Bé trai 4 tuổi đánh trống tế điêu luyện khiến nhiều người trầm trồ
(Baonghean.vn) - Trẩy hội đền - chùa Gám (Yên Thành) năm 2024, xem hội thi, giao lưu đánh trống tế lễ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và thán phục những thiếu nhi tuổi nhỏ mà đánh trống hay, trong đó có cháu Nguyễn Cảnh Đạt (hơn 4 tuổi) ở xã Xuân Thành.
Chương trình thi, giao lưu đánh trống tế lễ tại Lễ hội đền - chùa Gám vừa diễn ra tại xã Xuân Thành (Yên Thành). Trên sân khấu lễ hội cũng như trước sân đền Gám, người dân và du khách được thưởng thức nhiều tiết mục đánh trống tế của các đội thi, các cá nhân đến từ các xóm trong và ngoài xã.
Lễ hội năm nay thu hút nhiều thiếu nhi tham gia thi, giao lưu đánh trống tế, trong đó Nguyễn Cảnh Đạt ít tuổi nhất, là học sinh mầm non, nhưng được nhiều người nhận xét là chơi trống “siêu giỏi”. Cháu Đạt cầm cả dàn trống cái, khiến người xem không khỏi thích thú và thán phục…
Trên sân khấu lễ hội và giữa sân đền Gám, Đạt mặc áo dài đỏ, đầu đội khăn xếp lọt thỏm bên chiếc trống lớn, tung dùi điểm từng hồi trống cái dẫn dắt đội trống một cách tự tin.
Khán giả vây quanh cổ vũ, nhiều người cầm điện thoại chụp ảnh và phát trực tiếp lên mạng xã hội. Màn trống tế kéo dài 3 hồi kết thúc trong sự vỗ tay nồng nhiệt và tiếng reo hò của khán giả. Nhiều người hâm mộ chạy ào ra sân ôm chầm lấy chú bé, tặng quà, khen ngợi…
Chị Thái Thị Hà – mẹ của Đạt chia sẻ, Đạt là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ làm nông nghiệp, trong nhà không ai biết chơi trống, nhưng cháu lại rất mê đánh trống.
Đạt biết đánh trống lúc 2 tuổi. Mỗi khi đi nhà thờ họ, thấy người lớn đánh trống tế cháu rất thích và về nhà tự học. Bố của Đạt đã đến nhà thờ họ mượn 1 cái trống hỏng đưa về để giữa sân cho con tập đánh.
Hằng ngày, sau khi đi học về, Đạt lại làm bạn với cái trống hỏng, một mình xoay xở tự học chứ trong nhà không có ai chỉ vẽ.
Trước ngày Lễ hội đền - chùa Gám diễn ra, một số người trong xóm bàn với gia đình cho cháu Đạt tham gia hội thi đánh trống tế.
Do con còn nhỏ, sợ trẻ em “lúc ưng lúc không lại làm hỏng việc người lớn”, nên gia đình cho cháu đi đánh trống tế giao lưu chứ không tham dự cuộc thi.
Thi đánh trống tế thường diễn ra trong một vài giờ nhất định còn giao lưu đánh trống tế thì kéo dài suốt ngày đêm. Tại sân đền Gám, dàn trống được bày sẵn, lúc nào cũng có người đến chơi.
Người dân ở đây chơi trống cả trưa, chơi đến tận khuya mới nghỉ. Khi Đạt đến, em mạnh dạn tiếp cận dàn trống, khi cháu gõ lên thì khán giả xung quanh đều thốt lên “ồ giỏi quá”.
Những buổi giao lưu trống tế tại lễ hội có Đạt tham gia luôn thu hút người xem và cổ vũ nhiệt tình.
Theo người dân địa phương, đánh trống tế thường có sự phối hợp giữa nhiều nhạc cụ như trống cái, trống con, chiêng, nao, kèn, nhị…
Khi trống cái nổi lên, phải tạo ra được các hồi, nhịp, biến tấu, buộc người đánh trống con, nao phải gõ theo một cách nhịp nhàng.
Người đánh trống cái phải nắm được quy luật của trống tế, để đánh một cách chuẩn nhất, ví như người nhạc trưởng của một ban nhạc.
“Đạt khá ngoan và hiếu động. Thấy cháu đánh trống tế được nhiều người khen gia đình cũng mừng. Năm nay sẽ cho cháu tập luyện, hi vọng với sự giúp đỡ của các bác, các anh trong xóm, sang năm cháu sẽ đảm đang được vị trí cầm trống cái dự thi tại Lễ hội đền, chùa Gám” – Chị Hà mẹ Đạt phấn khởi chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên trên sân khấu lễ hội đền - chùa Gám xuất hiện những “tay trống” nhí. Những mùa lễ hội trước đã có nhiều cháu bé tham gia đánh trống tế.
Tuy nhiên màn cầm trống cái của Đạt đặc sắc, độc đáo hơn vì cháu chơi khá nhuần nhuyễn, đúng tiết tấu, thể hiện được thần thái của người cầm càng tí hon.
Ông Lê Khắc Dinh – thành viên Ban Giám khảo hội thi đánh trống tế Lễ hội đền - chùa Gám, xã Xuân Thành cho biết: “Đánh trống tế là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân xã Xuân Thành nói riêng và Yên Thành nói chung. Với tôi, cháu Đạt có tài năng đặc biệt, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cháu đã chơi trống rất hay, thổi hồn được vào những hồi trống tế giàu âm điệu. Những người như cháu Đạt đã và đang tiếp nối, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ phong trào đánh trống tế đặc sắc của quê hương”./.