Nhận diện thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán
(Baonghean.vn) - Gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat, giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền, chúng khóa tài khoản, chiếm đoạt tiền của bị hại.
Đánh vào tâm lý hám lợi nhuận và sự thiếu hiểu biết
Trong khuyến cáo ngày 4/5/2024 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô -Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đầu tư chứng khoán thường xuyên sử dụng là: Lợi dụng yếu tố tâm lý về lợi nhuận, sự thiếu hiểu biết của người dân và một số nhà đầu tư, các đối tượng tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi, thực hiện cuộc gọi đến và mời người dân tham gia các hội nhóm (group chat), các khóa học online về đầu tư chứng khoán.
Khi các nạn nhân đồng ý tham gia các nhóm chat, hội nhóm kín, các đối tượng tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường.
Để nhận được các ưu đãi trên, các đối tượng đã hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link hoặc cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động, do chúng cung cấp. Khi nạn nhân đăng ký tài khoản vào các website, app trên điện thoại, các đối tượng tiếp tục lôi kéo nạn nhân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến theo từng mã cổ phiếu đang có tiềm năng trên thị trường chứng khoán.
Tại đây, nạn nhân được các đối tượng giải thích do các quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp đã liên kết với các công ty chứng khoán nên được hỗ trợ và có ưu đãi cao; hoặc là doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu cho người lao động và mời chào nạn nhân mua lại suất cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên đó với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường…
Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng đã cung cấp cho nạn nhân các giấy tờ pháp lý của quỹ đầu tư như: Giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp, Giấy phép kinh doanh hoạt động, Giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát… và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty, quỹ đầu tư với những lời hứa hẹn lãi suất cao, nếu thua lỗ thì sẽ được đền bù và giá mua các mã cổ phiếu qua các quỹ đầu tư sẽ có ưu đãi từ 15%-30% so với giá đang giao dịch.
Theo Bộ Công an: Đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các đối tượng, nộp tiền vào ứng dụng và liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần trong một vài phiên giao dịch đầu tiên. Các nhà đầu tư cũng được xem nhiều tài khoản có lợi nhuận của các nhà đầu tư khác (là nick ảo do chúng tạo lập). Thực tế, đây là thủ đoạn tạo các giao dịch ảo để tạo niềm tin, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân gửi thêm tiền vào tài khoản đầu tư.
Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của quỹ. Lúc này, các đối tượng sẽ không ngừng dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng với các lý do như: Nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để được rút tiền… Nhiều nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý, phải chuyển thêm tiền nếu không sẽ bị mất số tiền đã nộp trước đó.
Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển vào app. Khi phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng đã xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc với nạn nhân.
“Công tác xác minh, truy tìm hiện nay gặp nhiều khó khăn do hầu hết các group chat đều có địa chỉ ở ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam”- Người phát ngôn Bộ Công an cho biết.
Từ nạn nhân trở thành đối tượng lừa đảo
Tại Nghệ An, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các cách thức lừa đảo đầu tư tài chính với lợi nhuận hấp dẫn này, tuy nhiên vẫn có nhiều người dân bị lừa đảo với số tiền lớn. Cá biệt một số nạn nhân từ bị hại đã trở thành đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình như trường hợp Trần Thị Soa (SN 1985), trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành vốn chỉ làm công việc liên quan đến “tâm linh”. Tháng 5/2023, Soa bắt đầu “lấn sân” sang đầu tư chứng khoán.
Mặc dù quá trình đầu tư, Soa từng bị mất trắng mấy chục triệu đồng và nhiều người khuyên Soa chỉ nên tập trung vào công việc “chuyên môn”, nhưng “vì đồng tiền làm mờ mắt”, Soa đã bỏ ngoài tai toàn bộ lời khuyên, đưa hết tài sản tích góp bao năm “nướng hết” vào đầu tư tiền ảo.
Để có tiền “gỡ gạc”, tiếp tục “đầu tư”, Soa nảy sinh ý định lợi dụng người quen là chị T.T.Q. trú tại thị xã Thái Hòa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lấy lý do chị Q. và con trai chị gặp nạn, “phải đặt tiền làm lễ đáo cung, cắt vía âm, đổi vía dương”, Trần Thị Soa đã 3 lần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Q. với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt của nạn nhân được Soa đầu tư vào chứng khoán nhưng tiếp tục thua lỗ, mất trắng và bị hệ thống “đầu tư” chặn toàn bộ cách thức liên lạc. Ngày 30/10/2023, Trần Thị Soa đã bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) bắt giữ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hay trường hợp Nguyễn Thị Vân (SN 1988), quê xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tạm trú ở phường Trung Đô, TP. Vinh. Do tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo trên mạng Internet nhưng càng đầu tư, Vân càng thua lỗ nặng, số tiền vay mượn tiền để đầu tư cũng mất sạch. Trước sức ép của việc trả nợ cùng tâm lý muốn tiếp tục đầu tư vào tiền ảo, Vân nảy sinh ý định lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản cho khách hàng.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2021 Nguyễn Thị Vân đã thực hiện 7 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Tại phiên toà diễn ra vào đầu năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Vân tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo ngành chức năng, điểm chung của các vụ án trên trước khi phạm tội các đối tượng đều là nạn nhân đã mất trắng khoản tiền tỷ do đầu tư kinh doanh trên mạng xã hội nên “ bí quá hóa liều”, quay ra lừa đảo ngoài thực tế, và từ bị hại, họ tự biến mình trở thành đối tượng phạm tội và vướng vào vòng lao lý.
Cảnh giác để không sập bẫy
Trước thực trạng nêu trên, lực lượng Công an khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư: Tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán. Tuyệt đối không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào các website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Khi muốn tham gia, cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như: Trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng… Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời…
Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không để “lợi nhuận” làm mờ mắt, từ đó bị các đối tượng qua mạng xã hội thao túng tâm lý, bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau, dẫn dụ “sập bẫy” lừa đảo đầu tư tài chính, chứng khoán... dẫn đến “tiền mất, tật mang”.