Hé lộ lý do biến mất của dòng tiền đảo khế

An Quỳnh 01/04/2024 16:25

(Baonghean.vn) - Lợi dụng bản thân vừa là cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân vừa là họ hàng xa, Võ Thị Tuyết (trú huyện Yên Thành) đã nhiều lần vay tiền của người chị họ với mục đích đảo khế. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, hơn 3 tỷ đồng tiền đáo hạn nợ đã “bốc hơi” không rõ lý do.

3 ngày, 7 lần đảo khế

Khoảng tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận được đơn của chị T.H, trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành tố giác việc bản thân bị một cán bộ của Quỹ tín dụng nhân dân lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Qua hồ sơ ban đầu, nhận định đây là vụ án lừa đảo nghiêm trọng, một số điều tra viên đã được cử về địa phương thu thập hồ sơ.

Tại thời điểm xảy ra sự việc, người bị tố cáo đang là kế toán của Quỹ tín dụng nhân dân ở xã với thâm niên 10 năm làm việc. Bằng những biện pháp nghiệp vụ, sau khi xác định rõ đối tượng lừa đảo chính là Võ Thị Tuyết (SN 1990), trú tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, các điều tra viên đã phối hợp, vận động. Đến ngày 21/10/2023, Võ Thị Tuyết đã lên Cơ quan Cảnh sát điều tra để đầu thú về hành vi phạm tội của mình.

IMG_0703.JPG
Bị cáo Võ Thị Tuyết bị đại diện Viện Kiểm sát truy tố với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 16 - 17 năm tù. Ảnh: An Quỳnh

Được biết, chị T.H cùng với Võ Thị Tuyết có quan hệ họ hàng xa bên ngoại nên khá thân thiết với nhau. Ngay khi biết chị T.H mới bán đất nên có một khoản tiền mặt lớn, muốn gửi tiết kiệm ở Quỹ tín dụng nhân dân xã, Tuyết đã nảy sinh ý định vay mượn với mục đích “đảo khế” và hứa sẽ trả trong thời gian ngắn. Tuyết đã “vẽ” ra lý do cần đáo hạn cho 4 khách hàng với 7 khoản vay khác nhau. Nhưng trên thực tế, Tuyết chỉ đảo khế đi đảo khế lại 7 lần với khoản vay đứng tên mẹ đẻ Tuyết.

Bà Nguyễn Thị B. (mẹ đẻ Tuyết) có cầm cố 2 sổ tiết kiệm để vay tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Bảo Thành. Mặc dù các hợp đồng tín dụng này chưa đến hạn tất toán, bà B. không có nhu cầu đảo khế, nhưng Tuyết đã đưa ra thông tin gian dối để lừa chị T.H cho vay tiền.

Cụ thể, ngày 28/8/2023, sau khi thỏa thuận với chị T.H chuyện vay tiền bằng miệng, Tuyết đã gửi mã QR mang tên Quỹ tín dụng nhân dân Bảo Thành và các mã số hợp đồng khiến cho chị T.H hoàn toàn tin tưởng mà gửi tiền. Qua đó, nạn nhân đã chuyển khoản 2 lần với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng dưới các nội dung “chuyển tiền trả hợp đồng”.

Ngay khi nhận được tiền, Võ Thị Tuyết đã làm thủ tục tất toán 2 hợp đồng tín dụng của mẹ mình và hướng dẫn bà Nguyễn Thị B. ký kết 2 hợp đồng mới đúng bằng số tiền mà chị T.H đã chuyển gửi. Số tiền trên sau khi hoàn thành thủ tục đã được giải ngân bằng tiền mặt, nhưng Tuyết không gửi cho chị T.H mà giữ lại để sử dụng mục đích cá nhân. Tuyết nói dối với chị T.H là ngân hàng giải ngân muộn nên hẹn 4 ngày sau khi đảo khế xong sẽ trả lại.

Nhìn thấy miếng mồi ngon, Tuyết lại tiếp tục nghĩ ra thêm nhiều lý do khác để vay mượn tiền chị T.H. Chỉ từ ngày 28/8/2023 đến ngày 30/8/2023, Tuyết đã khiến cho chị T.H tin tưởng và chuyển khoản 7 lần để thực hiện việc đảo khế như Tuyết nói với tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 31/8/2023, Võ Thị Tuyết đứng ra vay chị T.H trên danh nghĩa cá nhân số tiền 300 triệu đồng với lý do đảo khế cho bố mẹ chồng của Tuyết. Đã quá hẹn nhiều lần mà vẫn không thấy Tuyết gửi tiền, ngày 15/9/2023, chị T.H đã buộc Tuyết viết giấy chốt nợ thể hiện Tuyết đang nợ chị số tiền là hơn 4 tỷ đồng. Và đến tận thời điểm xét xử, chị T.H chỉ nhận lại được hơn 34 triệu đồng.

Từ nạn nhân trở thành kẻ phạm tội

BNA_ảnh 2.JPG
Bị cáo Võ Thị Tuyết tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: An Quỳnh

Phiên tòa xét xử Võ Thị Tuyết diễn ra vào cuối tháng 3/2024. Từ sáng sớm, ông X.T và bà Nguyễn Thị B. (bố mẹ của Tuyết) đã ngồi ở hội trường xét xử đợi phiên tòa. Ngay khi nhìn thấy bố mẹ, Tuyết òa khóc nức nở, 2 tay liên tục đưa lên lau vội những giọt nước mắt. Ông X.T ngồi cách con 2 hàng ghế, chỉ kịp nhắn nhủ con gái nhớ cải tạo tốt. Đến tận thời điểm xét xử, ông vẫn không hiểu được lý do tại sao Tuyết làm vậy.

“Nó (Tuyết) vốn có công việc ổn định, đời sống gia đình êm ấm nhưng không hiểu sao nó lại đi lừa như vậy. Chúng tôi cũng rất muốn được bù đắp phần nào cho chị T.H nhưng 2 ông bà đã già, thu nhập không ổn định nay lại chăm thêm 2 cháu nên không biết làm gì để bồi thường cho gia đình bị hại”, ông X.T chia sẻ.

Ngay tại phiên tòa, chị Tuyết khai nhận hết hành vi phạm tội của mình. Tuyết khai nhận do tham gia mua bán online trên ứng dụng Fastshop ở điện thoại bị thua lỗ nên đã nghĩ cách kiếm tiền để bù vào khoản đầu tư đó.

Được biết, trước đó, vào đầu tháng 8/2023, Võ Thị Tuyết bắt đầu tham gia bán hàng online thông qua ứng dụng có tên là Fastshop cài đặt trên điện thoại. Qua ứng dụng đó, Tuyết thực hiện làm nhiệm vụ theo hướng dẫn, trước khi tham gia sẽ đóng một khoản phí ban đầu để vào nhóm. Sau nhiều lần chuyển tiền, làm nhiệm vụ và được trả lãi ngay đã khiến Tuyết tin tưởng và tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, để lấy lại được số tiền gốc ban đầu, các nạn nhân như Tuyết bị yêu cầu tiếp tục chuyển các khoản tiền lớn hơn. Và khi nạn nhân phát hiện ra mình bị lừa thì các khoản tiền đều đã "không cánh mà bay".

Trong gần 4 tỷ đồng mà Tuyết đã chiếm đoạt của chị T.H, ngoài tiêu xài và trả nợ cá nhân bên ngoài thì Tuyết đã chuyển khoản vào app Fastshop khoảng 2,9 tỷ đồng. Ngay khi tạm giữ Tuyết, các điều tra viên đã truy cập ứng dụng nhưng ứng dụng đã không còn hoạt động nữa. Cơ quan điều tra đã tiến hành các biện pháp điều tra thì thấy nguồn tiền mà Tuyết chuyển vào tài khoản trên app đã được chuyển liên tục qua nhiều tài khoản và đi rất nhiều nơi nên không xác định được nguồn tiền để truy thu.

BNA_ảnh 1.JPG
Bị cáo đã lợi dụng lòng tin của bị hại để chiếm đoạt tiền vào tiêu xài cá nhân. Ảnh: An Quỳnh

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã làm rõ hành vi của bà Nguyễn Thị B. ký kết nhiều hợp đồng tín dụng để đảo khế giúp Tuyết trong thời gian 4 ngày. Tuy nhiên, do bà B. không biết được việc Tuyết đảo khế để lấy tiền lừa đảo và bà B. cũng hoàn toàn không hưởng lợi gì nên không có căn cứ để xử lý.

Đối với số tiền hơn 34 triệu đồng mà Tuyết chuyển cho chị T.H thì Tuyết khai đó là số tiền lãi của hơn 3,7 tỷ đồng thực hiện đảo khế với lãi suất 3 nghìn/1 triệu/1 ngày. Tuy nhiên giữa 2 bên không có giấy tờ thể hiện gì nên chị T.H không bị xử lý về hành vi này.

Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại tòa đã giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố và đề nghị xử phạt bị cáo Võ Thị Tuyết từ 16 - 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nặng nề cho gia đình bị hại cũng như mất an ninh trật tự xã hội. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Võ Thị Tuyết 15 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và buộc đền bù cho bị hại số tiền theo luật định.

An Quỳnh