Đức ủng hộ nỗ lực của Pháp nhằm trang bị vũ khí tầm xa cho Ukraine

Hoàng Bách 16/03/2024 16:42

(Baonghean.vn) - Berlin cho đến nay vẫn từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Kiev.

65f4fc4285f540791c736329-4298.jpg
Ảnh minh hoạ: AP

Phản hồi sáng kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 15/3 rằng, các nước châu Âu có ý định thành lập một “liên minh năng lực” khác để cung cấp vũ khí tầm xa cho lực lượng Ukraine.

Cụ thể, trong cuộc họp báo chung với ông Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ở Berlin hôm 15/3, Thủ tướng Đức tuyên bố rằng các nước đã đồng ý mở rộng sản xuất thiết bị quân sự và “mua thêm nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine trên thị trường thế giới nói chung”.

Ông Scholz nói với các nhà báo: “Chúng tôi đang thành lập một liên minh có năng lực mới về rocket tầm xa”. Nhà lãnh đạo Đức không cung cấp thông tin cụ thể và không trả lời các câu hỏi từ báo giới nên vẫn chưa rõ liệu ông có ý gì mới hay đang đề cập đến một sáng kiến “tầm xa” được ông Macron công bố vào tháng trước.

Sau hội nghị thượng đỉnh những bên ủng hộ Ukraine ở Paris, ông Macron nói rằng Pháp sẽ lãnh đạo một liên minh mới nhằm cung cấp cho Kiev “tên lửa và bom tầm trung và tầm xa”. Giống như nhiều “liên minh năng lực” phương Tây trước đây tập trung vào máy bay không người lái, pháo binh, phòng không và các loại khác, nhóm mới tìm cách đoàn kết những người muốn tăng cường khả năng cụ thể của Ukraine để “tiến hành các cuộc tấn công sâu”, nhà lãnh đạo Pháp cho biết vào thời điểm đó.

Hiện vẫn chưa rõ các loại vũ khí mới mà các nhà tài trợ nước ngoài của Kiev có thể cung cấp, vì Anh và Pháp đã cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và SCALP-EG kể từ năm ngoái, và ông Macron đã cam kết thêm 40 tên lửa khác vào tháng 1. Mỹ cũng gửi một số tên lửa ATACMS, nhưng Kiev đã dùng hết nguồn cung hạn chế này và liên tục kêu gọi bổ sung vũ khí trong bối cảnh viện trợ từ Mỹ đình trệ.

Thủ tướng Scholz, trước sức ép từ đối tác nước ngoài và một số chính trị gia trong nước, cho đến nay vẫn từ chối gửi tên lửa Taurus do Đức sản xuất tới Ukraine nhằm tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Hôm 13/3, ông Scholz một lần nữa nhấn mạnh rằng việc chuyển giao tên lửa Taurus là “một ranh giới mà tôi không muốn vượt qua với tư cách là thủ tướng”. Ông giải thích rằng một chuyến hàng như vậy chắc chắn sẽ cần đến sự hiện diện của quân nhân Đức trên đất Ukraine – một diễn biến “không thể xảy ra”.

Hoàng Bách