Cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Gia Huy 07/05/2024 10:10

(Baonghean.vn) - Trước diễn biến phức tạp, gia tăng của tình hình tội phạm mua bán người, mới đây, Bộ Công an đã có khuyến cáo các cấp ủy, chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác đối với những phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng phạm tội nói trên hay sử dụng…

Nhận diện thủ đoạn

Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cho thấy: Trong quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong kỳ là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án; trong đó, 47 vụ/124 đối tượng phạm tội mua bán người, 39 vụ/99 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Nạn nhân M ở xã keng du kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Anh tu lieu tien dong.jpg
Một nạn nhân ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Tại Nghệ An, lợi dụng điều kiện còn có khó khăn về kinh tế và sự thiếu hiểu biết của người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… tội phạm mua bán người đã lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ để bán sang nước ngoài với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong các tháng đầu năm 2024, đã có một số vụ án mua bán người bị khởi tố hoặc đưa ra xét xử.

Đối tượng Lê Bảo Tín.- trú tại huyện Con Cuông kẻ lừa bán 10 đồng hương cho ông chủ Trung Quốc. Ảnh tư liệu như bình.jpg
Đối tượng Lê Bảo Tín - trú tại huyện Con Cuông kẻ lừa bán 10 đồng hương cho ông chủ Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Như Bình

Điển hình ngày 12/3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Bảo Tín (SN 1994), trú tại huyện Con Cuông về tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Theo cáo trạng, đầu tháng 7/2022, Tín cùng một người bạn sang Lào tham gia làm nhiệm vụ lừa đảo trên mạng xã hội cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ. Quá trình làm việc, Tín biết nếu đưa được người Việt Nam sang Lào làm việc thì được ông chủ Trung Quốc trả 35 triệu đồng/người nên liên lạc về quê, thuyết phục nhiều người. Để dụ dỗ các nạn nhân, Tín đưa thông tin là sang Lào “làm việc trên mạng”, lương 17 triệu đồng/tháng. Trong số 10 nạn nhân, có người thời điểm bị bán sang Lào mới hơn 15 tuổi.

Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt Lê Bảo Tín 12 năm tù về tội “Mua bán người”, 12 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Tín phải thi hành bản án 24 năm tù.

1.jpg
Đối tượng Cụt Khăm Hương. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuấn

Cũng trong tháng 3/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cụt Khăm Hương (SN 1995), trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) để điều tra về tội “Mua bán người”. Theo điều tra, khoảng tháng 4/2015, Hương đã liên lạc với Chích Thị Th. (SN 1999), trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn (là người yêu của Hương) để bàn với Th. sang Trung Quốc làm công nhân và cô gái này đồng ý.

Khoảng 1 tuần sau, Hương quay về huyện Kỳ Sơn đón xe khách đưa người yêu ra thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi vượt biên sang Trung Quốc. Sau khi sang đến Trung Quốc, Hương đã liên lạc với một người phụ nữ tên Lý rồi bán Th. cho người này với số tiền 90 triệu đồng. Th. sau đó trốn được về Việt Nam và làm đơn tố cáo hành vi của Cụt Khăm Hương.

1.jpg
Đối tượng Lữ Thị Quế. Ảnh tư liệu: Phan Tuyết

Trước đó, vào đầu tháng 1 năm 2024, Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Lữ Thị Quế (SN 1972), trú tại bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương để điều tra, làm rõ hành vi mua bán trẻ em. Quá trình đấu tranh, Ban Chuyên án xác định: Vào khoảng tháng 5/2016, Lữ Thị Quế tiếp cận em L.T.L. (SN 2002), trú tại bản Minh Thành, xã Lượng Minh. Lợi dụng em L. có hoàn cảnh khó khăn, bằng các thủ đoạn Quế đã dụ dỗ, lôi kéo em L. đồng ý đi sang biên giới rồi bán em L. cho một người đàn ông nước ngoài lấy làm vợ với số tiền gần 300 triệu đồng, Quế hưởng lợi khoảng 30 triệu đồng.

Theo Bộ Công an, qua các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn nổi lên mà các đối tượng phạm tội thường xuyên sử dụng như sau: Các đối tượng tiếp tục triệt để lợi dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội, nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh như quán karaoke, cắt tóc, mát-xa…

Cơ quan công an làm việc với Vi Thị Thoan (trú tại Bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) về tội %22Mua bán người%22. Anh tư lieu phạm thuy1.jpg
Cơ quan công an làm việc với Vi Thị Thoan (trú tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) về tội "Mua bán người". Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” tiếp tục được các đối tượng triệt để lợi dụng, đưa người ra ngoài biên giới làm việc trong các sòng bạc, cơ sở game online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến; nạn nhân bị dụ dỗ, lừa gạt chủ yếu tại địa bàn biên giới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, các đối tượng người Việt Nam trong nước cấu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân xuất cảnh với lời hứa “việc nhẹ lương cao”thông qua các hình thức như: xem ảnh, tuyển chọn nạn nhân qua mạng xã hội... sau đó, hướng dẫn nạn nhân xuất cảnh bằng đường hàng không.

Hai đối tượng Cụt Thị Ngọc ( trú tại huyện Quế Phong) và Ven Thị Hoài ( trú tại huyện Kỳ Sơn) lĩnh 12 năm tù vì tội mua bán người. Ảnh tư liêu Hà Vũ.JPG
Hai đối tượng Cụt Thị Ngọc ( trú tại huyện Quế Phong) và Ven Thị Hoài (trú tại huyện Kỳ Sơn) lĩnh 12 năm tù vì tội mua bán người. Ảnh tư liệu: Hà Vũ

Tại nước ngoài, các nạn nhân bị bắt làm những công việc như: tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc trong các sòng bạc do người nước ngoài làm chủ; nếu muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn. Hoặc các đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt Nam môi giới, lừa gạt phụ nữ Việt Nam đưa ra nước ngoài kết hôn trái pháp luật, ép hoạt động mại dâm diễn ra phức tạp tại một số tỉnh biên giới phía Bắc.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Dự báo tình hình tội phạm mua bán người trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ Công an khuyến cáo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác tội phạm, chung tay trong việc đẩy lùi hành vi mua bán người.

3.jpg
Một nạn nhân của tội phạm mua bán người trình bày tại toà. Ảnh: Trần Vũ

Đối với địa bàn Nghệ An, trong 2 năm qua, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ, 23 đối tượng phạm tội mua bán người; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác xác minh, giải cứu 23 nạn nhân về nhà. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, nhất là tại các địa phương trọng điểm.

Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương).jpg
Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người được duy trì và nhân rộng. Điển hình như tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn trước đây vốn được biết đến là điểm nóng về tình trạng mua bán người, bán bào thai, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Đầu năm 2020, xã Hữu Kiệm đã thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán người”, nhân rộng ra 9 bản trên địa bàn.

Các câu lạc bộ đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tập trung tại nhà văn hóa các bản; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các diễn đàn tuyên truyền, sử dụng người thật, việc thật là những nạn nhân từng bị mua bán làm tuyên truyền viên. Xã Hữu Kiệm còn thành lập tổ phòng, chống buôn bán người thường xuyên bám nắm tình hình cơ sở; phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân trong việc phát hiện các đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn xuất hiện tại địa bàn, kịp thời báo cáo cho Công an xã xử lý kịp thời. Nhờ vậy, nhận thức của đồng bào dần thay đổi tích cực.

Theo bà Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn, ngoài xã Hữu Kiệm, trên địa bàn huyện còn thành lập câu lạc bộ phòng, chống buôn người tại các xã là điểm nóng khác như Phà Đánh, Chiêu Lưu... Hàng quý, các câu lạc bộ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền giúp người dân, nhất là phụ nữ ở các xã vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, Luật Hôn nhân, bình đẳng giới và nhất là phòng, chống buôn bán người.

4.jpg
Lực lượng Công an xã tại huyện Kỳ Sơn đến tận nhà để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về thủ đoạn tội phạm mua bán người. Ảnh: Lữ Phú

Tại nhiều địa phương khác như Tam Quang, Nga My, Yên Hòa (Tương Dương), xã Hạnh Dịch Quế Phong), Đôn Phục (Con Cuông)… mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” hoặc “Lá chắn phòng, chống mua bán người” cũng phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông. Qua đó, nhận thức của người dân ngày được nâng cao, tình hình tội phạm buôn bán người giảm rõ rệt.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5442//UBND-NC, trong đó, giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phòng ngừa tội phạm mua bán người.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền, vận động đồng bào cảnh giác với tội phạm mua bán người. anh phuong linh.jpeg
BĐBP Nghệ An tuyên truyền, vận động đồng bào cảnh giác với tội phạm mua bán người. Ảnh: Phương Linh

UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội phối hợp tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro từ việc mua bán người.

Gia Huy