Lao động lành nghề ở Nghệ An rộng cửa xuất cảnh

Thanh Nga 27/05/2024 13:56

(Baonghean.vn) - Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông, ưu tiên lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản. Đây là cơ hội lớn cho những lao động đã qua đào tạo ở Nghệ An.

Rộng cửa đón lao động có nghề

Tháng 2/2024, Phan Huy Sơn quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương được xuất cảnh trong niềm vui của cả gia đình. Sơn cho biết: “Trước đây, tôi từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Hàng hải, khoa Đóng tàu, nhưng chưa tìm được công việc phù hợp vì nghề này cũng rất ít việc làm ở tỉnh ta. Tôi phải loay hoay với các công việc thời vụ như lắp ráp linh kiện điện, điện tử tại các nhà máy, công ty trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Nam. Sau nhiều năm, tôi chẳng tích trữ được bao nhiêu nên muốn tìm cơ hội sang nước ngoài làm việc.

Sau một thời gian tìm kiếm thì tôi cũng tìm được nơi tiếp nhận đúng nghề nghiệp mà mình được đào tạo. Tại Hungaria đang cần rất nhiều lao động có nghề đóng tàu như tôi. Và sau 3 tháng học tiếng với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng, tôi đã có thể xuất cảnh. Hiện tại, tôi có thu nhập ổn định từ 30 – 50 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền thu nhập trong mơ của gia đình tôi”.

Lao động  hợp đồng tại Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng sang Croatia làm việc .jpeg
Lao động xuất cảnh sang các nước châu Âu. Ảnh: Công ty cung cấp

Cũng như Phan Huy Sơn, Nguyễn Đình Tuấn ở Nghĩa Thái (Tân Kỳ) cũng vừa bay được sang Đan Mạch trong tháng 3/2024 với nghề Xây dựng. Tuấn cho biết: “Chỉ mất 3 tháng học nghề, tôi đã qua được kiểm tra đạt chuẩn tay nghề mà công ty phía bạn yêu cầu, và khi sang làm việc tại đây tôi được ông chủ đối xử rất tốt, mức lương 40 triệu đồng/tháng cũng là mức thu nhập lý tưởng với tôi".

lao động được đoà tạo định hướng tại CT CPTM Phúc Chiến Thắng.jpeg
Lao động tại Công ty Phúc Chiến Thắng được đào tạo định hướng trước khi xuất cảnh. Ảnh: Công ty cung cấp

Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng cho biết, họ vừa nhận được đơn hàng 1.000 lao động của các nước châu Âu gồm Hungari, Rumani, Croatia, Đan Mạch cho các lao động có tay nghề hàn, xây dựng, đóng tàu… với mức thu nhập cao từ 40 – 60 triệu đồng/tháng. Theo ông Nguyễn Lê Thắng – Giám đốc công ty thì: Đơn hàng cần lao động có nghề rất nhiều nhưng chúng tôi rất khó tuyển dụng. Và kết quả là từ đầu năm lại nay, công ty chỉ mới đưa được khoảng 40 lao động đi các nước châu Âu.

Lao động tại CT CPTM Phúc Chiến Thắng được test nghề xây dựng .jpeg
Lao động học nghề xây dựng. Ảnh: Công ty cung cấp

Ngoài thị trường châu Âu đang được các đơn vị môi giới tích cực tuyên truyền để đến được với người lao động có nhu cầu thì thị trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục được xem là nơi làm việc lý tưởng của các lao động Việt.

Theo ông Trần Hữu Thượng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc thông báo, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nước này có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Trước thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở trong nước, Chính phủ Hàn Quốc thời gian gần đây đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Đáng chú ý, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc vừa công bố cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mà Việt Nam đang tham gia.

Theo đó, Hàn Quốc tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết nạn thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú, nhằm đẩy nhanh thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu của Hàn Quốc, từ giữa năm 2022, các ban, ngành hữu quan Việt Nam, đặc biệt là Tỉnh Nghệ An sau khi nhận được công văn đã tích cực triển khai đào tạo, hỗ trợ để đẩy nhanh số lượng lao động được phép nhập cảnh vào xứ sở kim chi.

Ông Trần Hữu Thượng cho biết: “Đến thời điểm này, đã có 2.500 lao động Nghệ An xuất cảnh sang Hàn Quốc. Tuy lượng lao động có nhu cầu sang làm việc tại xứ sở kim chi rất lớn nhưng việc đáp ứng được các kỳ thi tuyển là điều vô cùng gian nan”.

Trước thực trạng này, nhiều đơn vị môi giới như Công ty Phúc Chiến Thắng, Công ty TMCP Quốc tế Kaizen, Công ty New Horizon đang nỗ lực đàm phán với phía Hàn Quốc để được phép hợp đồng các đơn hàng E9 – 5, và E10 là những đơn hàng có nghề thú y, giúp việc gia đình, nghề ngư nghiệp.

“Hạng mục lao động thu nhập cao đang hướng tới những đơn hàng có tay nghề, bởi bản thân những nhà tuyển dụng họ cũng muốn có sự tin cậy đối với lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động Nghệ An” - ông Nguyễn Lê Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng cho biết.

Lao động có tay nghề sẽ ít bỏ trốn

Theo ông Nguyễn Lê Thắng, hiện tỷ lệ lao động có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An và Hà Tĩnh bỏ trốn khi sang nước ngoài rất lớn. Phần nhiều trong số đó là lao động chưa qua đào tạo, chưa có nghề ổn định. Thế nên, đối với các đơn hàng lao động phổ thông, Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng đang hạn chế thu nhận.

“Chỉ các đơn hàng cần lao động có tay nghề chúng tôi mới tuyển dụng, bởi lẽ, nếu nhận một đơn hàng tầm 100 lao động nhưng chỉ cần 10 lao động bỏ trốn thì ngay lập tức đơn hàng đó bị huỷ, và chúng tôi không có cơ hội lần sau. Thế nên chúng tôi chỉ ưu tiên những lao động có nghề, vì thường lao động có nghề họ có thu nhập ở mức cao nên không bỏ trốn”- Ông Thắng nói.

Lao động nước ngoài.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì hiện tại chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ bỏ trốn tại tất cả các thị trường có lao động Nghệ An làm việc theo hợp đồng, nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hiện tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%. Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với 41.044/697.702 người. Tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245/46.000 người (chiếm tỷ lệ 26%). Thị trường Đài Loan có 24.000/256.576 người (chiếm tỷ lệ 9%).

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lao động “đứng núi này trông núi nọ”, tay nghề yếu kém dẫn đến muốn nhảy việc để có chỗ làm mới với mức thu nhập cao hơn.

Theo Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH thì: “Mục tiêu của năm 2024 là đưa được 16.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu (như Hungaria, Rumania, Croatia,...), trong đó đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%”.

Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Muốn có được tỷ lệ lao động có nghề cao khi tham gia xuất khẩu lao động thì phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn lao động trước khi xuất cảnh; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề lao động Nghệ An, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nước ngoài. Trong đó, chú trọng đến các yếu tố về kỹ năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật...

Thanh Nga