Phát huy 'Tinh thần Điện Biên Phủ' để bước thật mạnh, tiến thật xa
(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Nghệ An đã đóng góp nhiều sức người, sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Phát huy “Tinh thần Điện Biên Phủ” năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An hôm nay đã và đang phát huy sức mạnh đoàn kết, không ngừng nỗ lực bước thật mạnh, tiến thật xa; tạo lập nên những “Điện Biên Phủ” mới trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội.
Tích cực đóng góp vào chiến thắng
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ chi viện tối đa nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến này. Mở đường ra trận, tỉnh Nghệ An đã huy động 155.974 lượt dân công phục vụ tiền tuyến. Ngoài số dân công phục vụ ở chiến trường Lào gần 24.400 người và 146.000 xe đạp thồ, số dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ là trên 30.000 lượt người và 3.700 lượt xe đạp thồ. Dân công Nghệ An đã đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công; sửa chữa và mở các tuyến đường mới với chiều dài 320 km, bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, 53 cống qua các địa bàn trọng yếu dẫn ra tiền tuyến.
Xác định tầm quan trọng của cuộc quyết chiến chiến lược này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã tập trung cao nhất mọi nguồn lực phục vụ cho chiến dịch. Đúng mồng Một Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954), 32.000 dân công, trong đó, có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến.
Với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, mọi ngành, mọi giới, người người, lớp lớp đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Có gia đình cả cha, con, dâu, rể cùng ra tiền tuyến. Nhiều thiếu niên mới 15, 16 tuổi cũng xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều cụ già cũng hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch.
“Tất cả cho Điện Biên Phủ”, nhân dân Nghệ An đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nông dân cả tỉnh đã nhập kho 1.490 tấn thóc phơi khô, quạt sạch. Cùng với đó, trong suốt chiến dịch, dân công hỏa tuyến Nghệ An đã vận chuyển 5.000 tấn lương thực ra Suối Rút (Hòa Bình) để tiếp tục đưa ra chiến trường. Các huyện miền núi của tỉnh cùng với các huyện miền xuôi đóng góp hàng nghìn con trâu, bò, ngựa làm sức kéo; hàng tấn lợn, gà, cá, rau xanh làm thực phẩm phục vụ cho các lực lượng tham gia chiến dịch.
Các đơn vị bộ đội chủ lực, có con em của tỉnh Nghệ An tham gia rất đông đảo. Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên tỉnh Nghệ An đã hăng hái tham gia nhập ngũ, vượt chỉ tiêu quy định. Tất cả nhân lực này đã bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Công nhân trong các xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp đã dốc sức khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu rất cao của quốc phòng trong giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến và đảm bảo sản xuất, đời sống của nhân dân.
Các địa phương có nghề thêu, dệt, đan lát như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… đã sản xuất ủng hộ cho tiền tuyến hàng ngàn mét vải, quần áo, mũ, chăn. Nhân dân Nghệ An đã ủng hộ 300 kg thuốc lào, thêu 2.950 khăn tay gửi tặng các chiến sĩ, hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi ra chiến trường động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội thi đua giết giặc lập công.
Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất và đời sống được phát huy cao độ, các tổ đổi công đã giúp nhau khắc phục khó khăn, nhất là về nhân lực, công cụ sản xuất. Những gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và gia đình cán bộ neo đơn được các đoàn thể cử người chăm sóc. Những nơi bị địch ném bom được các vùng lân cận giúp đỡ tận tình. Nhân dân các địa phương trong tỉnh tổ chức đón nhận thương binh về làng chăm sóc, nuôi dưỡng. Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể quần chúng đã phát huy cao độ chức năng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Phong trào thi đua kháng chiến ở hậu phương đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu và quyết thắng của chiến sĩ ngoài tiền tuyến.
Trong chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”.
Trong số 15 cán bộ, chiến sĩ được Quốc hội tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An vinh dự có 3 người: Anh hùng, liệt sĩ Trần Can (quê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành); Anh hùng Phan Tư (quê ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) và Anh hùng Đặng Đình Hồ (quê ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương).
Được hậu phương hết lòng chi viện, ngày 7/5/1954, quân dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhìn lại đóng góp của mình đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về vai trò xứng đáng của mình vào sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là những di sản vô giá, là hành trang để các thế hệ người Nghệ An hôm nay và mai sau trân quý gìn giữ, phát huy và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Xứng đáng là quê hương của Người
Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng và Nhà nước trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện mới… 70 năm qua, âm hưởng, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tiến một bước dài trên hành trình dựng xây quốc gia ngày càng thịnh vượng, cũng như nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Trong hành trình đó, Nghệ An đã và đang có những đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp chung.
Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh không ngừng phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào.
Riêng trong năm 2023, kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước và thứ 3 của vùng Bắc Trung Bộ). Thu ngân sách của tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,11 tỷ USD, năm thứ 3 liên tiếp vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Trong bức tranh chung đó, Nghệ An có nhiều điểm sáng nổi bật, như: Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tốt. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm và có nhiều tiến bộ; tiếp tục giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong tốp đầu cả nước; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu. Tình hình quốc phòng, an ninh được đảm bảo, cơ bản ổn định. Công tác đối ngoại đạt được kết quả tích cực, đặc biệt, các hoạt động ngoại giao Nhà nước rất sôi động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; cùng tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 -NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 39 -NQ/TW xác định: Đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Nghị quyết số 39 -NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quê hương của Bác Hồ kính yêu, tạo điều kiện để tỉnh Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trong khu vực Bắc Trung Bộ, phù hợp và đáp ứng được những mong muốn, kỳ vọng của Trung ương và nhân dân cả nước trong bối cảnh phát triển mới. Sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước ta gửi gắm cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An chính là niềm tự hào to lớn, vừa cũng là trách nhiệm cao cả.
Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chủ động có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của các cấp ủy tổ chức Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh. Đội ngũ cán bộ phải nêu cao, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Người đứng đầu, lãnh đạo quản lý phải sự thật sự gương mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tích cực tham gia, năng động sáng tạo, ra sức thi đua yêu nước. Nghệ An phải xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, quyết tâm cao…để Nghị quyết số 39 -NQ/TW thành công; đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn vào Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước để thấy rằng, chính khát vọng độc lập cháy bỏng và tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, với niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ đã là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù. Lịch sử hào hùng năm xưa nhắc nhở rằng: Nghệ An phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, tốt đẹp của vùng đất con người xứ Nghệ để quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39, mang lại sự phát triển bền vững, đời sống tốt đẹp cho nhân dân tỉnh nhà; tạo lập nên những “Điện Biên Phủ” mới trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội… để xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”./.