Thành viên EU nói NATO chớ nên vượt ‘lằn ranh đỏ’ về Ukraine

Hoàng Bách 12/03/2024 09:35

(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cảnh báo, thế giới hiện đã phải chứng kiến hậu quả của “cuộc chiến cho tới tận người Ukraine cuối cùng”.

65ef58d185f5400eae1b93dc-3109.jpeg
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak. Ảnh: AFP

Theo RT ngày 11/3, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak đã chỉ trích ý tưởng điều lực lượng NATO tới Ukraine bằng cách gọi đó là “lằn ranh đỏ” chớ nên vượt qua. Ông nói với hãng tin Ta3 vài hôm trước rằng các chính trị gia ở phương Tây đang khai thác “chiến tranh và đau khổ ở Ukraine” để phục vụ mục đích riêng của họ.

Khả năng điều quân NATO tới Ukraine đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trong phát biểu với giới truyền thông hồi tuần trước, khi ông cho rằng NATO “không thể loại trừ” một phương án như vậy.

Phát biểu của ông Macron đã làm dấy lên làn sóng bác bỏ từ các quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Anh, Cộng hòa Czech, Phần Lan và Thụy Điển, với tuyên bố rằng họ không có các kế hoạch như vậy.

Ban đầu, chỉ có hai quốc gia vùng Baltic tán thành ý tưởng này. Hôm 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng ủng hộ ông Macron khi nói rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đòi hỏi “sự leo thang bất đối xứng” từ phía phương Tây. Nhà ngoại giao hàng đầu của Vacsava cũng gọi sự hiện diện của NATO ở Ukraine “không phải là không thể tưởng tượng được”.

Hôm 10/3, ông Kalinak cảnh báo rằng việc gửi binh sĩ của liên minh tới Ukraine sẽ “làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột toàn cầu”. Vị bộ trưởng này nói thêm rằng những người “nghiêm túc ủng hộ Ukraine” nên kêu gọi “những người Ukraine khỏe mạnh” trở về nước.

Ông cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng thù địch giữa Kiev và Moskva và nói rằng cần có một lối thoát phi bạo lực. Bộ trưởng nói rằng, thế giới đã chứng kiến hậu quả của “cuộc chiến cho tới tận người Ukraine cuối cùng”, đồng thời nhấn mạnh rằng “đã đến lúc phải tìm kiếm các giải pháp hòa bình”.

Ông Kalinak nói: “Chỉ có thông qua chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, chúng ta mới có thể ngăn chặn đổ máu thêm và khôi phục chủ quyền của Ukraine”.

Người đứng đầu quốc hội Slovakia, Peter Pellegrini, cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong chuyến thăm nước láng giềng Hungary. Ông nói với các nhà báo sau khi gặp người đồng cấp Hungary Laszlo Kover: “Chúng ta không được từ bỏ nỗ lực chấm dứt càng sớm càng tốt việc giết hại binh lính và dân thường hàng ngày”. Ông cũng tuyên bố rằng Slovakia sẽ không cử một binh sĩ nào tới Ukraine.

Gần đây, những lời kêu gọi các bên tham chiến bắt đầu đàm phán hòa bình đã xuất hiện thường xuyên hơn. Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị sẽ tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Tuần trước, Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi Kiev “can đảm” tham gia các cuộc đàm phán với Moskva để tình trạng đổ máu không tiếp diễn. Hôm 10/3, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã kêu gọi phương Tây “kích hoạt các kênh ngoại giao” để giải quyết xung đột.

Đầu tháng 3, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo Kiev sẽ chỉ làm suy yếu vị thế đàm phán của mình nếu trì hoãn đàm phán với Moskva.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán miễn là có tính đến tình hình trên thực địa. Ukraine khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng chỉ bắt đầu sau khi lực lượng Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố là của mình. Moskva bác bỏ những yêu cầu mà họ cho là “vô lý” như vậy.

Hoàng Bách