Đặc sản ổi Nghĩa Đàn loay hoay đầu ra

Q.A 19/03/2024 09:16

(Baonghean.vn) - Mặc dù thương hiệu ổi Nghĩa Đàn đã được biết đến khá rộng rãi nhưng việc tiêu thụ khó khăn, chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa kết nối được với các đơn vị bao tiêu lớn. Chính vì thế, không ít mùa ổi rơi vào cảnh được mùa, mất giá.

Xã Nghĩa Sơn được xem là thủ phủ ổi của huyện Nghĩa Đàn. Hiện toàn xã có 150 ha ổi, rải đều tại các xóm, trong đó, 2 xóm Sơn Thượng và Sơn Hạ có diện tích lớn nhất, với khoảng 80 ha. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở xã này có thâm niên tròn 10 năm trồng ổi; hiện đang chăm sóc 2 ha ổi lê. Bà Thanh cho biết, ổi có nhiều đặc tính tốt như thời gian trồng và sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu quả và ít sâu bệnh, năng suất có thể đạt 15 - 20 tấn/ha.

bna-oi-nghia-dan-du-dat-nang-suat-tot-tuy-nhien-dau-ra-gap-kho-khan-anh-q-a-1822.jpg
Ổi Nghĩa Đàn dù đạt năng suất tốt, tuy nhiên đầu ra đang gặp khó khăn. Ảnh: Q.A

Cây ổi sinh trưởng tốt trên đất Nghĩa Đàn, nhưng nỗi lo đầu ra luôn hiện hữu. Bà Phan Thị Hạnh - hộ trồng ổi tại xã Nghĩa Lâm chia sẻ: Trăn trở nhất của bà con trồng ổi là khâu tiêu thụ phập phù, giá cả bấp bênh. Cách đây 2 năm, giá ổi giảm chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dù giá có cao hơn nhưng số lượng ổi tiêu thụ được vẫn chưa nhiều.

Nhận thấy việc người dân trồng ổi manh mún, nhỏ lẻ, vốn ít, dễ bị thiệt thòi khi tham gia thị trường, nên năm 2023, Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ ổi Nghĩa Sơn được thành lập với 18 hộ dân. Các hội viên đã được tập huấn đầy đủ và siết chặt quy trình trồng, chăm sóc ổi an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiến đến nâng cao giá trị sản phẩm ổi địa phương. Cũng trong năm 2023, ổi của Tổ hợp tác đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhưng việc tiêu thụ vẫn chưa có sự đột phá.

Ông Nguyễn Văn Danh - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ ổi Nghĩa Sơn chia sẻ: "Suốt 1 năm qua, chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đã liên tục tìm kiếm, kết nối, mong muốn đưa ổi vào các siêu thị, các chuỗi cung ứng lớn, tuy nhiên, vẫn chưa thể ký kết với đơn vị nào dù ổi được trồng đúng quy trình, có tem nhãn đầy đủ, được đầu tư lớn. Hiện nay, đầu ra chủ yếu dựa vào thương lái, nếu họ không đến thu mua thì bà con phải tự liên hệ với các mối quen và bán lẻ...".

bna-oi-nghia-dan-da-duoc-dan-tem-truy-xuat-nguon-goc-anh-qa-6743.jpg
Ổi Nghĩa Đàn đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Q.A

Thực tế, vấn đề khó khăn đầu ra của sản phẩm ổi Nghĩa Đàn đã được dự báo từ trước. Thời điểm giá ổi tăng cao giai đoạn 2017 - 2018, nhiều hộ đua nhau trồng ổi. Chưa kể giai đoạn sau này, khi cam Nghĩa Đàn bị suy thoái, phải chặt bỏ, người dân cũng thay thế chủ yếu bằng ổi. Từ 100 ha ổi giai đoạn 2015 - 2017 thì đến nay, toàn huyện Nghĩa Đàn đã có đến 700 ha, trong đó có khoảng 400 ha là trồng mới trên đất trồng cam bị thoái hóa. Việc trồng ổi không có quy hoạch, tăng diện tích nhanh chóng đã gây nên những hệ lụy khi cung vượt quá cầu, sức tiêu thụ chậm.

bna-oi-la-cay-an-qua-co-dien-tich-lon-nhat-tai-huyen-nghia-dan-anh-qa-695.jpg
Ổi là cây ăn quả có diện tích lớn nhất tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Q.A

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Hiện nay, ổi là một trong những cây ăn quả có diện tích lớn nhất trên địa bàn huyện. Vấn đề tìm kiếm đầu ra cho nông phẩm này luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Tại các hội nghị, hội chợ kết nối cung - cầu, địa phương đều mang sản phẩm đi để giới thiệu, quảng bá.

Ngoài sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương thì người trồng ổi cũng cần phải thích nghi với môi trường kinh doanh qua không gian mạng đang nở rộ hiện nay, chủ động tìm kiếm bạn hàng trên các sàn thương mại điện tử, để có thể chủ động tiêu thụ tốt sản phẩm trong mỗi đợt thu hoạch.

Q.A