Hấp dẫn mùa mận tam hoa nơi 'cổng trời' xứ Nghệ

Xuân Hoàng - Quang An 23/05/2024 09:08

(Baonghean.vn) - Lên "cổng trời" Mường Lống, du khách không những được tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ được ví như là Sa Pa của xứ Nghệ, mà còn được chiêm ngưỡng, thưởng thức vị ngọt mát của mận tam hoa - một đặc sản riêng có của huyện Kỳ Sơn.

Thủ phủ mận xứ Nghệ

Theo bước chân của người dân bản địa, chúng tôi vào khu vườn mận của gia đình ông Hờ Chồng Pó ở xã Mường Lống. Hàng trăm cây mận thân vỏ xù xì, rêu mốc, cây nào cũng trĩu quả. Ông Pó cho hay, cũng như mọi gia đình trong bản, vườn mận tam hoa này được trồng cách đây gần 30 năm, nên thân cây nào cũng rắn chắc cao gấp 2 lần người lớn. Do vậy, vào mùa thu hoạch, phải bắc thang để trèo lên ngọn mới hái được quả.

bna_mận 1.jpg
Mận Kỳ Sơn đang vào mùa chín rộ. Ảnh: Quang An

Năm nào cũng vậy, khi mận chín, cũng là lúc gia đình ông Pó đón khách thăm vườn. Hè này, khi mận chín bói đã có nhiều đoàn khách du lịch đến. Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách đến vườn nườm nượp, quả nào chín là khách hái ăn tại vườn. Không chỉ vườn mận của gia đình ông Pó mà các vườn mận khác ở bản Mường Lống 2 cũng rộn ràng khách du lịch.

“Trước đây, gia đình có trên 400 gốc mận, sau này 2 đứa con ra riêng, chia cho mỗi đứa hơn 100 gốc. Là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ của địa phương, cùng đó là phục vụ khách du lịch mỗi khi đến Mường Lống, nên các con đều bảo vệ vườn mận đẹp và có thu nhập. Năm nay, đầu vụ mận được thương lái thu mua 30.000 đồng/kg, vào giữa vụ giảm xuống còn 15.000 đồng/kg, song đây là cây trồng cho thu nhập cao và ổn định nhất”, ông Hờ Chồng Pó chia sẻ.

bna_smận 2.jpg
Vườn mận lâu năm của gia đình ông Hờ Chồng Pó, xã Mường Lống. Ảnh: Quang An

Dọc các tuyến đường bê tông nhỏ len lỏi trong các bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2, du khách có thể tự tay hái những trái mận chín mọng và thơm ngon, thỏa thích ngay tại vườn. Cảm giác hái những trái mận còn nguyên phấn cầm trên tay rồi thưởng thức, quả là một trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ. Ngoài hái mận, du khách có thể mượn những bộ đồ trang phục truyền thống của đồng bào Mông để chụp ảnh lưu niệm bên những gốc mận trĩu quả. Sau khi thỏa sức khám phá những vườn mận bạt ngàn, du khách có thể đến các điểm homestay trên địa bàn xã Mường Lống để nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ẩm thực độc đáo nơi cổng trời...

Mùa mận chín, cả xã Mường Lống như chộn rộn hơn. Chính quyền và nhân dân xã Mường Lống đang chuẩn bị cho “ngày hội hái mận”; ban quản lý các bản đang náo nức chuẩn bị cho hội chọi bò; người dân chuẩn bị đặc sản để bán cho du khách gần xa...

bna_6.JPG
Gốc mận hàng chục năm tuổi, thân cây đã xù xì, bám rêu xanh. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây mận tam hoa thay thế cây thuốc phiện, năm 1995, toàn xã trồng được khoảng 50 ha mận. Thời điểm đó, mận là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, có thời điểm, mận khó tiêu thụ, bà con chặt bỏ một phần để trồng cây khác, do đó, diện tích mận của xã Mường Lống hiện còn khoảng 23 ha, tập trung ở bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2. Trong đó, có nhiều gia đình bảo vệ, chăm sóc được vườn mận đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

bna_mận 3.jpg
Du khách chọn Mường Lống là điểm du lịch với phong cảnh hữu tình. Ảnh: Xuân Hoàng

Những năm gần đây, du khách đến với Mường Lống ngày càng nhiều, nhất là vào dịp mùa Xuân mận ra hoa và quả mận chín vào mùa Hè, khách đến nghỉ mát và tham quan vườn mận, nên xã có chủ trương vận động bà con mở rộng diện tích mận để phát triển du lịch. Do vậy, vài năm lại nay, nhiều hộ dân đã trồng mới vườn mận. Mận tam hoa trồng ở xã Mường Lống quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ, nên chất lượng tốt, bán được giá, có bao nhiêu thương lái thu mua hết ngay tại vườn.

Vui ngày hội hái mận

Ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, mận tam hoa là đặc sản của huyện Kỳ Sơn nói chung, xã Mường Lống nói riêng. Không chỉ cung ứng ra thị trường mà mận còn phục vụ phát triển du lịch khi du khách ngày càng biết đến Kỳ Sơn nhiều hơn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, phần lớn bà con để cây mận phát triển tự nhiên, chứ chưa đầu tư chăm sóc, năng suất mận chưa cao, trái chưa được đẹp như kỳ vọng.

bna_mận 2.jpg
Mận Mường Lống đỏ lịm, bắt mắt. Ảnh: Quang An

Do vậy, huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây mận hợp lý, nhằm mục đích tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo những vườn mận đẹp làm sản phẩm OCOP đặc trưng để phục vụ khách du lịch mỗi khi đến với huyện Kỳ Sơn. Hiện tại, mận ở huyện Kỳ Sơn được trồng nhiều nhất ở xã Mường Lống, ngoài ra, còn được trồng ở các xã: Tây Sơn, Nậm Cắn, Na Ngoi, với tổng diện tích khoảng 40 - 45 ha.

Những quả mận vào đầu Hè bắt đầu chín đều và nơi đây cũng là điểm được huyện Kỳ Sơn lựa chọn tổ chức “ngày hội hái mận” với nhiều hoạt động hấp dẫn như thi hái quả, thưởng thức mận, thi tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về quả mận; các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thi chọi bò… Tham gia ngày hội, du khách đã được tham quan, trải nghiệm công việc hái quả cùng với người dân và thưởng thức mận tam hoa ngay tại những vườn mận hàng trăm cây.

bna_ss.jpg
Ngày hội hái mận là hoạt động văn hoá đậm đà bản sắc tại cổng trời Mường Lống. Ảnh: CSCC

“Ngày hội hái mận” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận Kỳ Sơn, tôn vinh những người trồng mận; tạo cơ hội để người trồng mận được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mận, tạo ra sản phẩm có giá trị cao từ quả mận và quảng bá sản phẩm đặc sản huyện Kỳ Sơn đến với mọi miền Tổ quốc; bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị loại cây, con đặc sản trên địa bàn huyện.

bna_5.jpg
Du khách tham gia ngày hội hái mận được tổ chức vào ngày 19/5 vừa qua. Ảnh: CSCC

Đây cũng là cơ hội để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng mận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả mận, góp phần tạo việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho người nông dân trồng mận huyện Kỳ Sơn. Đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Xuân Hoàng - Quang An