Nghệ An chỉ đạo xử lý nghiêm vụ xâm phạm di tích Quốc gia lèn Hai Vai

Tiến Hùng 27/03/2024 08:54

(Baonghean.vn) - Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan và UBND huyện Diễn Châu xử lý nghiêm hành vi vi phạm tại lèn Hai Vai. Đồng thời, khẩn trương khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích quốc gia này.

Đề xuất xử phạt 180 triệu đồng

Ngày 27/3, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu cho biết, địa phương đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Việt Hưng (trụ sở tại thành phố Vinh). Đây là doanh nghiệp có hành vi xâm phạm Di tích Quốc gia lèn Hai Vai mà Báo Nghệ An có bài phản ánh.

Theo đó, huyện Diễn Châu đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực di sản văn hoá và lĩnh vực khoáng sản đối với công ty này vì đã có hành vi múc đất đá trái phép tại chân lèn Hai Vai; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia lèn Hai Vai với khối lượng đào múc trên 50m3.

Cụ thể, ngày 28/2, Công ty TNHH Trung Việt Hưng đã đào múc đất đá trái phép tại khu vực chân lèn Hai Vai, vị trí phía Tây lèn để làm vật liệu xây dựng thông thường với khối lượng 380m3.

bna_du3.jpg
Chân lèn Hai Vai bị đào bới thời gian qua. Ảnh: Tiến Hùng

Đối với hành vi vi phạm Luật Di sản, UBND huyện Diễn Châu đề xuất UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp này 90 triệu đồng. Tương tự, hành vi vi phạm Luật Khoáng sản cũng bị đề xuất mức phạt 90 triệu đồng. Tổng mức phạt là 180 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn phải khắc phục hậu quả bằng việc bồi hoàn, khôi phục hiện trạng ban đầu của di tích.

Trước đó, ngay sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc chấn chỉnh công tác quản lý và phát huy giá trị tại Di tích Quốc gia lèn Hai Vai gửi Sở Văn hóa – Thể thao và UBND huyện Diễn Châu.

Để khắc phục những sai phạm đã xảy ra, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - danh thắng, UBND tỉnh giao huyện Diễn Châu xác định mức độ sai phạm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc xâm hại di tích; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý và bảo vệ tại di tích theo quy định pháp luật hiện hành.

Chỉ đạo kịp thời các phòng, ban của huyện và đơn vị liên quan khắc phục ngay các sai phạm đã xảy ra, hoàn trả mặt bằng khu vực bảo vệ di tích đúng với hiện trạng theo hồ sơ quản lý di tích.

Chỉ đạo UBND xã Minh Châu xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Ban Quản lý di tích tỉnh xác định khoanh vùng, thực hiện cắm mốc bảo vệ di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia lèn Hai Vai.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu lập hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm đảm bảo đúng quy định hiện hành.

bna_du5.jpg
Doanh nghiệp điều máy múc khôi phục lại hiện trường di tích. Ảnh: Tiến Hùng

Buông lỏng quản lý

Theo ông Lê Khắc Hoàng – Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao, lèn Hai Vai trước đây thuộc 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng, nay thuộc xã Minh Châu. Đây là khối đá vôi tự nhiên khổng lồ với cấu trúc có 2 đỉnh gồm: Đỉnh lớn là Lưỡng Kiên Sơn (nghĩa là lèn Hai Vai), ngọn nhỏ gọi là Hổ Lĩnh Sơn (còn gọi là lèn Một Vai). Ngọn lớn nằm cạnh Quốc lộ 7 có chiều dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 120m, nơi cao nhất khoảng 141m. Ngọn này có cấu tạo giữa nhỏ nhô lên cao, 2 bên thấp dần nhưng cân đối như vai người. Vì là ngọn lớn nên người dân thường gọi chung di tích, danh thắng là lèn Hai Vai.

Lèn Hai Vai có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 1964, trong đợt điều tra khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số xương hóa thạch và công cụ đá của người tiền sử. Năm 1971, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An tiến hành khảo sát nghiên cứu tại lèn, phát hiện một số hiện vật, xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên (có niên đại cách ngày nay khoảng 4.078 năm). Những phát hiện trên đã xác định đây là nơi có người nguyên thủy sinh sống.

bna_du2.jpg
Chùa Cổ Am dưới chân lèn Một Vai, nằm trong quần thể di tích. Ảnh: Tiến Hùng

Năm 1575, lèn Hai Vai là chiến trường ác liệt giữa cuộc giao tranh của Lê - Mạc, là nơi vị tướng Phan Công Tích chọn làm địa điểm ẩn náu cho đạo quân nhà Lê, cũng là nơi chứng kiến cái chết kiên cường của trung thần Phan Công Tích. Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp, lèn Hai Vai là căn cứ hoạt động của Nguyễn Xuân Ôn. Thời kỳ 1930- 1931, lèn là nơi hội họp, cất giấu tài liệu của Đảng... Đối với nhân dân, lèn Hai Vai được xem như ngọn hải đăng khi đi biển để xác định phương hướng. Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, năm 1994, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - danh thắng cấp Quốc gia.

Sau khi báo chí phản ánh, Sở Văn hóa và Thể thao đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát tại di tích này. Kết quả kiểm tra cho thấy, xung quanh lèn Hai Vai có dấu đào bới, san lấp mặt bằng, một số nơi đã được trồng cây keo, số còn lại đã đào hố chuẩn bị cho công tác trồng cây; phía Tây Nam và Đông Nam còn có con đường đất do đơn vị thi công tự san lấp mở đường để đưa thiết bị máy móc và vật liệu thi công công trình, phía Bắc đang tập kết nhiều khối đất màu đen, tập kết thành bãi chưa san ủi; phía Đông Bắc giáp đường dân sinh đang bị tập kết rác thải nhiều nơi làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Tại bãi tập kết vật liệu của đơn vị thi công, số đất, đá bị đào sâu vào chân núi để san lấp và vận chuyển làm đường ra chân công trình với khối lượng khá lớn, khoảng trên 300m3.

bna_du1.jpg
Con đường doanh nghiệp tự mở dưới chân lèn. Ảnh: Tiến Hùng

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND xã Minh Châu, ngày 15/2, Công ty TNHH Trung Việt Hưng đã làm việc với UBND xã về việc san, sửa làm đường giao thông dưới chân lèn để vận chuyển vật liệu, máy móc thực hiện dự án thi công đường dây điện. UBND xã Minh Châu sau đó đã đồng ý bằng văn bản cho đơn vị này tự mở đường quanh lèn theo lối đi dân sinh với cam kết không được lấy đất, đá dưới chân lèn làm ảnh hưởng đến di tích.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đơn vị thi công đã lấy đất, đá ở chân núi để phục vụ dự án với khối lượng khoảng trên 300 m3 để đắp đường từ chân núi ra vị trí thi công móng. Xét thấy đơn vị thi công thực hiện không đúng cam kết, UBND xã đã đình chỉ và yêu cầu hoàn trả lại số đất, đá đã lấy trong thời gian ngắn nhất.

Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH Trung Việt Hưng, trong quá trình thi công san ủi mặt bằng làm đường, cán bộ kỹ thuật máy múc do không biết đây là di tích cấp Quốc gia nên đã lấy đi một số khối lượng đất đá tại chân núi để làm đường ra chân công trình, dẫn đến sai phạm. Sau khi biết đây là di tích cấp Quốc gia đơn vị đã dừng khai thác và tiến hành hoàn trả lại số đất đá đã lấy đi làm đường. Đơn vị thi công xin nhận lỗi và hoàn trả lại khối lượng đất đá đã lấy.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, trong Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quy định trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp xã là: “Tổ chức quản lý, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

Vì vậy, việc UBND xã Minh Châu cho phép đơn vị thi công tự đào đất, mở đường, lập bến bãi, tập kết vật liệu để thi công dự án trong khu vực bảo vệ di tích là vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan môi trường, yếu tố nguyên gốc và các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích./.

Tiến Hùng