Mỹ cần giải thích với Ukraine rằng viện trợ quân sự không kéo dài mãi

Hoàng Bách 19/05/2024 19:14

(Baonghean.vn) - Theo một bài báo, một thỏa thuận an ninh giữa Washington và Kiev sẽ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và có thể trở thành "trách nhiệm đối với Mỹ".

1419367.jpg
Ảnh minh hoạ: TASS

Theo bài báo đăng trên tạp chí The American Conservative, chính quyền Mỹ nên nói rõ với Kiev rằng họ sẽ không cung cấp viện trợ quân sự vô thời hạn vì hiểu rằng điều này sẽ thúc đẩy Ukraine bước vào các cuộc đàm phán cần thiết với Nga.

Theo đó, thỏa thuận an ninh giữa Washington và Kiev sẽ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và có thể trở thành “trách nhiệm đối với Mỹ”. "Bất chấp những hạn chế của Washington trong khả năng hỗ trợ Ukraine, điều này không ngăn được các nhà lập pháp Mỹ lờ đi những thực tế ấy bằng cách hứa hẹn hỗ trợ lâu dài cho Ukraine cho đến khi nước này giành chiến thắng hoàn toàn trước Nga. Việc đưa ra những lời hứa không thể thực hiện được sẽ gây tổn hại cho tương lai của Ukraine và khiến nước này không theo đuổi hoạt động ngoại giao cần thiết”, bài báo viết.

Bài báo chỉ ra: “Trong khi một số thành viên Quốc hội Mỹ đã khơi dậy những khát vọng ảo tưởng ở Ukraine, các nhà hoạch định chính sách phải thừa nhận rằng nguồn lực quân sự của Washington là hữu hạn”. Theo đánh giá của bài viết, Mỹ đang chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Kiev. Tạp chí nhấn mạnh: “Để giảm thiểu vấn đề này, Washington phải nói rõ với Kiev rằng họ không có khả năng cung cấp vĩnh viễn cho Ukraine những vũ khí cần thiết để phòng thủ lâu dài”.

Bài báo cũng nhấn mạnh rằng gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine “khó có thể xoay chuyển theo hướng có lợi cho Kiev”.

Theo tác giả bài báo, Alex Little, “Viện trợ của Mỹ cho Ukraine có lẽ sẽ chỉ có thể củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine và ngăn chặn những lợi ích của Nga trong thời gian ngắn”.

Little khẳng định: “Rào cản hậu cần có nghĩa là tác động của sự hỗ trợ sẽ không xảy ra ngay lập tức. Vì vậy, mọi mong muốn sử dụng viện trợ để giành lại lãnh thổ Nga chiếm giữ là không thực tế”.

Tác giả nhận định: “Khi nền kinh tế Nga tập trung vào nỗ lực chiến tranh ở Ukraine, sự khác biệt về khả năng chiến đấu giữa hai bên ngày càng gia tăng”. Ông cho rằng: “Xét đến thực tế hiện tại, Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ, nên tận dụng đòn bẩy ngoại giao của mình trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm nối lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, Israel và Đài Loan. Gói này trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine. Ngay sau khi nguyên thủ quốc gia ký các dự luật này, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine vũ khí và thiết bị trị giá 1 tỷ USD. Washington sau đó đã phân bổ cho Kiev lô vũ khí tiếp theo trị giá 400 triệu USD.

Hoàng Bách