Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến với các địa phương
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân - Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện một số tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/ 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I có gì mới nổi lên; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Theo các báo cáo, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ và cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đối ngoại được đẩy mạnh. Uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.