Nghệ An phát động ngày Quyền của người tiêu dùng
(Baonghean.vn) - Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Ngày 14/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương Nghệ An chủ trì phát động và tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”.
Dự lễ phát động có đồng chí Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp, đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15 tháng 3 hằng năm được chọn là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; là dịp để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh và tạo động lực phát triển đất nước.
Nghệ An là điểm giao thương thuận lợi và là thị trường lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như hoạt động thương mại, tiêu dùng. Trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 95.112,4 tỷ đồng Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là hết sức quan trọng, được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Chỉ tính riêng năm 2023, các sở, ngành liên quan đã thực hiện thanh, kiểm tra hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đã xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng.
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Phạm Văn Hoá- Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường nội địa ngày càng đa dạng, phong phú, do đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo mục đích, nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, gian lận thương mại phát sinh ngày càng tinh vi, hình thức vi phạm ngày càng phức tạp, không những gây nguy hại đến tâm lý, sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tiêu dùng, pháp luật cho người dân.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng; nâng cao văn hóa kinh doanh, tôn trọng quyền lợi và lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, hãy sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách hiệu quả; lựa chọn những sản phẩm tốt, thân thiện với môi trường của những doanh nghiệp có uy tín; hãy lên tiếng phản ánh, đấu tranh chống lại những hành vi xâm hại, thiếu tôn trọng, gian lận của các tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; đồng thời, tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.