Israel xây dựng 'mái vòm ảo' để chống tấn công mạng từ Iran

Hoàng Bách 03/05/2024 15:50

(Baonghean.vn) - Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel từ lâu đã bảo vệ nước này khỏi các tên lửa đang lao tới. Hiện họ đang xây dựng một "vòm ảo" trên không gian mạng để chống lại các cuộc tấn công trực tuyến, đặc biệt là từ kẻ thù của họ là Iran.

Israel muốn có hệ thống phòng thủ như Vòm Sắt để chống các cuộc tấn công mạng. Ảnh AFP.jpeg
Israel muốn có hệ thống phòng thủ như Vòm Sắt để chống các cuộc tấn công mạng. Ảnh: AFP

Aviram Atzaba, người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế của Tổng cục Mạng Quốc gia Israel, cho biết: “Đó là một cuộc chiến thầm lặng, một cuộc chiến không thể nhìn thấy được”.

Atzaba cho biết, trong khi Israel vẫn đang giao tranh với Hamas ở Gaza kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023, họ cũng phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công mạng từ Iran và các đồng minh của nước này.

“Họ đang cố gắng tấn công mạng mọi thứ có thể”, ông nói với AFP, đề cập đến phong trào Hamas và Hezbollah của Liban nhưng nói thêm rằng cho đến nay “họ vẫn chưa thành công trong việc gây ra bất kỳ thiệt hại thực sự nào”.

Ông cho biết, khoảng 800 cuộc tấn công lớn đã bị ngăn chặn kể từ khi chiến tranh nổ ra. Trong số các mục tiêu có các tổ chức chính phủ, cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự.

Một số cuộc tấn công đã không thể ngăn chặn được, bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các bệnh viện ở thành phố Haifa và Safed, trong đó dữ liệu bệnh nhân đã bị đánh cắp.

Atzaba cho biết, mặc dù Israel đã có hệ thống phòng thủ mạng nhưng từ lâu chúng bao gồm "những nỗ lực cục bộ không được kết nối".

Vì vậy, trong 2 năm qua, Tổng cục nói trên đã nỗ lực xây dựng một hệ thống tập trung, theo thời gian thực, hoạt động chủ động để bảo vệ toàn bộ không gian mạng của Israel.

Có trụ sở tại Tel Aviv, Tổng cục này hoạt động dưới quyền của thủ tướng. Cơ quan này không tiết lộ số liệu về nhân viên, ngân sách hoặc tài nguyên máy tính.

Atzaba cho biết Israel hợp tác chặt chẽ với nhiều đồng minh, bao gồm cả Mỹ, bởi vì "tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố trên mạng".

Ông nói: “Cần có một mạng lưới để chống lại một mạng lưới”.

"Một kẻ thù ấn tượng"

Chuck Freilich, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, liên kết với Đại học Tel Aviv, cho biết, Iran - kẻ thù không đội trời chung của Israel là “kẻ thù ấn tượng” trong các cuộc chiến trực tuyến.

Ông nói: “Các cuộc tấn công của họ nhằm mục đích phá hoại và phá hủy cơ sở hạ tầng, đồng thời thu thập dữ liệu tình báo và truyền bá thông tin sai lệch nhằm mục đích tuyên truyền”.

Iran đã hoan nghênh cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel, vụ việc mà theo một thống kê của AFP dựa trên số liệu chính thức của Israel, đã dẫn đến cái chết của 1.170 người, chủ yếu là dân thường.

Theo Cơ quan Y tế tại Gaza do Hamas điều hành, cuộc tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Hamas đã khiến ít nhất 34.596 người ở Gaza thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Căng thẳng khu vực đã tăng cao, đặc biệt sau khi Iran lần đầu tiên bắn trực tiếp hàng trăm tên lửa vào Israel hồi tháng trước để trả đũa cuộc không kích gây chết người của Israel nhắm vào lãnh sự quán Iran ở Damascus.

Đó là sự leo thang kịch tính nhất sau cuộc chiến âm thầm kéo dài nhiều năm giữa Israel và Iran.

Freilich lập luận trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 rằng Iran tương đối chậm đầu tư vào chiến tranh mạng, cho đến khi 2 sự kiện quan trọng gây ra sự thay đổi.

Đầu tiên, các nhà lãnh đạo lưu ý đến cách những người biểu tình chống chính phủ sử dụng Internet như một công cụ để huy động sự ủng hộ cho cuộc nổi dậy sau bầu cử năm 2009. Trong cuộc trấn áp, chính quyền Iran đã cắt quyền truy cập vào mạng xã hội và các trang web đưa tin về các cuộc biểu tình.

Sau đó, vào tháng 9/2010, một cuộc tấn công mạng tinh vi sử dụng virus Stuxnet, mà Iran đổ lỗi cho Israel và Mỹ, đã gây ra thiệt hại vật chất cho chương trình hạt nhân của Tehran.

Freilich cho biết vụ tấn công "cho thấy Iran cực kỳ dễ bị tổn thương và dẫn đến một cú sốc nghiêm trọng ở cấp độ quốc gia".

Ông nói, kể từ đó, Iran đã tích luỹ kiến thức chuyên môn đáng kể để trở thành "một trong những quốc gia tích cực nhất trong không gian mạng".

Bắt tay hợp tác

Atzaba nhấn mạnh rằng số lượng tin tặc chỉ là thứ yếu so với chất lượng công nghệ và cách sử dụng nó. Ông nói: “Trong 2 năm qua, chúng tôi đã phát triển một mái vòm trên không gian mạng chống lại các cuộc tấn công mạng, có chức năng giống như vòm sắt chống lại tên lửa”.

“Với vòm ảo, tất cả các nguồn được đưa vào một nhóm dữ liệu lớn cho phép xem được bức tranh toàn cảnh và kêu gọi phản ứng quốc gia một cách toàn diện và phối hợp”.

Ông nói: Hệ thống của Israel có nhiều máy quét khác nhau liên tục "giám sát không gian mạng của Israel để tìm các lỗ hổng và thông báo cho các bên liên quan về các phương tiện để giảm thiểu chúng".

Sức mạnh mạng của Israel dựa vào sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công, tư nhân và học thuật, cũng như các tin tặc “mũ trắng” của Israel giúp xác định điểm yếu.

"Chúng tôi cùng bắt tay nhau làm việc", ông nói.

Hoàng Bách