Từ trường hợp Đình Bắc, Hồ Văn Cường, hiểu đúng về chuyển nhượng cầu thủ

Yến Thanh 15/03/2024 11:31

(Baonghean.vn) - Thương vụ tiền đạo Nguyễn Đình Bắc đến Câu lạc bộ Hà Nội tưởng chừng như thành công nhưng rồi đổ bể vào phút cuối. Nguyên nhân đến từ đâu và hiểu như thế nào cho đúng về chuyển nhượng cầu thủ bóng đá tại Việt Nam.

Đầu tiên, phải xác định rằng, tiền đạo Đình Bắc là một cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam. Ở tuổi 20, Đình Bắc thi đấu ấn tượng trong màu áo Đội tuyển Việt Nam và đương nhiên nhận được sự săn đón của các đội bóng trong nước lẫn nước ngoài.

Trước khi có án kỷ luật nội bộ, Đình Bắc nhận đề nghị từ một đội Nhật Bản cùng một đội bóng khác của V.League, không chỉ là câu lạc bộ Hà Nội. Sau đó, Đình Bắc chuyển sang câu lạc bộ Hà Nội, ra mắt và tập luyện theo đồng ý của câu lạc bộ Quảng Nam. Cụ thể, câu lạc bộ Hà Nội thông báo mượn Đình Bắc 1,5 mùa giải.

bna-anh-1-dinh-bac-8807.jpg
Đình Bắc không đồng ý gia nhập câu lạc bộ Hà Nội theo dạng cho mượn vào phút chót mặc dù đã được câu lạc bộ Quảng Nam “bật đèn xanh”. Ảnh: HNFC

Mặc dù vậy, Đình Bắc không ra sân ở trận Cúp Quốc gia, giữa Hà Nội và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh do không đủ cơ sở pháp lý để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấp thuận để có thể ra sân thi đấu cho đội bóng mới. Ngay sau đó, câu lạc bộ Hà Nội đành đính chính, không mượn Đình Bắc vì không phù hợp.

Theo luật quy định hiện nay cũng như theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Đình Bắc còn thời hạn hợp đồng 6 năm với đội bóng xứ Quảng. Trong 6 năm đó, Đình Bắc vẫn còn hợp đồng đào tạo, ít nhất là cho đến 21 tuổi và 1 hợp đồng chuyên nghiệp kéo dài tối đa 3 năm (theo Luật Lao động).

Nếu Đình Bắc đã đủ 25 tuổi và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với câu lạc bộ Quảng Nam, việc Đình Bắc cập bến bất kỳ một đội bóng nào sẽ không có gì đáng nói. Đó là dạng chuyển nhượng tự do, giống như trường hợp các cầu thủ Sông Lam Nghệ An ra đi sau khi đã đủ 25 tuổi và hết hợp đồng đào tạo lẫn hợp đồng chuyên nghiệp. Khi đó, Đình Bắc sẽ được nhận toàn bộ tiền lót tay từ câu lạc bộ mới.

Nhưng ở đây, Đình Bắc mới chỉ 19 tuổi, còn hợp đồng đào tạo lẫn hợp đồng chuyên nghiệp với câu lạc bộ Quảng Nam, nếu muốn thi đấu cho một đội bóng khác chỉ có 2 hình thức. Một là Đình Bắc thi đấu cho câu lạc bộ Hà Nội theo dạng cho mượn. Theo tìm hiểu, câu lạc bộ Quảng Nam chấp nhận để Đình Bắc thi đấu 1,5 mùa cho Hà Nội không mất phí.

Hai là câu lạc bộ Quảng Nam sẽ bán đứt, có phí chuyển nhượng khi đàm phán hợp đồng với câu lạc bộ Hà Nội. Đây là hình thức chuyển nhượng mà thế giới vẫn thường làm. Tuy nhiên, cả 2 giả thiết trên, đều cần phải có sự đồng ý của cầu thủ. Tức là, ngoài hợp đồng cho mượn giữa câu lạc bộ Quảng Nam và câu lạc bộ Hà Nội, còn cần có 1 hợp đồng giữa Đình Bắc và câu lạc bộ Hà Nội.

Với việc Đình Bắc “quay xe”, không đồng ý gia nhập câu lạc bộ Hà Nội với thời hạn 1,5 năm mà chỉ là nửa mùa giải, mặc dù đã được câu lạc bộ Quảng Nam bật đèn xanh, thì thương vụ này vẫn bất thành. Như vậy, có thể hiểu, nếu muốn sở hữu Đình Bắc lâu dài, câu lạc bộ Hà Nội vừa phải trả phí chuyển nhượng cho câu lạc bộ Quảng Nam, vừa phải đàm phán với cá nhân Đình Bắc thì mới thành công.

bna-anh-2-slna-4183.jpg
Đào tạo ra nhiều cầu thủ tốt, nhưng Sông Lam Nghệ An vẫn thường xuyên mất trắng cầu thủ, không mang lại nguồn thu từ chuyển nhượng. Ảnh: Chung Lê

Đồng thời, FIFA cũng quy định, đối với chuyển nhượng tự do, khi cầu thủ còn hợp đồng trên 6 tháng với câu lạc bộ mới không được liên hệ, đàm phán với cầu thủ khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của câu lạc bộ chủ quản. Đáng tiếc, tình trạng cầu thủ bị liên hệ trái phép vẫn diễn ra, bằng một cách nào đó, từ một cầu thủ còn nghĩa vụ, họ trở thành cầu thủ tự do. Ngoại trừ có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, thanh lý không đền bù hợp đồng trước thời hạn của cầu thủ và câu lạc bộ chủ quản.

Hiện nay, phần lớn các thương vụ chuyển nhượng tại Việt Nam đều ở dạng chuyển nhượng tự do, khiến cho các câu lạc bộ tập trung vào công tác đào tạo trẻ gặp nhiều thiệt thòi. Các câu lạc bộ vừa mất cầu thủ, vừa không được nhận chi phí đoàn kết, tức là bồi hoàn chi phí đào tạo cầu thủ và nguyên tắc phân chia đoàn kết được quy định tại Điều 28 Quy chế này.

Tại V.League, Sông Lam Nghệ An là một trong những minh chứng điển hình trong việc “chảy máu tài năng”. Các cầu thủ của Sông Lam Nghệ An đều ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Theo thống kê, từ trước đến nay, đội bóng xứ Nghệ chưa thể thu về một đồng nào từ chuyển nhượng cầu thủ. Toàn bộ số tiền lót tay của cầu thủ từ câu lạc bộ mới đều thuộc về cầu thủ.

Còn với trường hợp của Hồ Văn Cường, cầu thủ này đến với câu lạc bộ Công An Hà Nội theo dạng cho mượn, ngược lại câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An mượn 1 ngoại binh. Đây là dạng trao đổi, cho mượn cầu thủ, chưa thể gọi là chuyển nhượng có phí, mua/bán. Khi kết thúc hợp đồng cho mượn, Hồ Văn Cường sẽ vẫn thuộc biên chế của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An.

Tóm lại, ngoài đưa quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo cầu thủ và nguyên tắc phân chia đoàn kết áp dụng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần có hình thức, biện pháp để bảo vệ những câu lạc bộ, Trung tâm đào tạo trẻ đầu tư vào công tác đào tạo trẻ, để tránh tình trạng “chảy máu tài năng” cho các đội bóng đó, khuyến khích việc đào tạo trẻ, tạo nguồn cầu thủ. Đồng thời, mang lại nguồn thu chính cho các đội bóng đó từ việc chuyển nhượng. Đó mới thực sự là bóng đá chuyên nghiệp.

Khoản 1 Điều 26 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ban hành kèm theo: 1. Chuyển nhượng cầu thủ là thỏa thuận giữa hai câu lạc bộ và cầu thủ tại thời điểm hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp của cầu thủ còn hiệu lực, theo đó bên chuyển nhượng là câu lạc bộ còn hợp đồng lao động với cầu thủ chuyển giao quyền ký hợp đồng lao động với cầu thủ cho bên nhận chuyển nhượng là câu lạc bộ mới. Câu lạc bộ nhận chuyển nhượng phải trả tiền cho câu lạc bộ chuyển nhượng theo thỏa thuận. Việc chuyển nhượng cầu thủ dưới 25 tuổi giữa các câu lạc bộ phải tuân thủ quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo cầu thủ và nguyên tắc phân chia đoàn kết được quy định tại Điều 28 Quy chế này. Trường hợp chuyển nhượng cầu thủ có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo Quy chế về địa vị pháp lý và chuyển nhượng cầu thủ của FIFA.

Yến Thanh