Bí quyết trường thọ của cựu chiến binh Điện Biên Phủ 104 tuổi ở Nghệ An

Huy Thư 03/04/2024 09:29

(Baonghean.vn) - Kinh qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, nay đã 104 tuổi, cụ Nguyễn Văn Viêng - cựu chiến binh Điện Biên Phủ ở xã Vĩnh Thành (Yên Thành) vẫn đang sống khỏe mạnh, là tấm gương sáng ở địa phương.

Về phép 3 ngày cưới được vợ

Cụ Viêng là con út trong gia đình nông dân có 4 người con (3 trai, 1 gái). Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cụ lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, cụ đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, Bình Trị Thiên...

bna_1.JPG
Cựu chiến binh Điện Biên Phủ 104 tuổi Nguyễn Văn Viêng. Ảnh: Huy Thư

Năm 1950, cụ được về phép thăm nhà lần đầu tiên. Năm đó, thực hiện nhiệm vụ mới, đơn vị của cụ phải hành quân ra Bắc chiến đấu. Trong khi dừng chân tại huyện Diễn Châu, cụ được đơn vị cho về thăm nhà 3 ngày.

“Tôi vô cùng phấn khởi vì được gặp lại gia đình, người thân sau hơn 2 năm đi chiến đấu. Mẹ tôi mừng lắm, mới về đến nhà, bà đã bắt cưới vợ. Con dâu mà bà chọn là một cô gái đẹp người, đẹp nết trong làng. Hai gia đình đã hẹn ước với nhau chỉ chờ tôi về là làm đám cưới. Chiều theo ý mẹ, tôi cũng quyết cưới vợ luôn”, cụ Viêng kể.

Thế rồi một đám cưới thời chiến diễn ra nhanh chóng, đơn giản, nhẹ nhàng mà vô cùng ấm cúng. Không có thủ tục rườm rà, hay cỗ lễ linh đình, trong buổi liên hoan hôm đó chỉ có nước chè xanh, nhưng anh em, bà con láng giềng, hai bên nội, ngoại đều vui vẻ.

bna_2.JPG
Chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Viêng (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất. Ảnh chụp lại: Huy Thư

Anh bộ đội làng Vĩnh Tuy cũng không ngờ mình cưới vợ nhanh đến thế. Ở nhà với vợ đúng 1 đêm, hôm sau cụ đã phải lên đường, chia tay người thân, người vợ trẻ trong lưu luyến. Nhớ lại thời điểm đó, cụ Viêng chia sẻ: Hồi ấy đi chiến đấu, tôi chỉ nghĩ đến việc đánh giặc, chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Cưới vợ hôm về phép là nằm ngoài dự định của tôi. Tuy nhiên, cưới vợ xong, mẹ tôi rất vui, tôi đi cũng yên lòng vì ở nhà mẹ đã có người chăm sóc.

Có lẽ nhờ sự động viên của gia đình, của hậu phương, sau khi cưới vợ, cụ Viêng đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu ở các chiến trường Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Sơn Tây… Năm 1951, cụ được đơn vị bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân tại Đại Từ (Thái Nguyên) và được bầu là đại biểu xuất sắc tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc năm 1952. Tại đại hội này, cụ được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh chung với Bác.

Sau Đại hội Thi đua toàn quốc, từ chiến sĩ tiểu đội trưởng, cụ được đề bạt vượt cấp lên làm Chính trị viên đại đội, đảm nhận nhiệm vụ mới trong đơn vị.

bna_4.JPG
Cụ Viêng chăm sóc cây cảnh trước nhà. Ảnh: Huy Thư

Phải 7 - 8 năm sau ngày cưới, cụ mới được về nhà và sinh người con đầu lòng. Chuyện về phép 3 ngày cưới được vợ đã trở thành kỷ niệm đẹp, khó quên trong cuộc đời quân ngũ của cụ.

Quyết chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc lại kỷ niệm xưa, người cựu chiến binh 104 tuổi vẫn kể với tâm trạng phấn chấn. Cụ nói: Tôi ở Đại đội 54, Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội tôi được tăng cường 1 khẩu pháo 105 ly. Khoảng đầu năm 1954, lúc đó gần Tết Nguyên đán, đơn vị tôi đã hành quân về phía Đông Nam phân khu Hồng Cúm.

bna_3.JPG
70 năm, ký ức Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong lòng cựu chiến binh 104 tuổi. Ảnh: Huy Thư

Theo cụ Viêng, đơn vị của cụ đảm trách nhiệm vụ tiến đánh tiêu diệt các cứ điểm của địch thuộc phân khu Hồng Cúm. Tại đây, địch bố trí một lực lượng mạnh, gồm nhiều tiểu đoàn Âu- Phi, ngụy Thái, pháo 105, cối 120 ly, súng phun lửa, xe tăng, hàng nghìn binh lính. Cuộc chiến đấu ở Hồng Cúm cũng như trên chiến trường Điện Biên Phủ diễn ra vô cùng ác liệt. Bộ đội ta phải khoét núi, ngủ hầm, giành nhau với địch từng từng ngọn đồi, từng ụ súng.

Kỷ niệm khó quên của cụ trên chiến trường Điện Biên Phủ là đào hào dưới mưa bom, bão đạn. Cụ nói: Đơn vị tôi vừa chiến đấu, vừa đào giao thông hào, đồng thời, chặn địch không cho chúng ra rừng chặt gỗ làm hầm. Ban đêm quân ta đào, ban ngày địch cho xe tăng đi lấp, nhưng giao thông hào vẫn ngày một dài hơn, vây chặt các cụm cứ điểm. Pháp nó bắn đại bác inh tai. Đạn phi giăng nổ cách mặt đất khoảng 1 mét, ngoài sát thương còn làm điếc tai các chiến sĩ, nhiều người phải lấy lá cây nút lỗ tai.

bna_5.JPG
Hàng ngày cụ Viêng vẫn theo dõi chương trình thời sự trên truyền hình. Ảnh: Huy Thư

Cụ Viêng kể: Đào hào chiến đấu ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta thiếu nước uống, có khi kéo dài hàng tháng trời. Mỗi tổ chiến đấu chỉ được 1 bi đông nước, anh em phải nhường nhau để uống.

Nước không đủ uống chứ chưa nói đến tắm, hay rửa mặt. Tại Điện Biên Phủ, khoảng 4 giờ chiều trời đã bắt đầu tối. Đêm xuống, ai muốn rửa mặt thì trải chiếc khăn hay miếng vải lên bờ giao thông hào chờ sương thấm ướt rồi dùng lau mặt. Lúc thiếu nước là vậy, nhưng khi có mưa lớn cả thông hào lại ngập bùn lầy. Trong quá trình chiến đấu, thời điểm Đại đội trưởng hy sinh, Đại đội phó bị thương, cụ Viêng mỗi mình chỉ huy đơn vị quyết chiến, quyết thắng.

“Chiều ngày 7/5/1954, địch đồng loạt giăng cờ trắng ra hàng, chúng tôi vô cùng sung sướng. Tin thắng trận lan khắp chiến trường, niềm vui không tả nổi”, cụ Viêng nói.

Giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ được quân đội cử đi học tại Nam Ninh (Trung Quốc) 3 năm. Năm 1961, cụ lại tiếp tục được cử đi học quản lý kinh tế ở Khu gang thép Thái Nguyên. Hoàn thành khóa học, cụ trở về đơn vị với quân hàm Đại úy làm chính trị viên Tiểu đoàn. Sau đó, cụ được điều động vào Nam chiến đấu. Năm 1970, cụ ra Bắc và về hưu sống với gia đình tại Thái Nguyên.

bna_6.JPG
Mặc dù cao tuổi, nhưng cụ Viêng vẫn còn minh mẫn. Ảnh: Huy Thư

Năm 1988, gia đình cụ chuyển về quê cha đất tổ làng Vĩnh Tuy, nay là xóm Vĩnh Tháp, xã Vĩnh Thành để định cư. Hàng chục năm qua, sống giữa quê hương, cụ Viêng luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Cụ quan niệm: “Trẻ cống hiến, chiến đấu, già quét nhà cũng tốt, sản xuất được gì cũng hay, không nên ỷ lại cho con cháu”.

Cụ Viêng cho biết, những năm tại ngũ, chiến đấu gian khổ, vào sống ra chết chẳng hề chi. Về quê làm ruộng, cụ vẫn khỏe như xưa, có buổi cày 3 sào ruộng vẫn xong sớm. Cụ từng tham gia hoạt động sôi nổi, nhiệt tình trong các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…

Gia đình cụ có 5 người con đẻ (4 trai, 1 gái) và 1 người con nuôi. Các con đều có gia đình riêng. Cụ ở một mình, gia đình đã thuê thêm 1 người phụ việc để chăm lo cho cụ.

Năm nay, ở tuổi 104, cụ vẫn mạnh khỏe, đi lại, nói năng hoạt bát, đầu óc minh mẫn, chỉ tai hơi bị "khó nghe". Hàng ngày cụ vẫn chăm chỉ lao động, chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi (lợn, gà) và làm thơ.

bna_7..JPG
Cụ Viêng cao tuổi vẫn chăm chỉ lao động. Ảnh: Huy Thư

Cụ nói những năm qua, mỗi năm cụ nuôi được 3 con lợn để con cháu làm thịt. Cuối năm ngoái nhà cụ đã mổ 1 con nặng 85 kg đón Tết. Hiện cụ đang nuôi 1 con lợn khoảng 30 kg, gần chục con gà đẻ và 1 con khỉ.

Cụ vẫn thường xuyên dõi theo chương trình thời sự trên truyền hình, đặc biệt là những chương trình hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên, cụ sôi nổi bàn luận, phân tích về hiệp định Giơ-ne-vơ, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc, quan hệ Việt – Trung, so sánh cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam với cuộc kháng chiến của nhân dân Triều Tiên, hiệp định đình chiến ký tại Bàn Môn Điếm…

bna_8..JPG
Hiện cụ Viêng còn chăn nuôi lợn, gà... Ảnh: Huy Thư

Nói đến cụ, người dân xã Vĩnh Thành vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ, bởi cụ không chỉ là “cây đại thụ” trường thọ trong làng, mà còn là cựu chiến binh Điện Biên Phủ tiêu biểu ở địa phương. Chia sẻ bí quyết sống thọ của mình, cụ chỉ cười: “Tôi sống thoải mái, vô tư, vui vẻ với mọi người. Cách sống này đã làm cho tôi thanh thản”.

Cụ có năng khiếu làm thơ, hiện cụ có 1 “kho thơ”, bài thì viết tay, bài thì được các cô giáo trong làng đánh máy, in giúp. Những vần thơ mộc mạc, dung dị, chân thành của cụ phản ánh nhiều mặt đời sống dân sinh, nhất là sự đổi thay trên quê hương Vĩnh Thành. Cụ chia sẻ, nếu được ngồi nói chuyện thời sự, kháng chiến, thơ thì nói cả ngày không chán.

bna_9.JPG
Ấm áp bữa cơm bên người thân tại nhà cụ Viêng. Ảnh: Huy Thư

Ông Nguyễn Thế Dương - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Thành thông tin thêm: Hiện trong xã có 6 cựu chiến binh Điện Biên Phủ còn sống, trong đó, cụ Viêng là người cao tuổi nhất. Sống trường thọ, mạnh khỏe, mẫu mực, cụ Viêng là tấm gương sáng cho con cháu, người dân noi theo. Sắp tới có lẽ cụ Viêng sẽ vinh dự được mời ra Hà Nội gặp mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chưa một lần được trở lại thăm chiến trường xưa, khi nhắc đến Điện Biên Phủ, cụ nhìn xa xăm: “Cuộc sống có bao sự đổi thay, ở đó giờ chắc đã khác lắm rồi, đến cũng không nhận ra nơi mình chiến đấu được nữa”.

Cụ Viêng sôi nổi đọc thơ do mình sáng tác. Video: Huy Thư

Những tấm huân, huy chương, huy hiệu đã nhuốm màu thời gian do Nhà nước, quân đội trao tặng được cụ cất giữ cẩn thận. Tấm ảnh cụ chụp chung với Bác Hồ trong dịp Đại hội Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc được cụ treo trang trọng ở phòng khách.

Trong dòng hoài niệm lần giở ký ức Điện Biên, cụ phấn khởi: “Tôi tự hào là người chiến sĩ Điện Biên. Tôi không ngờ mình đã sống được đến hôm nay, vui mừng được chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương, đất nước, của quân đội”.

Huy Thư