Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Mỹ Hà 03/04/2024 20:25

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Phát huy tính tự chủ

Năm học 2024 - 2025 sẽ là năm học đầu tiên học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua hơn 3 năm áp dụng việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới với các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8 và 10, 11, việc lựa chọn sách giáo khoa đã không còn là điều mới lạ với nhiều nhà trường. Kinh nghiệm qua những lần tuyển chọn trước tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên, các nhà trường lựa chọn những bộ sách giáo khoa phù hợp.

bna_Sách giáo khoa.jpg
Năm học tới, học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ học sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Hiện có 3 bộ sách giáo khoa đang được các nhà trường lựa chọn. Ảnh: Mỹ Hà

Để chuẩn bị bộ sách giáo khoa lớp 9 cho học sinh trong năm học tới, thời gian qua, Trường THCS Mậu Đôn (Con Cuông) đã giao cho từng tổ, nhóm chuyên môn đọc, phân tích kỹ ưu thế, hạn chế của từng bộ sách giáo khoa. Trên cơ sở góp ý của các giáo viên, nhà trường đã giao tổ chuyên môn tổng hợp, đề xuất danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu, bỏ phiếu và gửi báo cáo về phòng giáo dục và đào tạo.

Cô giáo Đinh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Mậu Đôn cho biết thêm: “Đây là năm thứ 4 chúng tôi thẩm định sách giáo khoa mới nên giáo viên đã quen với các quy trình. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm qua 3 năm trực tiếp giảng dạy, nên những ưu điểm và cả những khó khăn, hạn chế giáo viên cơ bản đã nắm bắt đủ.

Trước đây, trường chúng tôi chỉ học bộ sách "Kết nối tri thức" ở lớp 6, 7, 8 nên nhiều giáo viên cho rằng, chương trình lớp 9 nên học cùng một bộ sách để có sự kế cận. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường là giáo viên có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, cân nhắc từng cuốn sách của từng nhà xuất bản khác nhau để đảm bảo sự khách quan, minh bạch trước khi bỏ phiếu để chốt cuốn sách cuối cùng”.

Buổi tìm hiểu về sách giáo khoa mới của giáo viên trưởng THCS Quán bàu.JPG
Giáo viên Trường THCS Quán Bàu (thành phố Vinh) tham gia buổi tập huấn trực tuyến giới thiệu về sách giáo khoa mới. Ảnh: Mỹ Hà

Những ngày giữa tháng 3 vừa qua, các buổi giới thiệu sách giáo khoa mới do các nhà xuất bản tổ chức theo hình thức trực tuyến, vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên các nhà trường.

Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm - giáo viên Trường Trung học cơ sở Quán Bàu (TP. Vinh) cho biết: “Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ nặng nề, bởi khi giao quyền tự chủ thì trách nhiệm đảm bảo giáo dục sẽ đè nặng lên đôi vai giáo viên, giáo viên phải cam kết chất lượng học sinh. Chính vì thế, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng tôi và các đồng nghiệp đều nghiên cứu kỹ các bộ sách giáo khoa để phù hợp với năng lực học sinh và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường”.

Ngoài các cuốn sách trong bộ “Kết nối tri thức”, hiện Trường Trung học cơ sở Quán Bàu đang cùng lúc sử dụng sách của một số bộ sách khác ở nhiều môn học khác nhau. Vì lẽ đó, việc sử dụng nhiều bộ sách cho cùng một cấp học có thể sẽ tiếp tục trong năm học tới với học sinh lớp 9.

“Theo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và sách giáo khoa hiện nay chỉ là tài liệu tham khảo. Qua nghiên cứu các bộ sách, chúng tôi thấy rằng, hầu hết đều đáp ứng được việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, giúp các em hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực.

Nhưng bên cạnh đó, mỗi bộ sách cũng có những ưu việt riêng và không phải bộ sách nào cũng tốt 100%.

Vì thế, khi được trao quyền tự chủ chúng tôi khuyến khích các giáo viên bày tỏ ý kiến cá nhân, dũng cảm để nghiên cứu lựa chọn. Không nên vì thói quen mà lựa chọn một bộ sách thiếu tính ưu việt, ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh và của nhà trường”.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Quán Bàu - thành phố Vinh

Đúng, trúng và phù hợp thực tiễn

Trường Trung học cơ sở Hưng Tây là ngôi trường đặc thù của huyện Hưng Nguyên. Học sinh hầu hết đều sinh ra trong gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sẽ tác động đến việc chọn sách giáo khoa của nhà trường sau khi trường được tự chủ trong việc lựa chọn sách.

IMG_9552.JPG
Giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Nghi Ân, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ thêm về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Quảng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Tây cho biết: “3 năm nay, chúng tôi chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 6, 7, 8 và học sinh, giáo viên, phụ huynh cũng đã quen với điều này. Chính vì thế, khi lựa chọn sách mới cho năm lớp 9 chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn các cuốn sách tương đồng, bởi điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy. Hơn nữa sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được một phần chi phí không nhỏ trong việc mua sắm sách giáo khoa cho các con, tận dụng được sách cũ”.

Giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa là sự thay đổi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục đích để các nhà trường tự chủ và nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Sự thay đổi này cũng nhằm hạn chế tình trạng lợi ích nhóm của một số đơn vị cung ứng và tăng lợi ích của học sinh, giáo viên và của nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để đảm bảo sự khách quan đòi hỏi các nhà trường và các giáo viên cần phải nghiên cứu kỹ từng bộ sách giáo khoa, công tâm và nêu cao vai trò trong việc thẩm định và bình chọn.

IMG_7692.JPG
Giờ học của học sinh Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế cũng cho thấy, dù đã có những hướng dẫn khá rõ ràng, nhưng qua tìm hiểu, việc lựa chọn sách giáo khoa ở các nhà trường một số nơi vẫn còn làm theo kiểu đối phó, chung chung và không tránh khỏi bệnh hình thức.

IMG_8701.JPG
Tiết học của học sinh Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Vì thế, nhiều trường dù đã thành lập hội đồng, thực hiện các bước lựa chọn sách theo đúng quy trình nhưng số trường có sự thay đổi “đột phá” trong sự lựa chọn sách giáo khoa so với các năm học trước không nhiều. Điều đó có nhiều nguyên nhân, một phần là vì phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của nhà trường, của địa phương, của từng gia đình. Nhưng không tránh được việc một số trường ngại đổi mới, ngại va chạm.

“Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiên cứu kỹ Thông tư 27/2023/TT-Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2024 để thực hiện đúng quy trình. Đồng thời, nêu cao vai trò của từng thành viên hội đồng trong lựa chọn sách giáo khoa.

Về phía sở đã tổ chức các buổi tập huấn, gửi sách giáo khoa bản mềm, bản cứng để các nhà trường đọc và nghiên cứu bản mẫu.

Quan điểm của sở là việc thực hiện lựa chọn phải đảm bảo dân chủ, tạo thuận lợi cho hội cha mẹ và học sinh trong mua sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa sau này. Bên cạnh đó, cũng phải lựa chọn được những bộ sách đạt chất lượng, đảm bảo tốt việc dạy và học ở các nhà trường”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo

Mỹ Hà