Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi

Phạm Thủy 29/04/2024 07:57

(Baonghean.vn) - Trong thời hoa lửa của chiến tranh vẫn đẹp mãi câu chuyện về một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để góp phần cho đất nước độc lập, thống nhất. Đó là bà Nguyễn Thị Minh Châu, nữ Trưởng Công an xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.

Bảo vệ an toàn hàng ngàn tấn hàng chi viện cho chiến trường miền Nam

Bà Châu sinh năm 1945 trong một gia đình đông anh chị em ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1964, bà tham gia Ban Công an với vai trò công an viên. 2 năm sau, bà đảm nhận chức danh Phó Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và hăng hái, tích cực, nhiệt tình trong công việc, bà được cấp trên tin tưởng, bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quỳnh Hồng và giữ chức vụ Trưởng Công an xã vào năm 1967. Lúc ấy, bà Châu mới 22 tuổi.

bna_1. ảnh pv.jpeg
Nay đã gần 80 tuổi, bà Châu vẫn giữ thói quen đọc sách. Bà chia sẻ, nhờ đọc sách, báo mà bà thấm nhuần tư tưởng Cách mạng từ sớm. Ảnh: Phạm Thủy

Từ năm 1965-1970, nhằm phá hủy Ga cầu Giát và chia cắt tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, không cho ta chi viện người và của vào chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ đã dùng pháo kích từ hạm đội 7 liên tục bắn vào. Quỳnh Hồng phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn bất kể ngày đêm, cướp đi hàng trăm mạng người, nhà cửa bị phá hủy, đường làng, hào giao thông, ruộng vườn bị cày xới… Chúng điên cuồng rải bom liên tục xuống ga tàu, Quốc lộ 1A làm tắc nghẽn giao thông, khiến xe chở hàng, xe chở pháo bị ùn lại.

Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Ban Công an xã cùng lực lượng dân quân, thanh niên xung phong đã khẩn trương tham gia sửa chữa, nâng cấp mặt đường để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Giữa đêm tối mịt mù, sặc mùi bom đạn, bà Châu đã cùng các đồng chí Công an xã phối hợp với lực lượng dân quân, phân công từng mũi dẫn xe vào nơi ngụy trang và lập tức cho hàng gửi vào nhà dân. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn, hàng nghìn tấn hàng trong hang đá, nhà dân được kiểm soát thường xuyên, giao nhận đúng nguyên tắc. Nhờ đó, từ năm 1967-1970 không để hư hỏng, mất cắp, nhà cửa, của cải của nhân dân đi sơ tán được bảo vệ an toàn.

“Nếu là xe chở đạn pháo thì chúng tôi dẫn đường, ngụy trang cho các xe vào hang đá trú ẩn an toàn. Còn xe chở hàng, chúng tôi đưa đến nhà dân an toàn. Để tránh mất mát, hư hỏng, tôi lên kế hoạch cụ thể, phân công các đồng chí Công an viên luân phiên, phối hợp với chủ hàng (thủ kho) và người dân (chủ nhà) cùng đồng thời giám sát. Xây dựng Tổ trị an ở các xóm, tuyên truyền về công tác an ninh, phòng chống máy bay địch ném bom, kịp thời sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn. Lực lượng Công an, dân quân, thanh niên ở lại vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy, mặc dù Quỳnh Hồng bị không quân địch đánh phá ác liệt, tôi và Ban Công an xã đã bảo đảm an toàn khoảng hơn 3.500 tấn hàng Nhà nước sơ tán trong nhà dân”, bà Châu kể.

bna_12. ảnh pv.jpeg
Trong những năm tháng chồng tham gia tăng cường cho chiến trường miền Nam, bà Châu với cương vị Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Ảnh: Phạm Thủy

Lợi dụng chiến tranh đang giai đoạn ác liệt, tội phạm hình sự trong xã thường xuyên móc nối với các đối tượng lưu manh đường dài để trộm cắp và tiêu thụ tài sản của công dân. Từ ngã tư cầu Giát đi xuống dọc đường tỉnh lộ 37 là nơi có nhiều cơ quan sơ tán đóng, cũng là nơi mà bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe đạp. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, Ban Công an xã Quỳnh Hồng đã thường xuyên tổ chức họp quán triệt tinh thần, phân công 4 đồng chí Phó Trưởng Công an xã phụ trách theo cụm. Các đối tượng chính trị, hình sự được rà soát, kiểm tra và phân loại theo định kỳ, có bản tự kiểm điểm hàng tháng, việc giám sát, theo dõi các đối tượng được tiến hành một cách chặt chẽ và thường xuyên.

Mặc dù phải chịu nhiều trận bom tàn sát, cướp đi nhiều người và tài sản, Ban Công an xã Quỳnh Hồng cùng nhân dân luôn làm tròn nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; luôn bám trụ giữ làng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Ban Công an xã là đơn vị quyết thắng về phong trào bảo vệ ANTQ trong 4 năm liền. Ngày 25/8/1970, bà Nguyễn Thị Minh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới tròn 25 tuổi.

Giữ truyền thống – Tiếp lửa thế hệ trẻ

Để gần cạnh các con, đầu năm 2004, vợ chồng bà Châu chuyển đến ở cùng nhà với con trai, ngôi nhà nằm khuất sâu trong một con ngõ trên đường Nguyễn Gia Thiều (phường Hưng Dũng, TP Vinh). Tiếp nối truyền thống của gia đình, người con trai cả và con gái thứ ba của vợ chồng bà Châu hiện đang là những cán bộ công tác tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An.

Là một trong hai người con của gia đình vinh dự được theo nghiệp của người mẹ anh hùng, Trung tá Trần Hải Hà không giấu được niềm tự hào sâu sắc về mẹ mình. Anh cho biết, từ nhỏ, anh đã được nghe mẹ kể về những năm bom đạn, chiến đấu với giặc Mỹ. Chính những chiến công, thành tích của mẹ là động lực, thôi thúc anh tự nguyện làm đơn vào phục vụ trong ngành Công an.

Chặng đường công tác đã qua, có những thời điểm khi đối diện với khó khăn anh đã chùn lòng nhưng nghĩ về người mẹ của mình, anh lại có động lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống gia đình tiếp tục cống hiến, góp sức mình vào sự bình yên, phát triển của quê hương.

“Về với đời thường, cùng với bố, mẹ tôi thực sự là trung tâm đoàn kết của cả gia đình. Mẹ luôn dõi theo, quan tâm và định hướng từng bước đi của con, của cháu”, anh Hà bộc bạch.

bna_8. ảnh pv.jpeg
Tiếp nối truyền thống, người con trai cả và con gái thứ ba của bà Châu hiện đang là những chiến sĩ Công an, công tác tại các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Thủy

Bà Châu còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền bà đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối, thành viên tích cực trong Chi hội người cao tuổi. Năm nay do tuổi cao sức yếu, để đảm bảo hoạt động hiệu quả của Chi hội, bà Châu đã xin nghỉ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của khối.

“Chị Châu luôn đồng hành với các hội viên bằng những việc làm thiết thực, đong đầy chia sẻ yêu thương. Chị thường xuyên trò chuyện, động viên chị em trong khối và dựa trên điều kiện thực tế, tổ chức nhiều mô hình hay để thu hút chị em phụ nữ cùng bà con nhân dân tham gia tổ chức Hội. Nhờ đó, phong trào của chi hội ngày càng lớn mạnh và phát triển”, bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khối Xuân Trung, phường Hưng Dũng chia sẻ.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Châu càng ý nghĩa hơn, khi cả nước đang hân hoan trong những ngày tháng 4 lịch sử - kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi càng biết ơn và kính trọng hơn sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những người như bà Châu, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Bà không chỉ làm tròn vai trò của người vợ, người con trong gia đình, mà vượt lên tất cả, còn làm nên những chiến công sáng ngời góp phần vào chiến thắng giặc Mỹ. Đó là động lực thúc giục, hiệu triệu thế hệ trẻ Công an Nghệ An cố gắng, phấn đấu, tiếp nối và tô thắm thêm truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phạm Thủy