Cách phát hiện hình ảnh deepfake do trí tuệ nhân tạo tạo ra
(Baonghean.vn)- Việc phát hiện hình ảnh deepfake ngày càng trở nên khó khăn hơn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo có thể giúp bạn xác định xem một hình ảnh có phải là deepfake hay không.
Hình ảnh deepfake là những hình ảnh hoặc video được chỉnh sửa bằng công nghệ AI để làm cho người xem tin vào một thứ gì đó không có thật. Deepfake có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm giải trí, lừa đảo và tuyên truyền.
Việc tạo ra các hình ảnh hoặc video giả mạo dựa trên công nghệ AI đang nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trên không gian mạng. Hình ảnh, video và âm thanh lừa đảo đang gia tăng do sự phổ biến và lạm dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI).
Với sự xuất hiện của các video deepfake do trí tuệ nhân tạo tạo ra gần như hàng ngày, từ hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới như ca sĩ Taylor Swift, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump,… việc phân biệt đâu là thật đâu là giả ngày càng trở nên khó khăn.
Hiện nay, các công cụ sáng tạo sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh từ văn bản như DALL-E, Midjourney và Sora giúp cho việc tạo deepfake trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, người dùng chỉ cần gõ yêu cầu và hệ thống sẽ tự động tạo ra chúng.
Những hình ảnh giả mạo này có vẻ vô hại. Nhưng chúng có thể được sử dụng để thực hiện các vụ lừa đảo, đánh cắp danh tính hoặc tuyên truyền và thao túng bầu cử.
Trong những ngày đầu của công nghệ deepfake, nó còn nhiều hạn chế và thường để lại dấu hiệu can thiệp rõ ràng. Người kiểm chứng thông tin đã chỉ ra những hình ảnh có lỗi hiển nhiên, như bàn tay có 6 ngón tay hoặc kính mắt có 2 tròng kính hình dạng khác nhau.
Nhưng khi AI được cải tiến, việc phát hiện trở nên khó khăn hơn nhiều. Henry Ajder, nhà sáng lập công ty tư vấn Latent Space Advisory và là chuyên gia hàng đầu về AI tạo sinh cho biết, một số lời khuyên được chia sẻ rộng rãi, chẳng hạn như tìm kiếm các kiểu chớp mắt không tự nhiên trong video deepfake không còn hiệu quả nữa.
Tuy nhiên, ông Henry Ajder cho rằng, vẫn có một số dấu hiệu để nhận ra hình ảnh deepfake, chẳng hạn như ảnh chân dung của một người có một lớp bóng điện tử, “một hiệu ứng làm mịn thẩm mỹ” khiến làn da “trông bóng bẩy một cách đáng kinh ngạc”.
Ngoài ra, hãy kiểm tra độ nhất quán của bóng và ánh sáng. Thông thường chủ thể trong ảnh sẽ được lấy nét rõ ràng và trông giống thật một cách thuyết phục, nhưng các yếu tố ở phông nền có thể không thực tế hoặc bóng bẩy.
Nhìn vào khuôn mặt
Đổi mặt (Face-swapping) là một trong những phương thức deepfake phổ biến nhất. Các chuyên gia khuyên bạn nên nhìn kỹ vào các rìa của khuôn mặt. Liệu màu da mặt có khớp với phần đầu hoặc phần thân còn lại không? Các cạnh của khuôn mặt sắc nét hay bị mờ?
Nếu bạn nghi ngờ video quay cảnh một người nói chuyện đã được chỉnh sửa, hãy nhìn vào miệng của họ. Liệu cử động môi của họ có khớp hoàn toàn với âm thanh không?
Ajder khuyên nên nhìn vào răng. Răng của họ có rõ ràng, hay bị mờ và không khớp với vẻ ngoài thực tế.
Công ty an ninh mạng Norton (Mỹ) cho biết, thuật toán có thể chưa đủ tinh vi để tạo ra từng chiếc răng riêng lẻ, vì vậy việc thiếu đường viền cho từng chiếc răng có thể là một dấu hiệu để nhận ra hình ảnh deepfake.
Hãy xem xét vấn đề trong một bối cảnh rộng hơn
Đôi khi bối cảnh đóng vai trò quan trọng. Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ xem liệu những gì bạn đang xem có hợp lý không.
Tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí và giáo dục truyền thông Poynter có trụ sở tại Mỹ khuyên rằng, nếu bạn thấy một nhân vật công chúng làm điều gì đó có vẻ “phô trương, phi thực tế hoặc không phù hợp với tính cách”, thì đó có thể là một hình ảnh deepfake.
Ví dụ, hình ảnh Giáo hoàng có thực sự mặc một chiếc áo khoác phao sang trọng như trong bức ảnh giả mạo nổi tiếng không? Nếu có, liệu các nguồn chính thống có đăng thêm ảnh hoặc video về điều đó không?
Sử dụng AI để phát hiện deepfake
Một cách tiếp cận khác là sử dụng AI để chống lại chính nó. Theo đó, Microsoft đã phát triển một công cụ xác thực có thể phân tích ảnh hoặc video để đưa ra tỷ lệ tin cậy về việc liệu nó có bị can thiệp hay không hay FakeCatcher của nhà sản xuất chíp bán dẫn Intel sử dụng thuật toán để phân tích các điểm ảnh của hình ảnh nhằm xác định xem nó có thật hay giả.
Bên cạnh đó, có những công cụ trực tuyến hứa hẹn sẽ đánh hơi được các nội dung giả mạo nếu bạn tải lên một file hoặc dán đường dẫn đến tài liệu đáng ngờ. Nhưng một số công cụ, chẳng hạn như công cụ xác thực của Microsoft, chỉ dành cho các đối tác được chọn và không dành cho công chúng. Điều đó là do các nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ thông tin cho những kẻ xấu và trao cho họ lợi thế lớn hơn trong cuộc đua vũ trang deepfake.
Ajder cho biết, việc truy cập công khai vào các công cụ phát hiện cũng có thể khiến mọi người có ấn tượng rằng chúng là những “công nghệ thần thánh” có thể thay thế tư duy phản biện cho chúng ta, trong khi thay vào đó, chúng ta cần nhận thức được những hạn chế của chúng.
Các chuyên gia cho rằng, việc đặt gánh nặng lên người dùng thông thường để trở thành những thám tử kỹ thuật số thậm chí có thể nguy hiểm, vì nó có thể khiến họ có niềm tin mù quáng khi mà ngay cả những người có chuyên môn cũng ngày càng khó khăn hơn trong việc phát hiện deepfake.
Việc phát hiện deepfake là một thách thức ngày càng lớn và không có phương pháp nào đảm bảo hiệu quả 100%. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng những biện pháp phòng ngừa và nâng cao nhận thức, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ bị đánh lừa bởi deepfake.