Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và phòng bệnh

BS. Nguyễn Thị Phương Anh 04/04/2024 16:03

Gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến do có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan. Tình trạng này có thể gây tổn thương gan, viêm gan và tạo sẹo, thậm chí dẫn đến suy gan nếu không được phát hiện và chữa trị sớm..

1. Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ

Có hai dạng bệnh gan nhiễm mỡ: bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu

Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia, gan nhiễm mỡ phát triển ở mức 46% đến 90% ở những người nghiện rượu nặng. Khi uống nhiều hơn 14 đơn vị rượu bia mỗi tuần (mỗi đơn vị rượu tương đương với một nửa ly bia hoặc một ly rượu mạnh 25ml) có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)

Đối với những trường hợp bị gan nhiễm mỡ không do rượu bia, nguyên nhân gây bệnh có thể là do:

Thừa cân, béo phì.

Hội chứng chuyển hóa là sự kết hợp của cholesterol cao, đái tháo đường và tăng huyết áp (huyết áp cao).

Hội chứng buồng trứng đa nang.

Suy dinh dưỡng protein (quá ít protein trong chế độ ăn).

Giảm cân quá nhanh.

Sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến gan.

Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu. Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.

gan-nhiem-mo-1712028017840-17120280208951056465556-0-0-735-1176-crop-17120283778531140092961-6763.jpg

2. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ

Nếu gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng gì rõ rệt. Hầu hết những người bị bệnh gan nhiễm mỡ đều cảm thấy khỏe và không biết rằng mình mắc bệnh. Tuy nhiên cũng có một số người gặp các triệu chứng như:

Cảm thấy ốm yếu và mệt mỏi mọi lúc.

Sụt cân đột ngột.

Đau hoặc khó chịu ở phần trên bên phải của dạ dày.

Rất khó để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt là khi bệnh vẫn còn ở giai đoạn đầu, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử và kiểm tra các triệu chứng của người bệnh. Các phương pháp xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:

Xét nghiệm máu: xét nghiệm chức năng gan.

Xét nghiệm cholesterol và xét nghiệm đường huyết lúc đói.

Siêu âm gan.

Sinh thiết gan.

3. Gan nhiễm mỡ có lây không?

Do bệnh gan nhiễm mỡ không phải do virus, vi khuẩn gây ra, chính vì thế nên không phải bệnh lây nhiễm. Người thân trong gia đình hoàn toàn có thể yên tâm chăm sóc người bệnh mà không sợ nguy cơ lây truyền.

Khác với bệnh gan khác như: viêm gan B, C lây qua đường tình dục, lây qua đường từ mẹ sang con hoặc truyền máu, viêm gan A lây qua đường ăn uống... Gan nhiễm mỡ không phải là bệnh lây truyền mà chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như uống nhiều bia rượu, ăn nhiều thực phẩm chế biến, lười vận động… gây ra.

4. Phòng ngừa gan nhiễm mỡ

cahoi-1712028108241-17120281126151254738617-7659.jpg
Nên ăn cá để phòng bệnh.

Gan nhiễm mỡ có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh cụ thể:

Cần có chế độ ăn lành mạnh khoa học, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả.

Hạn chế mỡ động vật, nội tạng, thịt đỏ thay bằng dầu thực vật, các loại cá nhất là cá hồi.

Tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu luyện tập được hàng ngày thì tốt không 5 ngày mỗi tuần.

Cần giảm cân từ từ nếu thừa cân.

Tuyệt đối nói không với rượu bia.

Nên tiêm phòng viêm gan: Tiêm phòng vaccine, đặc biệt là vaccine viêm gan A và viêm gan B. Viêm gan C chưa có vaccine vì vậy nên có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

Cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng thuốc, nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Quan trọng nhất là nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Trong các bài kiểm tra sức khỏe định kỳ luôn bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra chức năng gan. Phát hiện sớm gan nhiễm mỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng cho gan.

5. Điều trị gan nhiễm mỡ

Việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và cách chẩn đoán. Trên thực tế chưa có thuốc có thể chữa khỏi bệnh ngay tức khắc, bệnh sẽ được cải thiện dần dần bằng cách thay đổi lối sống và kết hợp với việc điều trị một số bệnh lý khác.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do rượu bia thì người bệnh phải kiêng hoàn toàn thức uống này.

Đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, việc điều trị chính là thay đổi lối sống như:

- Giảm cân dần dần: Nếu bệnh nhân bị béo phì, thừa cân thì việc đầu tiên cần làm là giảm cân để giảm sự tổn thương gan, cải thiện đề kháng insulin. Tuy nhiên không vì thế mà thực hiện các biện pháp nhịn ăn hay giảm cân khắt khe đột ngột. Hãy giảm một cách từ từ dao động từ 0,5 – 1kg cân nặng một tuần. Với những người béo phì, không thể đạt mục tiêu cân nặng và có tình trạng gan nhiễm mỡ nặng thì có thể phẫu thuật cắt một phần dạ dày để giảm nhu cầu ăn uống.

- Bổ sung vitamin E: Theo nghiên cứu, vitamin E giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ mà không gây ra bệnh lý đái tháo đường.

Với một số bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ kèm theo đái tháo đường có thể sẽ được các bác sĩ chỉ định dùng 1 số thuốc để cải thiện tình trạng viêm gan và xơ gan.

- Tập thể dục thường xuyên: Vận động thường xuyên là cách giảm mỡ trong gan hiệu quả. Thời gian luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và luyện tập ít nhất 5 lần/ tuần.

Nếu gan nhiễm mỡ tiến triển, gây ra biến chứng thì việc điều trị sẽ bao gồm điều trị các tình trạng này bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu xơ gan gây suy gan nặng, có thể cần ghép gan./.

BS. Nguyễn Thị Phương Anh