Thêm ngôi trường gặp khó vì giáo viên về hưu không chịu trả lại nhà tập thể

Tiến Hùng 05/04/2024 07:27

(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, Trường THPT Hà Huy Tập vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý ngôi nhà tập thể cuối cùng còn sót lại trong khuôn viên nhà trường. Nhiều kế hoạch xây dựng của nhà trường cũng bị ảnh hưởng, do một giáo viên về hưu nhất quyết không chịu trả lại căn nhà tập thể.

Cho thuê trên đất nhà trường

Ngày 4/4, lãnh đạo Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết, phía nhà trường đang liên hệ với ông Nguyễn Đức C., để làm việc về vấn đề ông này công khai thông báo cho thuê ki-ốt ngay trên đất của nhà trường. “Căn này là nhà tập thể của trường, nằm hoàn toàn trong khuôn viên nhà trường đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, vị lãnh đạo này nói.

Căn nhà ông C. đang sử dụng thuộc dãy nhà tập thể do Trường THPT Hà Huy Tập xây dựng từ năm 2003, để cho các giáo viên sử dụng. Dãy nhà tập thể này trước đây có 11 gian phòng, mỗi gian rộng khoảng 40m2. Sau khi xây dựng xong, ông Nguyễn Đức C. (thầy giáo dạy môn Văn của trường) được bố trí ở gian phòng đầu tiên, giáp với bờ rào cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu. Bên hông gian phòng này còn có khoảng đất trống khá rộng. Toàn bộ dãy nhà tập thể nằm hoàn toàn trong khuôn viên nhà trường.

BNA_A1.jpg
Toàn bộ dãy nhà tập thể đã bị đập bỏ, chỉ còn sót lại căn mà ông C. đang sử dụng nằm trơ trọi. Ảnh: Tiến Hùng

Năm 2009, ông C. về hưu nhưng vẫn được nhà trường tạo điều kiện, tiếp tục ở lại căn nhà tập thể này. “Trong quá trình sinh sống ở gian nhà tập thể, nhân lúc toàn trường đang đi nghỉ ở xa, ông C. đã tự ý cải tạo, nới rộng diện tích, chiếm luôn cả khoảng đất trống bên cạnh để xây và mở cổng hướng ra đường Nguyễn Đình Chiểu”, một lãnh đạo nhà trường kể.

Từ gian nhà tập thể chỉ vỏn vẹn khoảng 40m2, hiện nay diện tích căn nhà ông C. đang sử dụng lên đến gần 90m2, với chiều rộng bám đường Nguyễn Đình Chiểu gần 13m.

BNA_A3.jpg
Ông C. đã tự ý cải tạo, mở 2 cửa hướng ra mặt đường Nguyễn Đình Chiểu. Chiều rộng bám mặt đường của căn nhà là gần 13m, ở vị trí khá đẹp. Ảnh: Tiến Hùng

Năm 2020, Trường THPT Hà Huy Tập xây dựng sân bóng đá cho học sinh, nên tiến hành đập bỏ dãy nhà tập thể để lấy mặt bằng. Sau khi nhận được thông báo từ phía nhà trường, những hộ gia đình ở dãy nhà tập thể lần lượt chuyển ra ngoài. Chỉ còn ông Nguyễn Đức C. từ chối di dời. Khi nhà trường huy động máy móc đến tháo dỡ, ông phản ứng, đồng thời gửi đơn khiếu nại.

“Thầy C. nói là căn nhà này vị hiệu trưởng cũ đã cho ông rồi nên không chịu dời đi. Thầy yêu cầu phải mua cho thầy căn nhà chung cư, diện tích rộng rãi thì mới chấp thuận”, vị lãnh đạo Trường THPT Hà Huy Tập thời điểm năm 2020 kể.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sau đó đã xuống làm việc và đề nghị Công đoàn Ngành Giáo dục và Trường THPT Hà Huy Tập kêu gọi đóng góp từ giáo viên toàn ngành, để mua chung cư cho thầy C., để thầy đồng ý di dời, bàn giao lại mặt bằng cho nhà trường hoàn thành dự án. Tuy nhiên, việc kêu gọi đã không thành. Sau khi họp bàn, phía Công đoàn nhà trường quyết định không kêu gọi hỗ trợ, vì hoàn cảnh của trường hợp này không khó khăn, cũng chưa có tiền lệ. Trong khi đó, các giáo viên của Trường THPT Hà Huy Tập cũng từ chối hỗ trợ.

“Ở trường còn nhiều giáo viên chỉ được nhận mức lương vài triệu, đang phải thuê nhà ở, phải nuôi con. Trong khi thầy C. thì khỏe mạnh, lương hưu cao gấp mấy lần, lại chẳng phải nuôi ai. Nên không ai đồng ý hỗ trợ cả”, lãnh đạo Trường THPT Hà Huy Tập nói. Kể từ đó, phía nhà trường đành phải nhượng bộ, chừa lại căn nhà tập thể nằm trơ trọi trong khuôn viên trường.

Theo ông Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, gần đây do học sinh sử dụng xe điện nhiều, chiếm diện tích lớn nên nhà xe của trường không đủ. Nhà trường có kế hoạch xây dựng thêm nhà xe, tuy nhiên mặt bằng xây dựng lại vướng căn nhà tập thể mà ông C. đang sử dụng. Vì thế, nhà trường rất muốn giải tỏa căn nhà tập thể này.

BNA_A2.jpg
Căn nhà nằm trong khuôn viên Trường THPT Hà Huy Tập đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường từ năm 2007. Ảnh: Tiến Hùng

Cần sớm giải quyết

Theo ghi nhận của phóng viên, căn nhà tập thể mà ông C. đang sử dụng có vị trí khá đẹp, ngay cạnh ngã 3 tấp nập. Gần đây, ông C. treo biển cho thuê ki-ốt ngay trước cửa nhà.

Trao đổi với phóng viên, ông C. thừa nhận, ông không có giấy tờ pháp lý gì về căn nhà này. “Giờ hoàn cảnh khó khăn, lương hưu thấp, mỗi tháng chỉ hơn 7 triệu nên phải cho thuê để kiếm ít đồng”, ông C. nói và cho hay, sau khi ly hôn, ông chỉ sống một mình ở đây, vợ cũ và con trai sống ở nơi khác.

Nói về lý do từ chối chuyển đi, ông C. cho rằng, ông là người có công với nhà trường, là một trong những giáo viên đầu tiên dạy ở trường. Trước đây, hiệu trưởng cũ từng hứa cho ông ở đây. “Ngày xưa hiệu trưởng nói cứ ở đây thì tôi ở. Cách đây mấy năm, nhà trường có hứa mua chung cư. Nhưng bây giờ có mua cho tôi thì tôi cũng không đồng ý, không bao giờ tôi chuyển”, ông C. nói.

BNA_A4 (2).jpg
Căn nhà ông C. đang sử dụng có vị trí khá đẹp. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Cao Trí (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho biết, trường hợp ông C. cũng tương tự vụ việc một số hộ giáo viên ở nhà tập thể của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.

“Về pháp lý, giáo viên này không có cơ sở gì để có thể ở đó cả. Nếu đất đó là của nhà trường, nằm trong khuôn viên trường học, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường, căn nhà tập thể cũng do nhà trường xây. Vì thế, nếu nhà trường muốn lấy lại, có thể khởi kiện ra tòa”, luật sư Nguyễn Cao Trí nói.

Còn liên quan đến vụ việc tương tự xảy ra ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh mà Báo Nghệ An vừa phản ánh, luật sư Nguyễn Cao Trí cho biết, ông nắm rất rõ vì từng được mời để tham gia tư vấn pháp luật.

Theo đó, năm 2006, các giáo viên trong trường đã có đơn gửi lãnh đạo nhà trường này xin mượn nhà ở. Sau khi xem xét điều kiện, hoàn cảnh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã ký hợp đồng đồng ý cho một số cán bộ, giáo viên mượn khu tập thể để ở. Khi viết giấy mượn nhà ở, các giáo viên đã cam kết sẽ thực hiện theo đúng nội quy, quy chế nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng đã yêu cầu rõ các giáo viên khi mượn nhà ở phải có trách nhiệm “phòng nào cần tu sửa tự sửa chữa để ở, không cơi nới quá khu vực đã quy định. Khi nhà trường có nhu cầu sử dụng, sẽ báo trước ít nhất 12 tháng để các hộ tìm chỗ ở”.

“Đối chiếu với hồ sơ vụ việc, thì thực tế tại thời điểm năm 2006, 5 hộ dân chỉ được nhà trường cho mượn khu nhà tập thể trên đất, chứ không phải quyền sử dụng đất. Nhưng đến nay phần đất này lại đang nằm trong quy hoạch xây dựng ký túc xá cho học sinh. Chủ trương này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường và vì lợi ích chính đáng của học sinh. Vì vậy, việc nhà trường thông báo nhu cầu cần lại diện tích đất này là phù hợp. Nên theo quy định trên, trách nhiệm của các hộ dân phải trả các tài sản đã mượn lại cho nhà trường là đúng với quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Cao Trí nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư, khi ký hợp đồng cho mượn nhà ở, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên nếu sử dụng tài sản cho mượn thì “phòng nào cần tu sửa các ông (bà) tự sửa chữa để ở” và “không cơi nới quá khu vực đã quy định”. Căn cứ thỏa thuận trên, thì bên mượn tài sản khi sử dụng tài sản cho mượn đã tự đầu tư, sửa chữa trong phạm vi, khuôn viên tài sản thì phải tự chịu trách nhiệm về việc sửa chữa đó. Và việc tự ý cơi nới quá khu vực cho mượn tài sản là không đúng thỏa thuận tại hợp đồng, nên phải tự chịu trách nhiệm.

“Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh là một đơn vị sự nghiệp công lập, không phải cơ quan quản lý hành chính nhà nước nên không có thẩm quyền để ra Quyết định thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư về đất và tài sản trên đất. Nên việc các hộ dân yêu cầu nhà trường bồi thường về đất và tài sản trên đất là không đúng và không có cơ sở pháp luật”, luật sư Nguyễn Cao Trí nói.

Tiến Hùng