Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Hoài Thu 22/04/2024 08:08

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế

Năm 2011, huyện Con Cuông có 3 homestay đầu tiên ở bản Nưa (Yên Khê) được tổ chức JICA hỗ trợ xây dựng. Đến nay, số lượng các homestay của huyện tăng lên khoảng 7 - 8 cơ sở, trải đều ở 3 xã Môn Sơn, Yên Khê và Lục Dạ, tập trung nhiều ở bản Xiềng (gần đập Phà Lài), xã Môn Sơn. Khi dự án của JICA kết thúc, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các homestay.

bna_ Đa dạng hệ thực vật vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát. Ảnh Quang Dũng (2).jpg
Vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát. Ảnh: Quang Dũng

Anh Trần Đình Ngọc - chủ cơ sở homestay Ngọc Lá tại bản Xiềng, xã Môn Sơn cho biết: Gia đình anh đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch vừa phục vụ ăn uống, vừa ngủ nghỉ với khoản đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Homestay của gia đình anh cũng như các hộ khác chủ yếu hoạt động thời vụ, khách du lịch vào với Môn Sơn - Lục Dạ cao điểm là mùa Hè, tầm tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Cũng vì vậy, hầu hết các dịch vụ du lịch từ xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, trang trí dọn dẹp phòng ngủ, chăm sóc sân vườn đến chế biến các món ăn phục vụ du khách đều do chính chủ homestay đảm nhận.

“Các chủ hộ kinh doanh du lịch hầu như đều tham gia phục vụ trực tiếp, vừa đảm bảo chăm sóc dịch vụ chu đáo, vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công” – anh Trần Đình Ngọc tâm sự và cho biết, tất cả các chủ homestay khác ở Môn Sơn đều mong muốn phát huy các giá trị văn hóa sẵn có của quê hương để phát triển ngành dịch vụ du lịch; trong đó, tiềm năng lớn nhất chính là Vườn Quốc gia Pù Mát. Từ lâu, Pù Mát đã trở thành thương hiệu quốc tế, là trung tâm của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các xã vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, trong lành cùng bề dày bản sắc lịch sử - văn hoá của bao thế hệ người dân.

bna_môn sơn chuẩn bị lễ hôiij.jpg
Người dân xã Môn Sơn chỉnh trang dọn dẹp các trục đường giao thông, đầu tư xây dựng các cơ sở homestay phục vụ du lịch cộng đồng. Ảnh: Hoài Thu

Những ngày tháng 4/2024, chính quyền và người dân xã Môn Sơn tất bật cho Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ với những hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và thi đánh bắt cá trên sông Giăng. “Đây là năm thứ 2 Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ bổ sung thêm nội dung thi bắt cá trên sông, bước đầu cho thấy hoạt động này thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo được sự háo hức đón chờ lễ hội của người dân. Mỗi dịp lễ hội, khắp các bản làng đều chộn rộn vui tươi, bà con phấn khởi tăng gia sản xuất, lao động và bước đầu hình thành tư duy phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng” - ông Lương Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết.

Môn Sơn còn là cái nôi của phong trào cách mạng với dấu mốc là nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ gắn với cây đa Cồn Chùa, Di tích nhà cụ Vi Văn Khang. Việc giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử cũng là một nội dung quan trọng góp phần làm phong phú hơn các dịch vụ, điểm đến cho du lịch vùng Môn Sơn - Lục Dạ.

Trưởng bản Thái Hoà Vi Văn Hải cho biết, Di tích nhà cụ Vi Văn Khang nằm ở bản Thái Hoà luôn là địa điểm được dân bản quan tâm, bảo vệ.

20220414_0806021440993_1442022.jpg
Khách du lịch tham quan “địa chỉ đỏ” Di tích Nhà cụ Vi Văn Khang - nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Hoài Thu

“Hiện Di tích Nhà cụ Vi Văn Khang - nơi diễn ra lễ thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền Tây xứ Nghệ vừa khởi công nâng cấp, mở rộng khuôn viên khu di tích. Cùng với hoạt động du lịch gắn với tham quan di tích lịch sử, người dân bản Thái Hoà sẽ có thêm nguồn thu từ phát triển các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và trao đổi hàng hoá khi lượng du khách tăng, đặc biệt là mùa cao điểm lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ, các phiên của chợ phiên Mường Quạ” – anh Vi Văn Hải bày tỏ.

Ông Lô Văn Thao - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, phát triển du lịch sinh thái là định hướng, mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện. Huyện đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị kinh tế du lịch vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Năm 2023, lượng khách du lịch đến với Con Cuông tăng hơn 110 nghìn lượt so với năm trước, mang lại doanh thu hơn 89 tỷ đồng, trong đó lượng lớn khách du lịch là đến vùng Môn Sơn - Lục Dạ. Vào các năm chẵn, huyện Con Cuông cũng chọn vùng Môn Sơn - Lục Dạ làm điểm khai trương năm du lịch của huyện, giúp thu hút ngày càng đông lượng khách biết và đến với Môn Sơn - Lục Dạ nói riêng, Con Cuông nói chung.

bna_Chợ phiên Mường Quạ.jpg
Chợ phiên Mường Quạ trao đổi nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc vùng Môn Sơn - Lục Dạ - một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoài Thu

Vẫn còn nhiều khó khăn

Ông Lưu Trung Kiên - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, đơn vị đã thường xuyên phối hợp các địa phương khai thác hoạt động du lịch theo Đề án khai thác du lịch và dịch vụ Vườn Quốc gia Pù Mát giai đoạn 2017 – 2025.

Ban quản lý cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Vườn Quốc gia Pù Mát là Vườn di sản ASEAN; đang từng bước hoàn thiện hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Pù Mát là Vườn quốc gia nằm trong danh lục xanh của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Green List). Khi các đề xuất được công nhận sẽ là lợi thế lớn về phát triển dịch vụ du lịch cho các địa phương nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Ảnh bài chân _Đoàn khảo sát của Sở Du lịch khảo sát tuyến đi đường đi bộ trong rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh Đình Tuyên (1).jpg
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch khảo sát tuyến đường đi bộ trong rừng nguyên sinh Pù Mát. Ảnh: Đình Tuyên

Tiềm năng lớn là vậy, song việc phát triển du lịch ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 19/1/2024, đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát. Tại đây, đoàn công tác đánh giá việc khai thác du lịch và dịch vụ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động du lịch, dịch vụ xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thu hút đầu tư, liên doanh liên kết khai thác du lịch và dịch vụ chưa được thực hiện.

bna_1.JPG
Hiện nay, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát vẫn còn 200 hộ người dân Đan Lai sinh sống, song chưa được giao đất ở và đất sản xuất. Trong ảnh: Bản Búng, xã Môn Sơn có 100% đồng bào Đan Lai sinh sống, hầu hết các gia đình đang sống trong những ngôi nhà bằng tre, mét tạm bợ. Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh đó, trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát hiện có hơn 200 hộ gia đình với trên 1.000 nhân khẩu người Đan Lai sinh sống, nhưng chưa được giao đất ở và đất sản xuất để ổn định cuộc sống, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển du lịch sinh thái...

Vườn Quốc gia Pù Mát nằm trong khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn và được đặt tên theo đỉnh núi cao nhất trong khu vực - đỉnh Phù Mát cao 1.841m. Đến với Vườn Quốc gia Pù Mát, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều… Vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những Vườn Quốc gia tiêu biểu của Việt Nam, có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú với 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật. Trong đó có 70 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam; có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Đồng thời, với địa hình trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Vườn Quốc gia Pù Mát cũng là vùng sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Đan Lai với bề dày bản sắc văn hoá độc đáo, là điểm nhấn tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng.

Có 3 huyện nằm trong Vườn quốc gai Pù Mát.png
Bản đồ khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Google Maps

Hoài Thu