Diêm dân Nghệ An sẵn sàng vào vụ sản xuất mới

Việt Hùng 12/03/2024 14:28

(Baonghean.vn) - Những ngày này, trên các cánh đồng muối ở huyện Quỳnh Lưu, diêm dân tập trung ra đồng, khẩn trương cải tạo ruộng muối, chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới.

Diêm dân sẵn sàng vào vụ sản xuất

Trên cánh đồng muối ở xã Quỳnh Thuận, ông Đào Văn Hoàng đang tất bật với công việc cải tạo ô nề, gia cố khu vực sản xuất muối của gia đình. Ông Hoàng cho biết: “Gia đình có 5 dát muối với diện tích hơn 250 m2. Sau khi ăn Tết xong, tranh thủ thời tiết nắng ráo, chúng tôi huy động cả nhà ra đồng sửa chữa, tu sửa và làm mới ô kết tinh, làm mới khu vực chạt lọc nhằm đảm bảo đồng muối được sử dụng hiệu quả. Chi phí cho mỗi lần tu sửa ô nại khoảng 3 – 4 triệu đồng”.

bna-anh-1-8128.jpeg
Diêm dân Quỳnh Lưu tu sửa ô nại, chuẩn bị các điều kiện cho vụ sản xuất muối năm 2024. Ảnh: Việt Hùng

Thông thường, trước khi bước vào vụ sản xuất muối, bà con diêm dân các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, An Hòa... đều phải tu sửa, cải tạo cánh đồng muối của gia đình. Do bà con sử dụng chất liệu vôi, than xỉ xay nhuyễn để tạo thành hồ làm mặt bằng ô kết tinh nên chất lượng và độ bền không lâu như sử dụng xi măng, cát, đá để làm mặt nền. Tuy nhiên, theo bà con, cách này sẽ giúp cho quá trình kết tinh muối nhanh hơn so với trên bề mặt xi măng, dù chỉ sau 2 – 3 năm sẽ cần cải tạo lại.

Tại cánh đồng muối xã Quỳnh Nghĩa, bà con diêm dân cũng đang tích cực bám đồng để tu sửa các ô nề. Đang khẩn trương cải tạo bộ chạt lọc, bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Quỳnh Nghĩa cho biết, gia đình có 4 dát muối, sau Tết đến nay ngày nào bà cũng tập trung ra đồng để gia cố, khắc phục khu vực ô nề bị hư hỏng. Vừa mới cải tạo xong các ô nề thì nay đến công đoạn làm mới 3 máng chạt lọc nhằm giảm bớt sức lao động trong quá trình sản xuất muối.

bna-anh-2-muoi-9246.jpeg
Sau Tết đến nay, diêm dân xã Quỳnh Thuận tích cực bám đồng tu sửa ô nại. Ảnh: Việt Hùng

“Những năm gần đây, bà con đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất muối ngày càng tăng lên, đặc biệt là nhờ cải tiến thêm các ô chạt lọc tại khu vực cánh đồng muối nên giảm bớt sức lao động, tăng năng suất lao động. Hiện nay mọi công đoạn đã được chuẩn bị gần xong, chỉ chờ khi thời tiết nắng nóng, gia đình sẽ tập trung sản xuất, đón những hạt muối đầu tiên của năm và hy vọng sẽ là một năm được mùa, được giá”, bà Hoa cho biết.

Vụ muối năm 2023, theo đánh giá của bà con diêm dân huyện Quỳnh Lưu là năm ổn định về giá cả nhất từ trước đến nay. Thương lái thu mua muối tại ruộng dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg (cao hơn các năm từ 800 – 1.200 đồng/kg). Với giá thu mua ổn định như vậy, bình quân 1 dát muối, bà con sản xuất ra 90 – 100kg muối tinh, cho thu nhập từ 180.000 - 250.000 đồng/ngày. Diện tích dát muối càng nhiều, thu nhập của từng hộ dân càng tăng.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng nghề muối

Quỳnh Lưu là huyện có diện tích sản xuất muối lớn của tỉnh Nghệ An với hơn 600 ha tại 9 xã với 12 hợp tác xã và 1 xí nghiệp. Để giúp diêm dân lưu giữ nghề muối truyền thống và có chỗ đứng ổn định, hiện nay nhiều địa phương khuyến khích nhân dân sản xuất các sản phẩm mới như muối i-ốt, muối tôm. Cùng với đó, từ năm 2012 đến nay, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng gần 7.000 bộ chạt lọc cải tiến, với trị giá gần 21 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trải bạt nhựa HDPE trên ô kết tinh cho gần 800 đơn vị sản xuất muối (60m2/đơn vị), trị giá 2,4 tỷ đồng.

bna-bienanh-5-muoi-369.jpeg
Chờ khi thời tiết nắng nóng, diêm dân Quỳnh Lưu sẽ bước vào vụ sản xuất muối. Ảnh: Việt Hùng

Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư kinh phí nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối gồm hệ thống kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi, sân, nề... Với sự quan tâm của các cấp, các ngành diêm dân Quỳnh Lưu tích cực bám nắng sản xuất. Nhờ đó, sản lượng muối hàng năm của toàn huyện đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, với giá trị đạt 5 – 5,4 tỷ đồng.

Ngoài sự quan tâm của cấp trên về đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất muối, việc hình thành và phát triển các cơ sở chế biến góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 5 cơ sở chế biến muối. Từ hoạt động chế biến, mỗi năm các đơn vị thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân, với doanh thu xấp xỉ đạt 10 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào...

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quỳnh Lưu

bna-anh-6-muoi-9854.jpeg
Với diện tích 600ha, sản lượng muối hàng năm của toàn huyện Quỳnh Lưu đạt từ 45.000 - 50.000 tấn. Ảnh: Việt Hùng

Để nâng cao hiệu quả sản xuất muối, huyện Quỳnh Lưu tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, cải tạo hệ thống kênh, mương dẫn nước chạt, tiêu thoát nước ngọt ruộng muối và cải tạo nội đồng đồng muối. Đối với hệ thống hạ tầng nội đồng đồng muối, dự kiến đến năm 2025 trên địa bàn huyện sản xuất muối có trải bạt nền ô kết tinh (chiếm 45 - 60% tổng diện tích ô kết tinh sản xuất muối) và 80% tổng sản lượng muối được các cơ sở chế biến thu mua, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu muối sạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và công nghiệp chế biến thực phẩm, muối dược liệu.../.

Việt Hùng