Thấy gì qua xếp hạng PCI?
(Baonghean.vn) - Bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được công bố cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến.
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tăng theo từng năm
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây, tỉnh Nghệ An đạt 65,71 điểm, xếp thứ 44, tụt 21 bậc so với năm 2022. Với thứ hạng này, Nghệ An xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ (sau tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Thừa Thiên Huế - Top 30).
Trước tiên, phải khẳng định rằng trong 19 năm qua, Báo cáo PCI đã phản ánh cơ bản về thực tế chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương cấp tỉnh; trong đó bao gồm việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp dân doanh cùng với nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của địa phương đó.
Theo Báo cáo PCI, kết quả PCI năm 2023 trong tương quan so sánh với 18 năm qua, cho thấy chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh có xu hướng cải thiện theo thời gian. Xu hướng này có thể thấy rõ qua điểm số PCI và PCI gốc của tỉnh trung vị qua các năm.
Cụ thể, điểm Chỉ số PCI tại tỉnh trung vị của cả nước năm 2023 tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh trung vị trong PCI có điểm số trên 60. Điểm PCI gốc năm 2023 tại tỉnh trung vị đạt 66,57 điểm, cao hơn 1,12 điểm so với điểm PCI gốc tại tỉnh trung vị năm 2022, đánh dấu sự cải thiện liên tục từ năm 2016 đến nay.
Điều này khá trùng hợp với thời điểm Chính phủ bắt đầu ban hành hàng loạt Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 02 về cùng chủ đề,…).
Năm 2023, PCI Nghệ An có 5 Chỉ số thành phần tụt thứ hạng so với kết quả của năm 2022, gồm: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh, trật tự. Tuy nhiên, có nhiều chỉ số thành phần tăng điểm đáng ghi nhận như: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.
Có thể nói, nhờ vào sự quan tâm và quyết liệt trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số PCI của Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Về thu hút nguồn lực, trong 2 năm qua, Nghệ An liên tiếp đứng trong Top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, lần đầu tiên ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An vượt mốc 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 những địa phương thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất cả nước.
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 được Cục Thống kê Nghệ An công bố, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh với hơn 14.626 tỷ đồng chảy vào Nghệ An. Năm nay, Nghệ An đặt mục tiêu tiếp tục vào top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Ngày 4/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Tỉnh đã và đang quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả nhằm xây dựng Nghệ An là một điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều chỉ số thành phần được cải thiện
Quay lại Chỉ số PCI, có 3 chỉ số thành phần “đáng lo ngại” của Chỉ số PCI năm 2022 là: Gia nhập thị trường, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động lại tăng điểm đáng ghi nhận (lần lượt từ 6,77 lên 7,33; 6,64 lên 7,56 và 5,05 lên 5,65 điểm). Điểm số chỉ số thành phần Hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 có sự cải thiện mạnh nhất so với kết quả năm 2022 trong 10 CSTP. Cụ thể, điểm số trung bình chỉ số này năm 2023 toàn quốc đạt 6,39 điểm, tăng 0,6 điểm so với kết quả năm 2022; trong khi Chỉ số này Nghệ An đạt 7,56 điểm, tăng 0,92 điểm so với năm trước. Đó là những con số đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, thủ tục gia nhập thị trường cũng được doanh nghiệp đánh giá là thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Riêng chỉ số thành phần Gia nhập thị trường, năm 2022 Nghệ An chỉ đạt 6,77 điểm so với 6,99 điểm năm 2021. Năm 2023, chỉ số thành phần này đạt 7,33 điểm, tăng 0,56 điểm so với điểm số trung bình 7,31 của toàn quốc. Để đạt được điều này, tỉnh nhà đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các TTHC liên quan tới đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.
Chỉ số thành phần Đào tạo lao động là Chỉ số thấp nhất năm 2022 của Chỉ số PCI Nghệ An, được xác định bằng việc lấy ý kiến các doanh nghiệp qua 11 tiêu chí. Nhưng năm 2023, chỉ số này đã đạt 5,56 điểm, vượt 0,6 điểm so với kết quả năm 2022. Qua đó chúng ta thấy rằng, lao động tại tỉnh nhà đã từng bước đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; giáo dục phổ thông, đào tạo nghề đang từng bước được cải thiện.
Cũng theo Báo cáo PCI, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến. Năm 2023, chỉ số này đạt 7,08 điểm, tăng từ 7,01 điểm vào năm 2022 và 6,99 điểm vào năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục kể từ năm 2015.
Qua chỉ số CPI, những nét chính của công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh có thể quan sát thấy từ những thay đổi điểm số 10 chỉ số thành phần như: Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, chi phí không chính thức tiếp tục có chiều hướng giảm, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả khả quan.
Một số ý kiến khác nêu quan điểm, PCI là trải nghiệm của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại các sở, ngành nên trên thực tế luôn có khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, giữa tuyên bố và hành động của bộ máy cấp dưới, đó là sự khác biệt của Báo cáo PCI. Rằng, PCI không tuyệt đối chính xác nhưng có ý nghĩa về mặt thống kê, phản ánh môi trường kinh doanh, cung cấp thông tin cụ thể ở một góc độ nào đó cho địa phương.
Nhưng cái được của PCI là truyền đi thông điệp chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng điều hành hơn nữa, công khai, minh bạch và biết lắng nghe doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy địa phương cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn nhằm thu hút đầu tư, tạo việc làm, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương; và Nghệ An không phải là ngoại lệ.
Cũng cần lưu ý, mặc dù PCI dùng để đánh giá và xếp hạng các chính quyền cấp tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh, nhưng PCI cũng chỉ là một kênh tham khảo, một công cụ cải cách, nên các địa phương đừng quá chú trọng vào thứ hạng./.