Bâng khuâng... làng nồi Trù Sơn
(Baonghean.vn) - Hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, nhưng để nghề làm nồi đất Trù Sơn (Đô Lương) vươn xa thì còn cần rất nhiều yếu tố…
Gian nan giữ nghề
Tôi trở lại Trù Sơn một ngày gần đây, khi giao thông đi lại đã trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Trù Sơn nằm ở vị trí khá thuận lợi, cách thành phố Vinh tầm 40km về phía Tây Bắc và cách trung tâm hành chính huyện Đô Lương khoảng 20km về phía Đông Nam.
Từ thành phố Vinh, chúng tôi ngược ra Bắc khoảng 15km rồi rẽ hướng theo đường N5 (còn gọi là đường 538B). Con đường thoáng rộng, cắt qua đường cao tốc Bắc -Nam, được khai mở cách đây gần 10 năm đã giúp nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 7, tạo đà cho sự phát triển của các xã miền núi phía Tây Bắc của huyện Nghi Lộc và Đông Nam của huyện Đô Lương, trong đó có Trù Sơn.
Ngay phía đầu làng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh chiếc nồi đất cách điệu được người dân dựng lên mấy năm trước. Đó là biểu tượng, cũng là cách người Trù Sơn “khoe” ra thứ sản phẩm chất phác của mình với khách muôn phương. Và hằng năm, vào dịp năm mới, hay lễ Giáng sinh của đồng bào công giáo, bà con thường làm một cây thông Noel khổng lồ từ các nồi đất xếp chồng lên nhau, mang đậm bản sắc địa phương.
Xã Trù Sơn trước đây có đến 17 xóm, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập, hiện chỉ còn 9 xóm. Người dân còn làm nghề nồi đất chủ yếu ở xóm 6. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nghề làm nồi đất ở Trù Sơn tưởng chừng đứng trước bờ vực của sự mai một. Những chiếc xe thồ chở nồi rong ruổi ngược xuôi các con đường làng không thể trụ vững trước vòng xoáy của kinh tế thị trường. Phụ nữ ở nhà nặn nồi, đàn ông trai tráng đẩy xe thồ đi bán rong. Đó chẳng thể là cách đưa sản phẩm vươn xa. Ấy là chưa kể bao nhiêu miệng ăn còn trông chờ vào cái lò nung bé xíu. Người Trù Sơn, đã có lúc, nghĩ đến việc bỏ nghề!
Thế rồi, mấy năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, những hình ảnh, thước phim về nghề nặn nồi của người dân được lan toả. Và hơn hết là sở thích trải nghiệm những món ăn dân dã của người dân ngày càng tăng lên. Nhất là các món ăn nấu trong nồi đất như cá bống kho tộ, cơm niêu, xôi vò… được rất nhiều nhà hàng trên khắp cả nước lựa chọn đưa vào thực đơn. Để có được bộ đồ dùng phục vụ cho các món ăn này, họ đã tìm đến Trù Sơn, đặt hàng người dân ở đây những khuôn mẫu, kích cỡ khác nhau.
Chúng tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Lạng, bà Lưu Thị Kháng ở xóm 6, xã Trù Sơn. Vợ chồng ông Lạng đang tất bật “bồi” củi, gắng đốt xong một mẻ nồi để kịp bàn giao cho khách. Trong chiếc lò xây bằng đá ong nằm ở góc vườn, những cuộn khói bốc lên nghi ngút. Tôi cảm nhận rõ sức nóng từ ngọn lửa lớn toả ra nơi miệng lò phả vào người.
Vừa lấy một thanh sắt dài khều mớ củi cho vào lò, ông Lạng vừa tiếp chuyện chúng tôi. Ông bảo, nghề làm nồi đất ở Trù Sơn có từ hàng trăm nay, không ai biết đích xác là từ năm nào, nhưng được cha truyền con nối rồi dần trở thành nghề truyền thống. Có lúc, dưới sức ép kinh tế thị trường, nghề làm nồi tưởng như bị mai một vì sản phẩm làm ra không bán được, thu nhập không đủ bù cho công sức bỏ ra. Tuy nhiên, nhờ kiên trì giữ nghề mà giờ đây, khi nhu cầu của thị trường tăng lên, việc làm nồi lại tất bật trở lại.
Hiện nay, theo thống kê, toàn xã Trù Sơn có khoảng hơn 150 hộ còn làm nồi đất, thu nhập bình quân mỗi hộ làm nghề đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Với việc tận dụng thời gian nông nhàn, cùng nguyên vật liệu dễ kiếm, nhất là nguyên liệu đốt nồi chỉ là rơm, rạ, cành keo khô, đây cũng là một nguồn thu nhập tương đối với những người dân địa phương.
Đặc biệt, ngày nay người dân Trù Sơn không còn phải đẩy xe thồ chở nồi đi bán rong nữa mà đã có thương lái đến tận nơi đặt nồi. Mỗi lò trung bình cho ra từ 400-500 sản phẩm, với giá bán sỉ tại nhà từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng một nồi (tuỳ kích cỡ), như hiện nay, thì mỗi lò cũng cho thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng.
Đặc biệt, từ năm 2020 nghề làm nồi đất tại Trù Sơn đã chính thức được công nhận làng nghề, nên đây cũng là cơ hội để phát triển và quảng bá nghề thủ công này với du khách gần xa.
Lưu giữ hồn cốt gốm cổ
Có thể nói, gốm ở Trù Sơn gần như đang giữ được những nét nguyên sơ, “hồn nhiên” nhất của gốm Việt sơ khai. Không tráng men, không hoa văn cầu kỳ, chỉ độc một hình tròn, đôi lúc còn méo mó, thậm chí bàn xoay cũng chỉ là một tấm ván mỏng. Nhìn người dân Trù Sơn nặn gốm, tôi lại bâng khuâng nhớ về những ký ức tuổi thơ, nghịch đất rồi xoe tròn lên tay, nặn nên những hình thù vui mắt.
Bà Nguyễn Thị Lương, cũng là một hộ dân làm nồi ở xóm 6, xã Trù Sơn,nhìn chúng tôi loay hoay nặn nồi mà cười, bảo rằng, ở xã Trù Sơn, các bà, các mẹ nặn nồi đơn giản lắm. Đất sau khi được lấy về từ vùng Nghi Văn (Nghi Lộc), hay Sơn Thành (Yên Thành), thì được sàng lọc cho hết tạp chất rồi đổ nước vào nhào nặn.
Khi đạt đến độ sệt nhất định thì vắt đất từng chút một thành hình con lươn rồi đặt lên bàn xoay. Cứ hết con lươn này đến con lươn khác, đắp chồng thành hình chiếc nồi. Sau đó, họ nhẹ nhàng lấy ngón chân điều khiển bàn xoay và dùng tay miết cho thành hình. Đến khi nồi khô thì lấy cật nứa gọt lại cho trơn và đem phơi nắng trước khi chất vào lò đốt. Tất cả đều làm thủ công, không trộn hoá chất hay tráng men gì. Vì thế mà khi sử dụng nồi đất để nấu thức ăn đã đem lại một hương vị đậm chất thôn quê.
Trong quá trình tìm hiểu nghề làm nồi đất tại Trù Sơn, chúng tôi nhận được một thông tin rất hay, đó là cách đây hơn 10 năm, vào năm 2010, người dân trên địa bàn đã phát hiện nhiều hiện vật là đồ gốm, sứ cổ như: bát, đĩa, thẩu, âu có đường kính từ 12,5cm đến 30cm. Sau đó, các hiện vật này được các nhà nghiên cứu xác định là đồ gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương), có niên đại vào khoảng thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.
Chu Đậu là một trong những trung tâm gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã được giới khảo cổ phát hiện tại rất nhiều địa điểm trên khắp đất nước Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, là minh chứng rõ nét cho sự phát triển rực rỡ của nghề gốm trong thời phong kiến.
Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh-Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá. Các nghệ nhân làng gốm đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Đây được xem là một thông tin rất có giá trị về mặt khoa học lịch sử để xác định được nguồn gốc ra đời của làng nghề làm gốm tại Trù Sơn. Và có thể, việc tìm thấy sản phẩm gốm Chu Đậu ở Trù Sơn sẽ gợi mở nhiều thông tin quý báu trong việc xác định chính xác gốc gác của làng nghề nồi đất tại đây.
Một tín hiệu đáng mừng cho làng gốm Trù Sơn, là nơi đây đã được UBND huyện Đô Lương chọn để quy hoạch xây dựng làng nghề gắn với tham quan, du lịch, trải nghiệm.
Mới đây nhất, vào ngày 2/2/2024, trong Kế hoạch số 255-KH/HU của Huyện ủy Đô Lương về việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn huyện Đô Lương. Trong đó, mục tiêu rõ ràng nhất được xác định là xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030, có nền kinh tế vững chắc, đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm kinh tế, văn hoá mới của tỉnh.
Trong kế hoạch hành động này, huyện Đô Lương cũng xác định sẽ tập trung khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển làng nghề nồi đất Trù Sơn và một số nghề thủ công có lịch sử lâu đời trên địa bàn.
Huyện Đô Lương sẽ có chính sách hỗ trợ ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại hơn trong sản xuất, đa dạng các mẫu mã sản phẩm, xây dựng địa điểm sản xuất tập trung, có nơi trưng bày sản phẩm để từng bước phát triển thêm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hoá truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Thụy Chính – Chủ tịch UBND xã Trù Sơn thừa nhận thực tế rằng, hiện nghề gốm ở Trù Sơn vẫn còn khá nguyên sơ, mẫu mã chưa đa dạng, thiếu ổn định trong việc phát triển đầu ra. Và đặc biệt với cách làm thủ công, dùng củi đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, nguồn nguyên liệu là đất sét cũng ngày càng cạn kiệt, khó có thể duy trì lâu dài.
Vì thế, khi hay tin được quy hoạch xây dựng làng nghề gắn với điểm tham quan, du lịch trải nghiệm, người dân, cũng như chính quyền địa phương rất vui mừng. Hiện nay, địa phương cũng đã lựa chọn được địa điểm để xây dựng làng nghề ngay gần cổng làng xóm 6. Theo đó, các hộ dân làm nghề mà lâu nay vẫn đang đốt lò nhỏ lẻ trong nhà sẽ được tập trung đưa ra vùng quy hoạch, nhằm tạo sự đồng bộ, kết nối giữa tham quan, trải nghiệm và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Theo như kế hoạch thì huyện sẽ hỗ trợ xã làm đường giao thông vào khu vực làng nghề, xây dựng khu sản xuất, điểm trưng bày, điểm trải nghiệm làm gốm, làm nồi đất. Hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ hoàn tất và đưa vào phục vụ du lịch” – ông Chính chia sẻ.
Với những tín hiệu này, hy vọng rằng trong thời gian không xa, huyện Đô Lương nói riêng và Nghệ An nói chung sẽ có thêm một điểm đến, một sản phẩm du lịch độc đáo gắn với nghề gốm cổ. Một loại hình trải nghiệm mà không phải nơi nào cũng có được.