn hóa và kinh tế của thành phố mà nó phục vụ là tuyến tàu điện ngầm nổi tiếng thế giới của Thành phố New York (Mỹ). Giống như chính thành phố này, tàu điện ngầm NYC không bao giờ ngủ, hoạt động 24h/ngày, 365 ngày trong năm.

Với chiều dài 665 dặm (1.070 km), gồm 25 tuyến và 472 ga, đây là mạng lưới dài nhất và nhộn nhịp nhất Bắc Mỹ tính theo khoảng cách và là một trong những hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới.

Không hẳn như tên gọi, phần lớn tàu điện ngầm NYC chạy trên mặt đất, thường là trên những cây cầu thép có đinh tán dày đặc nằm dọc các con đường, đây là hình ảnh quen thuộc từ các bộ phim như “The French Connection” và “Saturday Night Fever”.

Khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên mở cửa vào năm 1904, một vé chỉ có 5 xu. Tuy giá vé đã được tăng lên 2,90 đô la, các chuyến đi vẫn có giá rất hợp lý theo tiêu chuẩn quốc tế, là cách nhanh và tiết kiệm chi phí nhất để đi vòng quanh thành phố có biệt danh là Big Apple ("quả táo lớn").

Tàu điện ngầm STC của Thành phố Mexico

tau-dien-3-3508.jpg
Mạng lưới STC Metro của Thành phố Mexico đã hoạt động từ năm 1969. Ảnh: Alamy Stock

Thành phố Mexico (Mexico) nổi tiếng với tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm trầm trọng, nhưng may mắn thay, người dân và du khách có thể lựa chọn chuyển sang hệ thống giao thông công cộng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí bậc nhất.

Khai trương vào năm 1969, STC Metro hiện là hệ thống tàu điện ngầm lớn thứ hai ở Bắc Mỹ - sau Thành phố New York, có 12 tuyến, 195 ga (115 ga ngầm) và hơn 140 dặm (225 km) đường ray.

Thay vì bánh xe thép thông thường trên đường ray thép, STC Metro sử dụng hệ thống tương tự như nhiều tuyến Paris Metro với lốp cao su trên bánh xe thép, mang lại cảm giác lái êm ái và yên tĩnh hơn trên địa hình không ổn định và dễ xảy ra động đất của Thành phố Mexico.

Quyết định này được chứng minh là sáng suốt sau khi hệ thống vẫn còn nguyên vẹn sau trận động đất năm 1985.

Phương Mai