Kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất trên núi Đài Sơn
(Baonghean.vn) - Ngày 25/4, trên núi Đài Sơn, xã Thanh Chi (Thanh Chương) phối hợp với dòng họ Trần Đức long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất do Trần Tấn – Đặng Như Mai lãnh đạo.
Tham dự buổi lễ có ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, đại diện các ban ngành cấp huyện, họ Trần Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa quốc gia tỉnh Nghệ An…
Buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, long trọng ngay trên đàn Tế cờ của nghĩa quân Trần Tấn năm xưa, những người có mặt đã cùng nhau ôn lại lịch sử, xem phim tư liệu về cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất năm 1874.
Theo diễn văn khai mạc của ông Trần Đức Khiếng – Phó ban Tổ chức buổi lễ, Trần Tấn người làng Chi Nê (nay là thôn Trường Niên), xã Thanh Chi (Thanh Chương) vốn là một tú tài yêu nước, đã từng làm Bang biện Thanh Chương. Đặng Như Mai quê ở xã Nam Kim (Nam Đàn) là học trò xuất sắc của Trần Tấn.
Sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, ngày 17/3/1874, Trần Tấn, Trần Hướng (con trai) cùng với Đặng Như Mai và anh em nghĩa sĩ đã làm Lễ tế cờ trên núi Đài Sơn, phát hịch “Bình Tây sát tả” kêu gọi nhân dân đứng dậy đánh giặc giữ nước, đánh cả quân Pháp lẫn quân triều đình, kể cả bọn phản động đội lốt tôn giáo.
Nghĩa quân không ngừng lớn mạnh, lấy Thanh Thuỷ ở Nam Thanh (Nam Đàn) làm căn cứ chính; phối hợp với những cánh quân ở các địa phương tiến đánh hầu khắp các phủ, huyện từ miền núi, đến đồng bằng ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trung tuần tháng 7/1874 hầu hết các vùng ở Nghệ Tĩnh, đều nằm trong tầm kiểm soát của nghĩa quân (trừ thành Nghệ An). Trên đà thắng lợi, quân của Trần Tấn gây thanh thế và mở rộng ảnh hưởng ra các tỉnh bên cạnh.
Tuy nhiên do những sai lầm, thiếu sót về đường lối, sách lược, nghĩa quân rơi dần vào suy yếu, bị quân Pháp và quân triều đình tấn công trở lại, phải rút về miền Tây Nghệ Tĩnh để cầm cự. Sau đó Trần Tấn đưa một cánh quân sang Lào để củng cố lực lượng, nhưng do tuổi cao sức yếu, ông lâm bệnh và mất ngày 22/8 năm Giáp Tuất (1874). Ít lâu sau Trần Hướng và Đặng Như Mai cũng bị bắt và bị xử chém tại Vinh.
Cuộc khởi nghĩa Trần Tấn – Đặng Như Mai bị dập tắt, nhưng vẫn sáng ngời tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm của sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh, cổ vũ mạnh mẽ phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta.
Ghi nhận công lao to lớn của Trần Tấn trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước, đàn Tế Cờ, mộ Trần Tấn và nhà thờ Trần Tấn tại xã Thanh Chi đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2002. Tên ông đã được đặt tên cho những con đường ở thành phố Vinh, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, thị trấn Thanh Chương…
Tại buổi lễ, dòng họ Trần Đức đã đón nhận thanh kiếm được cho là binh khí thời Nguyễn tìm thấy tại bến Gành, xã Thanh Chi – từng là nơi vận chuyển vũ khí của nghĩa quân Trần Tấn do ông Nguyễn Văn Diện đang công tác tại Phòng Văn hóa – thông tin huyện Thanh Chương trao tặng, bổ sung vào hệ thống di vật của Di tích lịch sử Quốc gia Trần Tấn.
Dịp này, đại diện dòng họ Trần cũng đã trao tặng gia huy cho họ Trần Đức, trao tặng kỷ vật cho con cháu họ Trần, trao quà cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.