Trung Quốc dồn lực phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn trước lệnh trừng phạt của Mỹ

Phan Văn Hoà (Theo Asiatimes) 13/03/2024 21:40

(Baonghean.vn) - Trước lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đã có những bước đi quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp nội địa, hướng đến mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn.

Năm 2023, ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước này.

Trong khi Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đang đổ thêm nguồn lực tài chính vào ngành công nghiệp chíp bán dẫn. Các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ làm chậm lại nhưng không thể ngăn chặn sự phát triển của ngành sản xuất chíp bán dẫn Trung Quốc.

Theo các báo cáo gần đây, Trung Quốc đang huy động thêm 27 tỷ USD từ các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân cho Quỹ Đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia, với vốn điều lệ hiện có khoảng 45 tỷ USD.

1-2834.jpg
Ảnh minh hoạ

Điều này có thể sẽ khiến tổng nguồn tiền hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc trong 5 năm (2022 - 2027) gấp khoảng ba lần so với khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD của chính phủ Mỹ dành cho sản xuất chíp bán dẫn theo Đạo luật Khoa học và CHIPS.

Thực tế cho thấy, chính sách công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc dường như đang hoạt động khá hiệu quả. Bất chấp các báo cáo về quản lý tài chính yếu kém và những trở ngại trong lịch trình sản xuất, công ty sản xuất mạch tích hợp (IC) hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, hiện đang sản xuất chíp bán dẫn tiến trình 7nm và đang phát triển tiến trình 5nm.

Mặc dù, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bà Gina Raimondo đã đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến để sản xuất chíp bán dẫn tiến trình nhỏ hơn 10nm, khiến việc sản xuất chíp điện thoại thông minh tiên tiến trở nên bất khả thi. Nhưng thông tin công khai từ các nhà sản xuất hệ thống in thạch bản ASML (Hà Lan) và Nikon (Nhật Bản) cho thấy điều đó đã không xảy ra.

Do vậy, gần đây chính phủ Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ in thạch bản, theo đó sẽ hạn chế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không chỉ các hệ thống quang khắc EUV từ công ty ASML của Hà Lan mà cả các hệ thống quang khắc DUV do cả ASML và Nikon của Nhật Bản sản xuất.

Những lệnh trừng phạt mở rộng này có hiệu lực vào nửa cuối năm 2023, được cho là quá muộn để ngăn chặn việc ra mắt điện thoại thông minh 5G Mate 60 Pro của Huawei với bộ vi xử lý sử dụng chíp bán dẫn tiến trình 7nm do SMIC sản xuất.

Do đó, vào tháng 2 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu công ty cung cấp các sản phẩm bán dẫn Entegris và các công ty khác của Mỹ phải ngừng cung cấp các linh kiện và vật liệu tiên tiến cho SMIC.

Hiện chính phủ Mỹ đang gây sức ép lên Hà Lan và Nhật Bản để buộc các công ty ASML và Nikon ngừng bảo trì các hệ thống in thạch bản DUV đã bán cho Trung Quốc trước khi các lệnh trừng phạt được thắt chặt. Mỹ cũng được cho là đang yêu cầu Nhật Bản ngừng bán chất quang dẫn và các hóa chất khác được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 8 tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito nói với tờ Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi chưa có kế hoạch thực hiện các yêu cầu của Mỹ vào thời điểm này”.

Trong khi đó, theo các báo cáo sơ bộ, phản ứng của Hà Lan về vấn đề này cũng chưa rõ ràng.

Nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt, Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc bổ sung nhà sản xuất DRAM hàng đầu Trung Quốc là Changxin Memory Technologies (CXMT) và 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào Danh sách thực thể (Entity List) nhằm không cho phép các công ty này tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Mới đây, đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng hai công ty bán dẫn của Mỹ là Applied Materials và Lam Research đã cung cấp thiết bị cho công ty bán dẫn SMIC của Trung Quốc để sản xuất chíp bán dẫn tiến trình 7nm cho Huawei.

Thực tế, hầu hết các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc được xem là thị trường lớn nhất đối với các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn trên thế giới.

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp bán dẫn ước tính rằng, Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 20% ​​số thiết bị bán dẫn mà nước này tiêu thụ, tăng từ mức 10% trong thời gian gần đây. Với ít nhất 20 dây chuyền sản xuất mới đang được xây dựng ở Trung Quốc, con số này dường như sẽ tăng ít nhất lên 30% và nhiều khả năng lên 50% vào cuối thập kỷ này.

Tóm lại, hiện nay Trung Quốc đang dồn lực phát triển ngành công nghiệp chíp bán dẫn nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ. Nỗ lực này bao gồm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng các nhà máy sản xuất mới và thu hút nhân tài.

Ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, chẳng hạn như sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài cho các nguyên liệu và thiết bị quan trọng.

Phan Văn Hoà (Theo Asiatimes)