'Nguồn sáng' của người đàn ông mù lòa ở Nghệ An

Công Khang 31/03/2024 11:41

(Baonghean.vn) - Bị mù đôi mắt, bàn tay trái cũng không còn nhưng ông Nguyễn Văn Hải vẫn làm được những công việc của một người bình thường, trở thành trụ cột của gia đình và chỗ dựa cho người vợ thường xuyên đau ốm.

Vượt qua bóng tối

Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hải (SN 1958) ở khối Xuân Tiến, phường Hưng Dũng (thành phố Vinh), bước ra phía sau chúng tôi thấy chủ nhân đang tất bật với công việc. Bắt đầu là nhóm lửa, đến thái rau bằng chiếc máy gắn động cơ điện và băm những con cá nhỏ nấu làm thức ăn cho đàn gà. Mắt không nhìn thấy nhưng ông vẫn vào kho ôm bó củi, đóng cầu dao điện rồi cho từng nắm rau muống vào máy thái.

bna_1.jpg
Ông Nguyễn Văn Hải bị thương tích trong trận bom năm 1972. Ảnh: Công Khang

Nghe tiếng bước chân và giọng nói khác lạ, biết có khách, ông Hải tạm dừng tay chuyện trò: “Sống trong bóng tối đã hơn 50 năm, cũng chừng ấy năm một bàn tay bị đứt lìa nhưng không có cách nào khác là phải vươn lên. Không có gì buồn hơn khi mình mất đi đôi mắt, cuộc đời tưởng chừng như khép lại nhưng tôi vẫn tìm được nguồn vui”.

Ông Hải kể rằng, năm 1972, trong một trận bom Mỹ rải xuống làng Xuân Tiến thuộc xã Hưng Dũng, cậu thiếu niên 14 tuổi Nguyễn Văn Hải bị trúng mảnh bom, phải cưa bàn tay trái. Dù gia đình đã nỗ lực chạy chữa thuốc thang nhưng không thể nào cứu được đôi mắt, nó cứ mờ dần rồi chìm hẳn vào bóng tối.

Cuộc đời ngỡ như đi vào ngõ cụt, vì gần như không còn đường đi đến tương lai nhưng khát vọng cuộc sống đã thôi thúc ông phải đứng dậy, làm quen với cuộc sống mới khi không còn đôi mắt và thiếu đi một bàn tay.

bna_2.jpg
Tuy mất đi tay trái, đôi mắt mù lòa nhưng ông Hải nhiều năm là trụ cột của gia đình. Ảnh: Công Khang

Ban đầu là tập đi, những bước đi mò mẫm không tránh khỏi vấp ngã đến đau điếng, phải dồn hết sức bình sinh để gượng lên… Tiếp đến là làm quen với những công việc thường ngày như nấu cơm, nhặt rau và rửa bát giúp bố mẹ, lúc đầu không mấy dễ dàng nhưng lâu dần rồi quen.

Sống triền miên trong bóng tối, không còn phân biệt được ngày - đêm nhưng hình như ông Hải được bù lại bằng các giác quan khác. Bởi lẽ, những lúc mò mẫm trên đường, ông có thể phát hiện ra người hoặc chướng ngại vật ở phía trước với khoảng cách 70m. Điều ấy chính ông cũng không lý giải nổi, vì trong đêm tối, với người mắt sáng cũng rất khó phát hiện chướng ngại vật với khoảng cách này.

Chưa hết, ông Hải đã đưa người dân làng Xuân Tiến, xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng) đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không bất ngờ sao được khi người đàn ông khiếm thị, tật nguyền trở thành một “lão nông” thực thụ, khả năng làm việc không mấy thua kém một người nông dân trong làng.

bna_3.jpg
Ông Nguyễn Văn Hải cuốc đất trồng rau. Ảnh: Công Khang

Khi mùa vụ gieo cấy bắt đầu, ông Hải lo đắp bờ, giữ nước cho mấy sào ruộng. Lúa gieo cấy và bén rễ, ông ra đồng làm cỏ, cỏ dưới ruộng sạch sẽ nhưng lúa vẫn ngay ngắn, thẳng hàng. Đến mùa thu hoạch, ông ra ruộng bó lúa để người nhà gánh về, tay trái không còn, ông dùng tay phải và hai hàm răng siết chặt bó lúa một cách gọn gàng.

Khoảng 5 năm về trước, khi thu hoạch xong mùa màng, người làng Xuân Tiến thường thấy ông Hải lúc thì dắt đàn trâu 4-5 con ra đồng gặm cỏ, đàn trâu có thể tách nhau lúc kiếm ăn nhưng lúc chủ gọi về lập tức tìm đến hợp đàn.

Có lúc lại thấy ông lùa đàn vịt gần 1.000 con ra đồng bơi lội tung tăng và nhặt những hạt thóc vương vãi dưới mặt ruộng. Đang mải mê tìm kiếm thức ăn nhưng khi nghe tiếng vỗ tay của chủ, lập tức đàn vịt kéo nhau về chuồng.

“Lão nông mù” Nguyễn Văn Hải không lúc nào ngơi tay, khi rảnh rỗi lại vác nơm ra đồng bắt cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình và làm thức ăn cho gà, vịt. Có khi lại mò cua và đặt trúm lươn, không hiểu sao những chú cua và lươn dù đang nằm trong lỗ hoặc dưới bùn sâu đều vào bàn tay duy nhất hoặc bò vào chiếc trúm ông Hải đã đặt sẵn.

Hạnh phúc đời thường

Năm 1994, người làng Xuân Tiến lại được dịp bàn tán ông Nguyễn Văn Hải lập gia đình, tổ chức đám cưới với bà Phạm Thị Xoan (SN 1954). Hôm ấy, gần như cả làng tới dự buổi lễ thành hôn và chúc phúc người đàn ông tật nguyền, khiếm thị tìm được “một nửa yêu thương” ở độ tuổi 36.

bna_4.jpg
Ông Nguyễn Văn Hải vẫn tự chăm đàn lợn rất khéo. Ảnh: Công Khang

Trước đó, qua mai mối, ông Hải và bà Xoan có dịp gặp nhau. Ban đầu người đàn ông chỉ nghĩ rằng gặp gỡ cho khuây khỏa chứ không có cô gái nào dám nhận lời làm vợ một người mù. Không ngờ, sự thẳng thắn, thật thà và chăm chỉ, siêng năng của ông Hải đã gieo vào lòng cô gái một niềm yêu thương.

Tình yêu thương ấy lớn dần theo từng ngày và cuối cùng cô gái đã nhận lời làm vợ người đàn ông tật nguyền, điều ấy khiến ông Hải mừng rỡ, vui sướng reo lên như đứa trẻ lên 3 khi thấy mẹ đi chợ về.

Hai năm sau ngày cưới, gia đình đón nhận thành viên mới khi một cậu bé kháu khỉnh chào đời, mái ấm đơn sơ thêm ngập tràn hạnh phúc. Bà Xoan vốn sức yếu, không làm được những việc đồng áng nặng nhọc nên gần như một mình ông Hải bươn chải kiếm sống và nuôi vợ, con.

bna_5.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải luôn nỗ lực trong cuộc sống. Ảnh: Công Khang

Bước sang tuổi 66, sức lực đã dần suy yếu nhưng ông Hải vẫn cần mẫn với công việc mưu sinh. Gia đình ông vẫn làm mấy sào ruộng, trồng rau, chăn nuôi lợn, gà để có tiền trang trải cuộc sống. Hàng ngày, người đàn ông mù lòa và tật nguyền ấy vẫn cuốc đất trồng và tưới rau, chế biến thức ăn cho lợn, gà...

Với người bình thường, làm nông nghiệp đã vất vả huống chi tôi bị mù đôi mắt và mất một bàn tay. Nhưng vì cuộc sống gia đình nên phải luôn nỗ lực để vợ và con không bị thiếu đói. Chỉ mong luôn có đủ sức khỏe để làm việc, kiếm sống và con trai sớm lập gia đình, con cháu sum vầy, với tôi đó là nguồn vui và nguồn sống, cũng là nguồn sáng cuộc đời.

_________

ÔNG NGUYỄN VĂN HẢI

Công Khang