Kiến tạo hệ sinh thái đọc sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc

Minh Quân 21/04/2024 08:37

(Baonghean.vn) - Nhân dịp ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Học tập suốt đời, người sáng lập mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và đồng sáng lập chương trình “Tủ sách nhân ái”.

Đọc được một cuốn sách hay giúp khai mở trí tuệ, nâng tầm bản thân

P.V: Thưa ông, được biết ông là một người con của mảnh đất xứ Nghệ. Vậy ông có thể chia sẻ cho bạn đọc Báo Nghệ An về tuổi thơ của mình?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi sinh năm 1976 ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương), một miền quê nghèo của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ, trong một gia đình có 5 anh em, bố tôi là bộ đội xuất ngũ, mẹ là giáo viên tiểu học. Tuy không xuất thân trong gia đình nông dân, nhưng tôi cũng đã trải qua tuổi thơ vất vả.

Do gia đình đông con, đồng lương của bố mẹ tôi khá eo hẹp, lại không được cấp ruộng đất nên gia đình tôi phải đi khai hoang đất đồi, đất bãi để cải thiện đời sống. Tuổi thơ tôi gắn với những mùa hè còng lưng tát nước lên ruộng, rồi phải đi mót lạc, mót khoai, mót lúa để đổi lấy tiền mua sách cũ từ các anh chị khóa trước.

bna_Ông Nguyễn Anh Tuấn.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Học tập suốt đời, người sáng lập mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và đồng sáng lập chương trình “Tủ sách nhân ái”. Ảnh: NVCC

Đến năm 1991, giữa năm học lớp 9, được sự cho phép của bố mẹ, tôi vào Bình Định ở với một người chú để tiếp tục theo học trung học phổ thông. 3 năm sau, tôi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh học đại học và lập nghiệp trong này. Như vậy, tôi xa quê đến nay đã gần 33 năm.

P.V:Ông có thể chia sẻ trải nghiệm cá nhân của ông đối với việc đọc sách từ khi còn là một cậu học trò trường huyện cho đến nay?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã nói ở trên, tôi đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn, cả cái ăn, cái mặc chứ chưa nói đến sách. Ngay cả sách giáo khoa tôi còn chưa có đủ chứ chưa nói đến sách tham khảo, sách truyện. Cho đến khi học lớp 9, tôi mới được đọc một cuốn sách ngoài sách giáo khoa. Và số sách truyện tôi từng đọc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, với những cuốn sách bố mẹ tôi đưa về như “Thỏ và Rùa”, “Người cá”…

Đến khi tôi vào Bình Định, được tiếp xúc với các cửa hàng cho thuê truyện, tôi mới bắt đầu đọc nhiều sách hơn. Rồi các thể loại sách mà tôi đọc dần được mở rộng, từ văn học đến triết học, lịch sử, tôn giáo, xã hội học, tâm lý học… Tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, sức đọc của tôi ngày càng tăng.

Đến nay thì tôi không đọc thường xuyên như xưa, nhưng vẫn duy trì thói quen đọc sách. Tốc độ đọc cũng chậm hơn, trước đây một vài đêm đọc hết một cuốn sách; bây giờ có khi cả tuần, thậm chí cả tháng mới đọc hết một cuốn, trừ cuốn nào cực hay thì mới đọc một lèo cho hết. Có những cuốn tôi đọc đi đọc lại chứ không phải lúc nào cũng tìm sách mới. Có cuốn tôi đọc cách đây rất nhiều năm, đánh dấu xanh, đỏ vào những chỗ đáng chú ý, đến thời điểm nào đó gặp một tình huống trong cuộc sống nhớ đến tác phẩm đó có thể giúp mình giải quyết thì lại mở ra đọc lại những chỗ đã đánh dấu.

Với một cuốn sách hay, tôi luôn suy ngẫm xem học được điều gì và vận dụng vào cuộc sống cá nhân hay cho cộng đồng. Có những thứ mình không bao giờ học được trong nhà trường mà là qua sách vở. Cần mở rộng nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan để đón nhận những luồng tư tưởng mới, những kiến thức, kỹ năng mới. Đọc được một cuốn sách hay giúp khai mở trí tuệ, nâng tầm bản thân.

Kiến tạo hệ sinh thái đọc sách

P.V: Xuất phát từ ý tưởng, động lực nào mà ông sáng lập chương trình “Tủ sách nhân ái” và mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”?

ÔngNguyễn Anh Tuấn: Từ năm 1999, khi mới tốt nghiệp đại học, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng mỗi khi đọc được cuốn sách hay, tôi thường mang đi photocopy để tặng cho bạn bè. Đặc biệt có lần đọc được cuốn sách “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”, tôi đã copy ra hàng trăm bản để tặng bạn bè, bởi đọc thấy tâm đắc quá, tôi muốn nhiều người được đọc.

Chuyên ngành chính của tôi là kỹ sư cầu đường, tôi sáng lập và điều hành một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông trong mười mấy năm. Từ khi có công việc ổn định đến nay, tôi luôn ấp ủ thành lập được một mô hình chia sẻ, trao tặng sách đi muôn nơi, kết nối những người thầy giỏi, những người bạn tốt khắp mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới. Đó cũng là lý do tôi và những anh chị em cùng chí hướng sáng lập và nhân rộng hai mô hình “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, mong muốn đem lại cơ hội đọc sách và học tập miễn phí, chất lượng cho người dân và trẻ em ở các vùng quê nghèo.

bna_Học sinh đọc sách tại Ngôi nhà trí tuệ ở Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương).jpg
Học sinh đọc sách tại "Ngôi nhà trí tuệ" Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương). Ảnh: NVCC

Trước khi thành lập “Tủ sách nhân ái”, “Ngôi nhà trí tuệ”, tôi cũng tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện như trao tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, trao sinh kế cho người nghèo… Sau một thời gian, tôi thấy cần nâng cấp các hoạt động từ thiện của mình, hướng tới các hoạt động nhân ái sâu sắc, bền vững hơn, lấy phát triển văn hóa đọc, tự học, học tập liên tục, phát triển trí tuệ làm nền tảng cốt lõi.

Theo đó, “Tủ sách nhân ái” là một chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc xây dựng chuỗi các mô hình tủ sách và thư viện, kiến tạo hệ sinh thái đọc sách cho các trường học và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng văn hóa đọc, vun bồi trí tuệ và lòng nhân ái cho mọi người ở mọi lứa tuổi. “Tủ sách nhân ái” không chỉ tặng sách mà còn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về các giải pháp khuyến đọc, cách tổ chức các hoạt động đọc sách, hướng dẫn quy trình xây dựng tủ sách từ thí điểm, nhân rộng đến đánh giá hiệu quả đọc sách.

Còn “Ngôi nhà trí tuệ” thì xây dựng nên những không gian tự học, học tập liên tục, suốt đời, học tập không vì điểm số, không vì phần thưởng mà học chỉ vì là niềm đam mê tri thức, vẻ đẹp trí tuệ, học để áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày.

Việc tạo ra các cộng đồng đọc sách sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn hơn, kích hoạt theo số lượng. Khi đọc được cuốn sách hay, các em chia sẻ với bạn bè trong lớp, trong trường, trong làng, làm cho bạn khác cũng thiết tha muốn đọc, học theo nhau, mượn sách của nhau. Ở nhà có cuốn sách hay đọc xong thì mang đến đóng góp vào tủ sách của trường, của lớp...

bna_ông Nguyễn Anh Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trong chương trình khánh thành Ngôi nhà trí tuệ tại Trường THPT Dân tộc Nội trú số 2.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn (thứ 3 từ phải sang) trong một buổi làm việc với "Ngôi nhà trí tuệ" tại Trường THPT Dân tộc nội trú số 2. Ảnh: NVCC

Bên cạnh phát triển ở các lớp học, những thành viên sáng lập còn nỗ lực xây dựng tủ sách cho những nơi có nhu cầu đọc sách và có thiết chế quản lý phù hợp như giáo xứ, nhà chùa, bệnh viện, trại giam, mái ấm, lớp học tình thương, các tủ sách cộng đồng tại nhà... nhằm khơi gợi hứng thú và từng bước tạo lập thói quen đọc sách cho người Việt. Mong ước của chúng tôi là chính những người được giúp đỡ hôm nay sẽ thành công và hạnh phúc ngày mai, rồi họ sẽ quay trở lại giúp đỡ những người khác tốt hơn những gì chúng tôi đang làm. Đó là chu trình “đáp đền tiếp nối” tạo nên sức mạnh cho cộng đồng.

P.V:Ôngcó thể cho biết những thành tựu, dấu ấn mà “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ” đạt được trong phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Được hình thành từ năm 2016, với phương châm hoạt động là “Trao cho trẻ một cuốn sách là bạn đã thay đổi thế giới”, đến nay, chương trình "Tủ sách nhân ái" đã trao tặng gần 25.000 tủ sách với hơn 1,5 triệu cuốn sách đến hơn 3.100 trường học và các cộng đồng dân cư khác ở 63 tỉnh, thành tại Việt Nam và một số tỉnh tại nước bạn Lào. Còn mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ra đời vào tháng 5/2018, đến nay đã xuất hiện ở 14 tỉnh, thành trên cả nước và tại 5 quốc gia là Malaysia, New Zealand, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, với hơn 250 ngôi nhà. Riêng trên địa bàn Nghệ An đến nay có gần 3.000 “Tủ sách nhân ái”, tập trung nhiều nhất ở các huyện Yên Thành (hơn 1.200 tủ sách), Thanh Chương (gần 1.000 tủ sách)…; gần 10 “Ngôi nhà trí tuệ”.

bna_giao lưu cùng Giảng viên tình nguyện Ian Gardiner, Thạc sỹ Triết học, cũng là Chủ nhiệm Ngôi nhà Trí tuệ New York..jpg
Học sinh Trường THPT Thanh Chương 3 giao lưu cùng Giáo sư Shannon Gramse - Đại học Alaska Anchorage (Mỹ). Ảnh: NVCC

Từ các ‘Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, qua các hoạt động đọc, chia sẻ, giới thiệu sách bằng viết cảm nhận, thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, hội thi… các em đã tạo lập thói quen yêu thích đọc sách và học được những điều bổ ích về kỹ năng sống, phát minh khoa học, tìm hiểu cuộc đời các danh nhân Việt Nam và thế giới. Từ đó, nuôi dưỡng ước mơ, hình thành nhân cách, biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ cộng đồng… Nhiều em chia sẻ nhờ đọc sách đã thay đổi thế giới quan, nhận ra việc học không phải cho ông bà, bố mẹ hay thầy cô, mà cho chính bản thân mình, từ đó các em tự tin, chủ động trong cuộc sống. Đam mê đọc sách đã lan tỏa không chỉ trong các em học sinh mà còn ảnh hưởng tích cực đến các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ, khiến cho nhiều người lớn cũng phải xem lại việc đọc sách của mình để làm gương cho con trẻ.

bna_ông Nguyễn Anh Tuấn trong chuyên thăm thư viên Đại học Havard (Mỹ).jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn trong chuyến thăm Thư viện Đại học Havard (Mỹ). Ảnh: NVCC

Đến nay, Chương trình “Tủ sách nhân ái” còn xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo và tâm huyết ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, gồm các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ, các bạn học sinh, sinh viên hoặc những cựu học sinh của các trường, với tấm lòng nhiệt huyết, mong muốn gieo mầm thói quen đọc sách cho học sinh và con em của mình nên đã chung sức cùng chương trình rất tích cực. Không chỉ dừng lại ở cá nhân, mà ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng tham gia "Tủ sách nhân ái". Họ đã nhận thấy đây là một hoạt động xã hội hiệu quả, có chiều sâu và đem lại giá trị bền vững.

Tháng 10/2023, Chương trình “Tủ sách nhân ái và “Ngôi nhà trí tuệ” vinh dự được vinh danh tại hạng mục “Thực hành xuất sắc” của Giải thưởng “Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức” do Thư viện Quốc hội Mỹ tổ chức. Đây là giải thưởng được tổ chức từ năm 2013, nhằm vinh danh các tổ chức có chiến lược đột phá, sáng tạo và hiệu quả trong khuyến đọc và kiến tạo các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

P.V:Trongthời đại công nghệ số hiện nay, các phương tiện nghe, nhìn hiện đại cùng mạng xã hội đã khiến không ít bạn trẻ “ngại” đọc sách? Vậy, với tư cách là người sáng lập chương trình “Tủ sách nhân ái”, ông có trăn trở gì về điều này và theo ông cần có những giải pháp gì để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng?

ÔngNguyễn Anh Tuấn: Đúng là bây giờ ti vi, smartphone, rồi các ứng dụng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook… đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển văn hóa đọc. Rồi sự ra đời của sách điện tử, sách nói cũng khiến cho thị phần của sách giấy bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, đối với tôi, đọc sách giấy vẫn luôn là một trải nghiệm thú vị, từ việc chạm, giở từng trang sách, cảm nhận mùi sách mới, rồi đánh dấu, ghi chú trên sách…, tất cả vẫn để lại những cảm xúc rất đặc biệt.

bna_Chị Thúy Nga cùng các bạn đọc tại thư viện.jpg
Các em nhỏ đọc sách tại Thư viện miễn phí Thúy Nga ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Minh Quân

Và tôi nhận thấy thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là các em học sinh, không hề thờ ơ với sách như chúng ta vẫn tưởng. Qua báo cáo đánh giá tác động của “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, các bảng khảo sát và chia sẻ hàng ngày của các em trên các Fanpage về những cuốn sách đã đọc, rồi qua hoạt động đóng kịch, kể chuyện theo sách ở các trường học…, tôi rất tin tưởng vào hiệu quả đọc sách của các em. Ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành (Nghệ An), Nghi Xuân, Thạch Hà (Hà Tĩnh), qua sổ theo dõi việc đọc sách, có những em đọc 80 - 100 cuốn/năm, cho thấy sức đọc rất lớn. Vấn đề ở đây là làm sao để thu hút các em đến với sách nhiều hơn nữa!

bna_Một buổi học kỹ năng sống tại Ngôi nhà Trí tuệ Thanh Tiên với thạc sỹ ngữ văn, giảng viên tình nguyện Ngô Diệu Thúy..jpg
Một buổi học kỹ năng sống tại" Ngôi nhà trí tuệ" Thanh Tiên với Thạc sỹ ngữ văn, giảng viên tình nguyện Ngô Diệu Thúy. Ảnh: NVCC.

Với hoạt động của “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, chúng tôi khuyến khích các em tổ chức nhiều hơn các hoạt động kể chuyện theo sách, giới thiệu sách, đồng thời tổ chức các buổi giao lưu với các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm, với những diễn giả lớn. Ví như ở một số “Ngôi nhà trí tuệ” trên địa bàn Nghệ An, chúng tôi đã tổ chức giao lưu giữa các em học sinh với anh Dương Anh Vũ - Siêu kỷ lục gia trí nhớ học thuật thế giới, các sinh viên từ Tây Ban Nha, với Thạc sĩ Triết học, giảng viên tình nguyện Ian Gardiner từ New York, gia đình giáo sư Shannon Gramse từ Alaska - Mỹ…. để từ đó, truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách, chinh phục tri thức cho các em, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Quân